/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong hoạt động hành nghề Luật sư

Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong hoạt động hành nghề Luật sư

05/02/2023 22:44 |

(LSVN) - Thiên chức của Luật sư là đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức là cái gốc, nó ra đời, gắn liền với sự phát triển của lịch sử loài người. Từ cổ chí kim, biết bao nhiêu học giả luận bàn về đạo đức, xây dựng nên học thuyết. Từ đó định ra những chuẩn mực của hành vi ứng xử, làm thước đo để đánh giá con người. Chức năng xã hội của Luật sư xuất phát từ nền tảng đạo đức nghề nghiệp, được hình thành từ những nét đặc trưng thông qua hành vi ứng xử của Luật sư trong hành nghề. Đây là phẩm chất riêng biệt về nghề nghiệp của mỗi Luật sư. Bởi vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành là những thước đo phẩm chất, đạo đức của Luật sư trong quá trình thực hiện chức năng xã hội của mình.

Ảnh minh họa.

Hành nghề Luật sư không những liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước bằng pháp luật mà còn liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, khi hành nghề, Luật sư phải thể hiện tính độc lập và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước khách hàng. Tính độc lập là cơ sở quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. Luật sư phải có trách nhiệm duy trì, bảo vệ nguyên tắc độc lập trong hành nghề. 

Tính độc lập trong hành nghề Luật sư

Tính độc lập trong hành nghề Luật sư được thể hiện trước hết bởi việc Luật sư hành nghề trên cơ sở pháp luật và Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, không chịu bất cứ áp lực nào, cản trở nào từ bên ngoài. Hoạt động Luật sư độc lập với cơ quan nhà nước là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Độc lập với khách hàng là cơ sở để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, không chạy theo yêu cầu đòi hỏi không đúng pháp luật, không phù hợp Bộ Quy tắc của khách hàng. Nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Luật sư tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động hành nghề và ngược lại.

Tính trung thực trong hành nghề Luật sư

Trong xã hội văn minh, nghề Luật sư phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao về khả năng chuyên môn và tính trung thực. Trung thực là một thuộc tính của phẩm chất. Vì vậy, phẩm chất trung thực được coi là một nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động hành nghề Luật sư, bởi khách hàng không chỉ tin vào kiến thức mà còn tin vào cả tính trung thực, chuẩn mực và những ảnh hưởng nhất định của Luật sư trong quá trình phát triển của xã hội.

Trước số phận pháp lý của mỗi con người Luật sư phải có bổn phận thực hiện nghĩa vụ của mình bằng tất cả lương tâm nghề nghiệp, bằng lòng nhân ái, trung thành, bằng sự liêm chính và đôi khi bằng cả lòng quả cảm.

Bởi vậy, phẩm chất trung thực phải trở thành một thuộc tính đặc thù nghề nghiệp của Luật sư trong mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, với cơ quan tố tụng, các cơ quan tổ chức khác và cộng đồng xã hội.

Tôn trọng sự thật khách quan trong trong hành nghề Luật sư

Luật sư khi hành nghề đòi hỏi phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nghĩa vụ của mình một cách chuẩn mực và tận tâm với công việc mà mình tiếp nhận. Không được dùng thủ đoạn đánh lừa, bóp méo, bẻ cong sự thật khách quan để mưu đồ lợi ích cho mình. Khi tiến hành công việc, Luật sư phải luôn luôn thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan, không áp đặt ý thức chủ quan, duy ý chí.

Thực hiện nguyên tắc độc lập trong hành nghề, phát huy phẩm chất trung thực, giữ được giới hạn các giá trị chuẩn mực của pháp luật, không bị lung lay bởi các lợi ích vật chất hay bất kỳ một thế lực nào khác để làm trái pháp luật và Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Luật sư HOÀNG THANH BÌNH 

Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc

Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan