Ảnh minh họa.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất vừa hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên, thay vì 80 tuổi trở lên như dự thảo trước đó và quy định hiện hành của Luật Người cao tuổi.
Tại dự thảo Luật, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Đáng chú ý, tại dự thảo hoàn thiện, Bộ đề xuất điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Khi đạt các điều kiện trên, người cao tuổi sẽ được ngân sách Nhà nước trợ cấp hàng tháng, với mức 500.000 đồng/người/tháng (thay vì mức 360.000 đồng/người/tháng hiện hành). Người nhận trợ cấp cũng được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định này nhằm gia tăng đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng mà không phát sinh tăng nhiều ngân sách Nhà nước, do ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế, còn trợ cấp hàng tháng do Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo từ thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Theo tính toán, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 05 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay có thể được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ 65 tuổi thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Số tiền trợ cấp hàng tháng hưởng sớm 10 năm từ Quỹ bảo hiểm xã hội do người lao động đã có 5 năm đóng góp, đồng thời người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, đảm bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện, dự thảo kế quy định, đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo thì các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi.
Còn trợ cấp hàng tháng do Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo thì sẽ do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện.
Đánh giá tác động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc tăng mức trợ cấp hàng tháng với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên từ 360.000 đồng lên thành 500.000 đồng thì kinh phí phát sinh thêm ước tính vào khoảng hơn 7,1 nghìn tỉ/năm, bao gồm giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi 05 nghìn tỉ đồng, điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ 360.000 đồng thành 500.000 đồng là 2,1 nghìn tỉ đồng.
Đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác, việc nâng mức trợ cấp sẽ giúp cho những người cao tuổi này có thêm hỗ trợ về kinh tế để cải thiện cuộc sống.
Ước tính hiện nay có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác đang hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 sẽ có thêm khoảng hơn 700 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).
Tuy nhiên, mới chỉ có 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 5,1 triệu người.
Theo mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người.
Để đạt mục tiêu Trung ương giao, trong 06 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tương đương 3,84 triệu người.
TRẦN QUÝ
Đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm đối với 11 nhóm xe ô tô, xe cơ giới