Dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Thường Tín (vị trí mới) được khởi công vào ngày 09/11/2023.
Vấn đề xảy ra và tồn tại ở huyện Thường Tín
Ngày 06/12/2023, HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết để thu hồi đất trong năm 2024. Đến ngày 29/01/2024, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định số 563/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Thường Tín.
Theo quyết định nêu trên, tại huyện Thường Tín có 196 dự án với diện tích 604,86 ha nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Tại quyết định này, UBND Thành phố giao cho UBND huyện Thường Tín tổ chức công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện thu hồi đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra thực hiện kế hoạch sử dụng đất; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm kế hoạch sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất năm 2024; tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất, chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất đã được UBND Thành phố phê duyệt; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất trước ngày 15/9/2024…
Trong quyết định cũng nêu rõ, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất và tổng hợp báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thành phố đến ngày 01/10/2024.
Tuy nhiên, theo phản ánh có nhiều dự án tại huyện Thường Tín đã được khởi công trước khi có quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 29/01/2024 của thành phố về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 và quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, bàn giao đất của thành phố.
Dự án bể bơi Hồng Hà, sân tennis, bãi đỗ xe đang được nhà thầu triển khai xây dựng.
Cụ thể, trước đó ngày 09/11/2023, huyện Thường Tín đã khởi công hai dự án: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và dự án bể bơi Hồng Hà, sân tennis, bãi đỗ xe thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao. Đến dự có ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội. Hai dự án này thuộc danh sách 196 dự án trong quyết định của thành phố về kế hoạch sử dụng đất năm 2024.
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thường Tín có tổng diện tích đất dự án 17.840m2. Mục tiêu xây dựng trường đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên đồng bộ theo tiêu chuẩn thiết kế trường dạy nghề quy mô khoảng 640 học viên. Các hạng mục chính công trình gồm: Xây mới nhà hiệu bộ 4 tầng diện tích 1.731m2; xây nhà lớp học lý thuyết 4 tầng diện tích sàn 2.132m2 với 16 phòng học; xây mới nhà bộ môn 4 tầng 1.923m2; xây nhà xưởng thực hành, bếp ăn, nhà vệ sinh cùng một số hạng mục khác... Dự án có tổng kinh phí hơn 136 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến 440 ngày.
Dự án được hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của thầy và trò nhà trường, hướng tới phát triển mô hình trường đạt chuẩn hiện đại tiên tiến, góp phần hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống trường học trên địa bàn huyện Thường Tín, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Còn dự án Khu thể thao bể bơi Hồng Hà 3.450m2, sân tennis 2.653m2, bãi đỗ xe 4.000m2 thuộc phạm vi quy hoạch Trung tâm văn hóa thể thao huyện. Mục tiêu đầu tư nhằm phát triển, mở rộng không gian sinh hoạt công cộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thường Tín. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 55 tỉ đồng, thi công 330 ngày.
Trụ sở Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Thường Tín.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Giám đốc Ban dự án ĐTXD Thường Tín cho biết: Dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thường Tín và dự án bể bơi Hồng Hà, sân tennis, bãi đỗ xe thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín, đã có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của TP. Hà Nội ở những năm trước. Để chứng minh, ông Tiến cung cấp cho PV những quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất huyện Thường Tín vào những năm 2017, 2021 và 2023.
Tuy nhiên, để dự án triển khai đúng theo quy định pháp luật, sau khi có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, các cơ quan chức năng của thành phố phải đồng ý cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bàn giao đất để thực hiện dự án. Khi được PV hỏi vấn đề này, lãnh đạo Ban dự án huyện Thường Tín cho biết: “PV có ý kiến nêu trên là đúng, theo quy trình đúng như vậy. Hiện nay chúng tôi đang làm các bước song song để đẩy nhanh tiến độ, cố gắng thực hiện để đảm bảo đúng quy định pháp luật, trong quá trình triển khai những dự án này quy trình cũng chưa được chuẩn, còn liên quan đến giấy tờ, hồ sơ chúng tôi đang trình lên Sở Tài nguyên Môi Trường nên chưa cung cấp được”
Theo lãnh đạo Ban dự án, một số dự án mà PV có nêu trên vẫn đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, còn công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản là xong hết. Tuy nhiên, theo ghi nhận PV, tại dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã được xây dựng xong hết phần thô, đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, còn dự án bể bơi Hồng Hà, sân tennis, bãi đỗ xe thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao đang được thi công một số hạng mục của dự án này.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn dự lễ khởi công dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thường Tín. (Ảnh Báo Hà Nội Mới).
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Thọ, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD huyện Thường Tín cho rằng: “để trả lời được chắc chắn nội dung của PV thì phải đi đọc luật mới chính xác được, việc này rất mất nhiều thời gian, còn về nội dung thì không sai nhưng đúng hoàn toàn thì tôi không trả lời được”.
Góc nhìn Luật sư về vấn đề áp dụng quy định pháp luật
Từ các thông tin nêu trên, căn cứ theo các quy định của pháp luật, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013, nguyên tắc vàng trong sử dụng đất là: “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”. Để triển khai một dự án, chủ đầu tư phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc này và các quy định pháp luật liên quan. Điều này nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình sử dụng đất, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí và các vấn đề pháp lý phát sinh sau này.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, quy trình phê duyệt và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án bao gồm: Chủ đầu tư lập dự án đầu tư chi tiết, đánh giá tác động môi trường và xin ý kiến các cơ quan liên quan. Sau đó, dự án được trình lên các cấp có thẩm quyền để phê duyệt. Khi dự án được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, đất sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án.
Nếu một dự án được khởi công trước khi có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024, thì về nguyên tắc là vi phạm quy định của pháp luật. Việc làm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể ra quyết định đình chỉ hoặc thu hồi dự án nếu phát hiện vi phạm. Nếu dự án đã xây dựng xong, chủ đầu tư có thể phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch để hợp pháp hóa công trình. Chủ đầu tư và các cá nhân liên quan có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Trước những thông tin trên, Luật sư Tùng cho rằng các dự án xây dựng trái phép có thể làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung của địa phương, gây ra những hệ lụy về lâu dài. Việc thanh kiểm tra sẽ giúp làm rõ các thông tin về dự án, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình quản lý đất đai. Vì vậy các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường cần kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, đánh giá tác động môi trường của dự án; Sở Xây dựng cần kiểm tra giấy phép xây dựng, chất lượng công trình, đảm bảo an toàn xây dựng; UBND huyện Thường Tín cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện thanh kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Để tránh vi phạm pháp luật, chủ đầu tư cần tìm hiểu kỹ các quy định về đất đai, xây dựng và các quy định liên quan khác trước khi triển khai dự án. Đồng thời cần hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định trước khi tiến hành thi công và làm việc chặt chẽ với các cơ quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để được hướng dẫn và giải quyết các vấn đề phát sinh.
THẾ NGUYỄN