Giáo dục tâm linh, tại sao không?

24/02/2021 15:27 | 3 năm trước

(LSVN) - Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều câu chuyện bức xúc liên quan đến vấn đề tâm linh. Nhiều người cho rằng, mê tín dị đoan có vẻ như càng ngày càng phát triển. Các chùa chiền, tượng Phật kỷ lục khu vực hay thế giới, việc cả xã hội đi lễ bái mấy tháng trong năm có làm cho người dân kính Phật, sợ thần, hiền lành hơn, biết yêu thương đồng loại hơn, giúp cho đạo đức xã hội nâng lên không? Thực tế thì những cảnh bạo lực, phi nhân tính ngay chốn cửa Phật, đền Thánh, trong lễ hội xảy ra nhan nhản: Người ta lại có thể đánh trọng thương một cụ già sơ ý giẫm phải chân mình, dùng cả gậy gộc đánh nhau để tranh một chút lộc ở trong lễ hội; cướp lộc, tranh giành lễ vật phản cảm, bạo lực; đua nhau dâng cúng những đồ lễ kỷ lục kệch cỡm; trục lợi, “buôn thần bán thánh”, bói toán, cúng thuê lừa đảo… nhiều không kể xiết. Các “công trình du lịch tâm linh” to kỷ lục, chiếm cả ngàn ha đất, phá rừng phá núi…, gây bức xúc trong dân.

  

Ảnh minh họa. 

Nhiều nhà khoa học, nhà tu hành đã lên tiếng giải thích, phê phán những chuyện đó. Nói chung các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức hạn chế, sai lầm của một bộ phận nhân dân và công tác tổ chức lễ hội còn chưa tốt. Nhưng năm này qua năm khác, những tệ nạn ấy vẫn không giảm bớt, có khi còn tăng lên. Điều đó chứng tỏ rằng, những cách giải thích, phê phán ấy hình như không lọt được vào tai dân chúng. Và việc thể hiện niềm tin vào thánh thần của dân ta có vẻ ngày càng cuồng loạn, mê tín dị đoan ngày càng phát triển. Vậy phải hiểu, phải ứng xử  thế nào cho đúng?

Trong nhân dân ta, đồng bào có đạo - giáo dân có đức tin vào thánh thần và có đời sống tâm linh được chăm sóc bởi các chức sắc tôn giáo. Việc hành lễ của người có đạo được thực hiện theo quy định của tổ chức tôn giáo, nên không có chuyện lộn xộn gì đáng kể.

Thực tế là sự thực hành các hoạt động tâm linh trong cộng đồng người không có đạo (thường cũng gọi là bên Lương, để  phân biệt với bên Giáo - chỉ đồng bào có đạo) thường có nhiều chuyện lộn xộn, gây bức xúc, phảm cảm.

Vấn đề là ở chỗ, người bên Lương tuy không theo tôn giáo nào nhưng vẫn có đời sống tâm linh phong phú. Có người thì tin là có thần linh, có người thì không tin là có thần linh; người thì tin nhiều, người thì tin ít; người tin thế này, người tin thế kia. Vì thế việc cúng lễ thần linh với mỗi người cũng không như nhau. Trong đời sống tâm linh, người bên Lương không có tổ chức như bên Giáo nên việc hành lễ (thờ, cúng…) không có nhà chức việc chăm lo (một cách bài bản), hướng dẫn thực hiện cho nên người làm cách này, kẻ làm cách khác (kể cả thầy cúng “chuyên nghiệp”), không có chuẩn mực nhất quán gì cả. Do vấn đề này mà nhiều chuyện lộn xộn dễ xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Nói về thần linh là khó lắm. Dù có né tránh thì cũng vẫn phải công nhận một thực  tế là trong nhân dân số người tin là có thần linh không phải là ít. Và quyền của người dân tin vào thần linh là tự do tín ngưỡng đã được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhà quản lý, cho người dân nhận thức và ứng xử thế nào vấn đề tâm linh, cũng là việc không thể không nói tới.

Ngày xưa, khi được hỏi, Khổng Tử nói, đại ý là: Nói về người đã khó, lẽ nào nói về thần linh lại không khó, vì thế ông thường tránh nói về thần linh. Tuân Tử thì bảo: Trồng cấy cho nhiều, tiêu dùng cho điều độ thì Trời không làm cho người đói được. Ông cho là người có việc của người, thần có việc của thần, không liên quan. Ở Tây phương, ngay từ thời cổ đến bây giờ, thần linh là vấn đề triết học, được nghiên cứu, giảng dạy rất nghiêm túc trong hệ thống nhà trường. Epiquya (341-270 Tr.CN) có tác phẩm Về thần linh; Tômát Đacanh (1225-1275) có những tác phẩm  như: Vấn đề các phép mầu nhiệm, Về các thiên thần, Về quỷ dữ…; Vônte (1694-1778) có tác phẩm Về linh hồn; Đavit Hium (1711-1776) có Về sự bất tử của linh hồn; Bruno (1548-1600) có viết sách Về ma quỷ… Ở nhiều nước, môn Thần học (là môn học cho người ta hiểu về Chúa Trời, “tiếp cận” với Chúa Trời - theo niềm tin tôn giáo) rất là phổ biến, nhà nước coi trọng việc chăm lo đời sống tâm linh của người dân.

Về “hệ thống” thần linh thì có những đấng thần linh phổ biến trong đời sống tâm linh ở nhiều nước như Ngọc Hoàng Thượng đế, Chúa Trời,… Cũng có nhiều vị thần chỉ có ở những quốc gia, những địa phương, những nhóm người nhất định mà thôi. Người Hồi giáo thì tin vào thánh Ala, người Kito giáo thì tin vào Chúa Giêsu, người Phật tử thì tin vào Phật tổ (theo đó là hằng hà sa số chư Phật, Bồ tát, kim cương, la hán…). Người theo Nho giáo thì thờ Khổng Tử. Người theo Lão giáo thì thờ Thái Thượng Lão Quân. Có những nước, người ta thờ thần bò, thần lợn, thần sao (thái bạch, thái ất, tinh quan, thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ…), thần sông, thần suối, thần núi, thần đất… Người Nhật Bản thì theo đa thần giáo, thờ rất nhiều đấng thần linh khác nhau; hòn đá, miếng gỗ… vật gì cũng có thể có thần, nhiều không đếm xuể. Ở nước ta còn có các vị thần mà các nước khác không có như Tản Viên Sơn Thần (cũng  gọi là Thánh Tản - Sơn Tinh), Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), Thánh Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh… Rồi bà Chúa Kho, ông Hoàng Mười, các vị thành hoàng, thần hoàng, thổ công, thổ địa, thần long mạch, táo công… nhiều không xiết kể.

Trước đây, ở thời kỳ bao cấp, do nhận thức ấu trĩ theo lối duy vật giản đơn, vô thần cứng nhắc nên người ta đã phá bỏ hàng loạt đình chùa miếu mạo; chê bai đả kích, quy cho tất cả mọi hoạt động thờ cúng tâm linh là mê tín dị đoan. Hầu hết các lễ hội truyền thống của dân tộc bị bỏ bê xao lãng, thậm chí bị cấm. Đó là thái độ cực đoan, thực tế đã chứng minh là rất sai lầm.

Sang thời kỳ kinh tế thị trường (từ 1986 tới nay), dần dần các hoạt động tâm linh, các lễ hội được tôn trọng và phục hồi trở lại, và bây giờ - thêm sự tác động của tiền bạc, quyền lực… thì lại phát triển đến mức lạm phát, hỗn độn. Các hoạt động tâm linh rất hỗn loạn, người dân rất khó phân biệt phải trái. Từ chỗ phá sạch đền, chùa trước đây, bây giờ người ta lại xây nhiều những ngôi đền, chùa to kỷ lục. Trước đã cực đoan cấm đoán, bây giờ có vẻ lại là một lối tư duy cực đoan theo kiểu khác, như là quá trớn. Tháng Giêng cả nước đi lễ hội. Từ quan đến dân đều đua nhau cúng bái, tốn kém thời gian, tiền bạc. Tiêu cực nảy sinh ngày càng nhiều, giờ Nhà nước lại phải ra tay ngăn chặn.

Trước đây thì cấm, nay thì đâu cũng nói đến tâm linh. “Công trình tâm linh”, “du lịch tâm linh”… nhưng nói đến “thần linh” thì người ta lại ngại, dù thực tế là người ta đi lẽ hội, chùa chiền thì phần nhiều là để cầu mong thần linh phù hộ.

Do tư duy cực đoan nên những người có niềm tin tâm linh khác nhau thường rất khó đồng ý với nhau. Người hữu thần (tin là có thần linh) và người vô thần (không tin là có thần linh) thường rất khó thuyết phục được nhau. Khi các chuyên gia, các nhà tu hành lên tivi nói phải trái về chuyện cúng lễ, thường không phân biệt là nói cho người vô thần hay nói cho người hữu thần nghe, vì vậy họ có giải thích, giảng giải bao nhiêu thì nhận thức trong dân chúng cũng chẳng bao giờ thống nhất được.

Ở Việt Nam có nhiều truyền thuyết về thần linh, cũng có nhiều sách cúng bái, bói toán nhắc đến thần linh, song một cách công khai thì không nhiều người nghiên cứu nghiêm túc chuyện này. Cũng chưa thấy có luận án tiến sỹ nào về đề tài thần linh cả. Đầu thế kỷ 20 thì có cụ Phan Kế Bính có những nghiên cứu khá là hệ thống, rất đáng quan tâm.

Nói chung, thần linh ở Việt Nam được phân chia thành một số đấng khác nhau. Được thờ cúng phổ biến là Thiên thần và Nhân thần. Thiên thần là thần linh (theo tập quán truyền thống cho rằng các vị thần ấy là do Trời (Thiên) lập ra (ví dụ như Ngọc Hoàng, Nam tào, Bắc đẩu, thanh long, bạch hổ, táo công, thổ công, hà bá...).  Nhân thần là các vị thần vốn là người thật, có hồ sơ cá nhân cụ thể, có đạo đức, tư tưởng, công lao lớn với dân, với nước mà được phong thần, phong thánh (có vị có sắc phong thần của các vua chúa các đời, có vị thì được nhân dân tự suy tôn)… Trong các vị Nhân thần có người là thần linh của cả nước (Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đức Ông Trần Quốc Tảng…), cũng có người là thần của từng địa phương (như ông Hoàng Mười ở Nghệ An, các vị thần hoàng ở các làng xã…). Cũng có những anh hùng, danh nhân khác tuy không được phong thần, phong thánh nhưng cũng được phụng thờ như các vị thần ở nơi đền miếu như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa… Ngoài ra lại cũng có cả những quỷ thần, tà thần chuyên phá phách hay làm điều không tốt cho con người… và để mong được yên ổn và được phù hộ, người ta cũng thờ cúng cả những thần này. Có nơi có miếu thờ ông ăn mày, lại thờ cả người chết đuối, người tai nạn giao thông, thậm chí thờ cả con vật như thờ chó, thờ ngựa, thờ cá ông voi… Phật giáo ở ta khá phát triển. Bản thân Phật tổ là người có thật, Ngài cũng không nói mình là thần song người ta vẫn thờ cúng và cầu xin chư Phật đủ thứ phúc lộc thọ như cầu xin các vị thần linh khác. Có nơi thờ tất cả các đấng phật tiên thần thánh vào cùng một chỗ, thường gọi là Tam giáo đồng đường. Có nhiều gia đình thì thờ cả Phật hay Chúa, cùng với gia tiên, thổ công, táo công… nhiều nhà thờ cả thần tài ở góc nhà, sát mặt đất.

Đủ biết là “hệ thống” thần linh ở ta là rất vô cùng phức tạp. Vậy thì tế lễ, thờ cúng phức tạp là đương nhiên.

Theo quan niệm phổ biến thì Phật từ bi, Thánh một ly cũng chấp (sinh thời, thánh Khổng Tử thấy trải chiếu không vuông vắn thì không ngồi, thịt thái miếng không vuông vắn thì không ăn…), nghĩa là thờ Phật thì thế nào cũng được, tùy theo điều kiện, không câu nệ, miễn là lòng thành thì thôi, nếu có sai sót thì mình sai mình chịu, Phật từ bi, không chấp, không phạt. Nhưng thờ thánh thần thì khác, ngoài lòng thành thì còn phải đúng nghi thức thì Thánh mới hài lòng; đấy là chưa kể lỡ sai mà mạo phạm, bị Thánh quở phạt còn rước tai vạ vào mình. Nhưng thế nào là đúng? Có bao giờ thánh thần hiện giữa thanh thiên mà chỉ cho người trần mắt thịt nhìn thấy, nghe thấy, hiểu rõ mà làm theo đâu. Vì vậy, mới cần có các thầy cao nhân đắc đạo, linh thông được với thánh thần, viết ra sách vở, dạy cho dân chúng biết cách hành lễ để mà thờ cúng thánh thần. Và để yên tâm, người ta thường nhờ các thầy cúng bái cho mình. Có những đám cúng rất to, người ta nhờ (thực ra là thuê) cả đoàn thầy cúng một lần, cúng cả ngày, có khi vài ba ngày, chi phí đến cả trăm triệu. Có thầy cúng nhập trạch (về nhà mới) lấy tiền theo đơn giá mét vuông diện tích nhà. Có thầy thì cúng hộ không lấy tiền, cúng một lúc là xong, gia chủ có lòng thì đưa cho bao nhiêu cũng được. Tóm lại là rất đa dạng, thầy nào thì cũng cho mình là đúng cả.

Ai chăm lo đời sống tâm linh cho người dân?

Từ trước đến nay, chúng ta nói nhiều về việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, song khi nói về đời sống tâm linh thì chúng ta vẫn thường hay né tránh, cho nó là “nhạy cảm” nên ngại nói tới. Nhưng thực tế cho thấy, hầu như đa số mọi người đều có hoạt động thờ cúng, lễ bái… không nhiều thì ít. Và dù chưa có điều tra xã hội học xem bao nhiêu phần trăm dân số tin là có thánh thần, bao nhiêu không tin, nhưng xem trong đời sống thì dễ thấy là phần đông người dân tin là có thánh thần, và nhu cầu được giúp đỡ để tiếp cận với thần linh, được thần linh che chở, phù hộ… là nhu cầu thực tế của người dân.

Tuy nhiên, nhu cầu chính đáng này dường như chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức. Sự giáo dục tâm linh, đặc biệt là giáo dục nhận thức và “ứng xử” (cúng lễ…) với thần linh từ gia đình, nhà trường, xã hội bị còn để trống, thậm chí còn không được đặt ra một cách công khai. Rõ ràng đó là một khoảng trống về mặt giáo dục. Hậu quả là, dù cho đời sống vật chất, trình độ học vấn và điều kiện tiếp cận thông tin, văn hóa của người dân bây giờ khá hơn xưa nhiều nhưng nhận thức tâm linh của người dân lại rất thấp kém, lộn xộn, thậm chí mê muội hơn.

Sự lộn xộn, mê muội trong nhận thức tâm linh là nguyên nhân của sự lộn xộn trong  các hoạt động tại các lễ hội thời gian qua. Nếu sự lộn xộn, mê muội trong nhận thức mà không được giải quyết thì các biện pháp tăng cường quản lý lễ hội của Nhà nước chỉ giải quyết được phần ngọn, có tác dụng ngăn cấm người dân bớt lộn xộn khi tham gia lễ hội song không phải là giải pháp cơ bản lâu dài. Bất cứ lúc nào có điều kiện là sự lộn xộn đó lại bùng phát theo tâm lý đám đông, khó mà kiểm soát được.

Trước đây, thời phong kiến, nước ta có cả một hệ thống thiết chế thần linh với sắc phong của các vị vua (được coi là con Trời) ban hành, có hệ thống đẳng cấp danh vị hẳn hoi, vì vậy mà có các quy định bài bản về việc cúng tế; luật pháp không cho vi phạm, nên hoạt động tâm linh không bị rối loạn. Từ ngày lật đổ chế độ phong kiến, do tâm lý cực tả mà lâu nay hệ thống thiết chế này bị phá bỏ, thất lạc. “Sách” hành lễ cúng tế bây giờ chỉ lưu truyền không công khai trong giới “thầy cúng” với một số văn bản rời rạc, tản mạn, thật - giả, cũ - mới không ai kiểm định; mỗi thầy một sách, người dân có nhu cầu tâm linh thì cứ “vái tứ phương”, cộng với sự tác động của quyền lực và tiền bạc làm biến tướng, chẳng ai biết đâu là chuẩn. Vì vậy mà việc cúng lễ lại càng thêm rối loạn, chưa biết khi nào mới đến hồi kết.

Đời sống tâm linh - một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là trong đồng bào không có đạo. Việc chăm lo cho nhu cầu khách quan và chính đáng này là nhiệm vụ mà Nhà nước không nên né tránh. Nếu cứ bỏ mặc người dân hành động tự phát, chẳng có hướng dẫn thì “âm loạn dương cũng loạn”, lòng người không yên thì xã hội cũng khó mà yên. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc  chúng ta phải xây dựng, ban bố một thiết chế gồm hệ thống danh vị, đẳng cấp thần linh và chế độ tế lễ đối với từng đấng thần linh chính thức, có cơ quan phụ trách theo dõi theo luật định. Ngoài hệ thống này, ai tự ý lập ra việc thờ cúng các “tà thần” khác là mê tín dị đoan, là phạm pháp sẽ bị cấm hoạt động. Những nơi tự ý xây dựng và tổ chức thờ tự các “tà thần” như vậy sẽ bị đập bỏ không thương tiếc. Việc giáo dục tâm linh cũng cần có nội dung chính thức trong nhà trường (ở bậc học nào cần nghiên cứu thêm), làm cơ sở chung cho việc giáo dục tâm linh ở các gia đình và xã hội.

Theo quan điểm duy vật lịch sử, chừng nào các điều kiện vật chất - cơ sở xã hội cho sự tồn tại của niềm tin tâm linh vẫn còn đó thì nhu cầu thờ cúng, tế lễ vẫn là nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong khi tôn trọng nhu cầu ấy theo quan điểm của Đảng thì Nhà nước có lẽ cũng cần có sự quan tâm tạo dựng hệ thống thiết chế đồng bộ để có thể chăm lo thiết thực đến đời sống tâm linh của người dân, giúp đỡ người dân tháo gỡ những bế tắc trong chính cuộc sống tinh thần - gắn với điều kiện sống vật chất cụ thể của họ (thực tế cho thấy là hiện nay đời sống vật chất của nhân dân thì đã nâng cao hơn nhiều so với trước kia, song đời sống tinh thần của nhiều người lại rất bế tắc - tự tử khá nhiều). Chừng nào nhu cầu ấy chưa được chăm lo đầy đủ (tương tự  như các chức sắc tôn giáo - người thông hiểu thần học - chăm lo cho các tín đồ của họ) thì việc hỗn loạn trong đời sống tâm linh của người dân vẫn còn tồn tại. Do đó, việc tuyên truyền theo lối nói (dù là của nhà khoa học hay bậc tu hành) một chiều hiện nay qua tivi, đài báo… vẫn sẽ chỉ là những giải pháp có tác dụng hạn chế, không giải quyết được tận gốc của vấn đề.

TRẦN VĂN SỸ

Văn phòng Đảng ủy - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Quản lý đầu tư tại chùa Hương: Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng chỉ đạo không làm dự án tâm linh

Từ khoá : lsvn.vn LSVN