Báo cáo đánh giá 16 điểm nóng về nạn đói trên thế giới, phân tích viễn cảnh của những khu vực này trong giai đoạn từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025, theo đó các nước như Sudan, Palestine, Nam Sudan, Haiti và Mali bị coi là "có mức độ quan ngại cao nhất" và cần "được chú ý cấp bách nhất", trong khi các quốc gia gồm CH Chad, Liban, Myanmar, Mozambique, Nigeria, Syria và Yemen bị coi là "có mức độ quan ngại rất cao". 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong danh sách trên bị coi là điểm nóng về đói, gồm Kenya, Lesotho, Namibia, Niger, Burkina Faso, Ethiopia và Zimbabwe. Tình trạng đáng báo động này bị thúc đẩy bởi ít nhất 3 yếu tố là xung đột, khí hậu và sự bất ổn cũng như những chênh lệch về kinh tế. Cho dù có tách riêng hay kết hợp lại thì những yếu tố này đều đang có nguy cơ "làm sâu sắc thêm những điều kiện vốn đe doạ tính mạng con người".
Theo báo cáo, xung đột và bạo lực vũ trang tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói ở nhiều điểm nóng, làm gián đoạn các hệ thống cung ứng lương thực, khiến cho người dân phải di dời và gây trở ngại cho việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo.
Liên quan đến tình hình khí hậu, FAO và WFP cảnh báo La Nina có thể làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và đe dọa những hệ thống cung ứng thực phẩm không ổn định, làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực ở những khu vực dễ bị tổn thương cho đến đầu mùa Xuân tới.
Tham chiếu 5 điểm nóng về nạn đói bị coi là có mức độ quan ngại cao nhất, Tổng Giám đốc của FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về một lệnh ngừng bắn nhân đạo và phục hồi khả năng tiếp cận cũng như khả năng có sẵn các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Ông Khuất Đông Ngọc nêu rõ hòa bình và ổn định rất quan trọng đối với nông dân để họ trồng cây lương thực, thu hoạch và duy trì sinh kế. Quyền tiếp cận các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng không chỉ là nhu cầu cơ bản mà còn là một quyền cơ bản của con người.
Báo cáo của FAO và WFP nhấn mạnh việc hành động sớm và có mục tiêu đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng gia tăng.
Theo TTXVN