/ Pháp luật - Đời sống
/ Gia hạn thời hạn quyết định truy tố trong trường hợp nào?

Gia hạn thời hạn quyết định truy tố trong trường hợp nào?

27/02/2021 16:06 |

(LSVN) - Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ảnh minh họa.

Thời hạn truy tố được tính từ khi Viện kiểm sát nhận hồ sơ cùng bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra, kết thúc khi Viện kiểm sát ra một trong ba quyết định là bản cáo trạng, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về thời hạn quyết định việc truy tố. Theo đó, trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

- Truy tố bị can trước Tòa án;

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Phân loại tội phạm, cụ thể:

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Trường hợp cần thiết nói ở đây là do những lý do khách quan, do những tình tiết phức tạp trong vụ án mà Viện kiểm sát thấy cần phải điều tra nghiên cứu thêm, sâu hơn và phải có thời gian để tiến hành những biện pháp nhằm kiểm tra lại tính đúng đắn của các kết luận điều tra và các chứng cứ của vụ án.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 240 trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Việc giao, nhận các văn bản nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 133. Biên bản

1. Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.

Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

2. Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.

Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.

Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến.

Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.

Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Các quyết định nêu tại khoản 1 Điều 240 trên phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định đó nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định đúng pháp luật.

Thẩm quyền truy tố

Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ về thẩm quyền truy tố. Cụ thể, Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.

Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác.

Việc giao, gửi hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 của Bộ luật này. Trong trường hợp này, thời hạn truy tố được tính từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ vụ án.

Trước đó, ngày 26/02, Viện KSND TP. HCM cho biết đã gia hạn thời hạn quyết định truy tố ông Tất Thành Cang (SN 1971, ngụ Long An; trú Q6) - nguyên Phó ban chỉ đạo công trình lịch sử TP. HCM) cùng đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” đến ngày 14/3.

Lý do gia hạn thời hạn truy tố đối với bị can Tất Thành Cang và 18 bị can khác, là vì theo Viện KSND TP.HCM cần thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Ngày 11/01, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM ban hành kết luận điều tra, chuyển sang Viện KSND TP .HCM đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 18 bị can khác về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty con của IPC) và Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước.

THANH THANH

Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Lê Minh Hoàng