/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

Đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

10/09/2024 22:50 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự nhằm hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Ảnh minh hoạ. 

Bộ Tư pháp cho biết, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự là một trong bốn luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Luật này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, kế thừa các quy định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự còn phù hợp của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung các nội dung mới, cụ thể, chi tiết đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù riêng của hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.

Tại dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, đối với quy định "Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam" tại Chương II, Bộ Tư pháp cho biết, các quy định của Chương này kế thừa quy định của Chương II của Luật Tương trợ tư pháp và nâng cấp một số quy định của Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự lên thành luật (Điều 10, Điều 11) và bổ sung một số nội dung để cụ thể hoá chính sách đã được phê duyệt.

Cụ thể, tại Điều 10 quy định thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam, Bộ Tư pháp đã đề xuất mở rộng thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự so với quy định hiện hành, theo đó, Bộ đề xuất: Cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam là Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho biết, tại dự thảo, Bộ đề xuất giảm bớt một loại văn bản bắt buộc trong hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự so với quy định tại Luật Tương trợ tư pháp hiện hành. Cụ thể, theo Luật hiện hành, hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự phải có các văn bản sau đây: 1- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự; 2- Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 của Luật này; 3- Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được ủy thác.

Theo dự thảo, hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam, bao gồm: Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 của Luật này; Giấy tờ về việc nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.

Dự thảo cũng nêu rõ, ngoài các giấy tờ trên, hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự có thể bao gồm các giấy tờ sau: Giấy tờ liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự; Giấy tờ theo quy định pháp luật của nước được yêu cầu.

Ý NHƯ

Nguyễn Mỹ Linh