/ Tư vấn
/ Giải quyết tranh chấp trong trường hợp cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giải quyết tranh chấp trong trường hợp cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Gia đình tôi có 2 mảnh đất sát nhau, 1 mảnh đứng tên mẹ tôi hiện đã cất nhà, 1 mảnh đứng tên 2 ba mẹ tôi đã đem đi cầm, sau một thời gian thì vì lí do gia đình nên chưa thể chuộc lại nên bên chủ nợ đang cầm sổ đỏ mảnh đất kia xuống nhà tôi đòi lấy mảnh đất có nhà đứng tên mẹ tôi. Hỏi địa chính thì được biết là do làm giấy tờ sai sót dẫn đến bị lộn thửa đất, miếng cầm thì bị lộn sang miếng đất có nhà của mẹ tôi, gia đình tôi có thương lượng thì bên kia không chấp nhận và đã chuyển tên quyền sở hữu đất sang 1 người khác và đòi lấy nhà của mẹ tôi, hiện họ đã làm đơn ra Tòa chờ giải quyết. Vậy, trong trường hợp này liệu gia đình tôi có giữ được mảnh đất của mẹ tôi không? Bạn đọc K.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin bạn cung cấp thửa đất ba mẹ bạn cầm cố khác với thửa đất mẹ bạn đứng tên. Và vụ việc đang được giải quyết tại Tòa án nên khi tham gia vào quá trình giải quyết, gia đình bạn có quyền cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp để đề nghị được bảo vệ.

Theo đó, về quy định điều kiện để thế chấp đã được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013.

Điều 188, Bộ Luật đất đai 2013 quy định về "Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất" như sau:
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Cùng với đó, việc gia đình bạn vay nợ thì có trách nhiệm trả nợ theo quy định Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, việc cầm cố sổ đỏ phải tuân theo hình thức theo quy định tại Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013.

Do đó, căn cứ vào các quy định trên thì việc cầm cố sổ đỏ giữa mẹ bạn và bên nhận cầm cố không có giá trị pháp lý (giao dịch này vô hiệu), người nhận cầm cố không thể tự mình sang tên cho người khác được.

Thứ hai, cách thức lấy lại sổ đỏ:

Để lấy lại được sổ đỏ thì trước hết, mẹ bạn nên yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại sổ, nếu không trả thì mẹ bạn có thể nộp đơn phản tố yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng cầm cố bị vô hiệu.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên sẽ phải có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:

Điều 131, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về "Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu" như sau:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
3. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
4. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
5. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Theo quy định này, giao dịch dân sự vô hiệu thì sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên, đồng thời các bên sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trong trường hợp này, khi Tòa án tuyên giao dịch này vô hiệu thì bắt buộc bên nhận cầm cố sẽ phải có nghĩa vụ trả lại sổ đỏ cho mẹ bạn

Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

/huong-dan-giai-quyet-che-do-thai-san-khi-cong-ty-no-tien-bhxh.html