Ảnh minh họa.
Luật hóa dạy thêm
Trong thời gian gần đây, dạy thêm, học thêm đang là một trong những vấn đề đáng chú ý nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội và người dân cả nước tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Có không ít những ý kiến trái chiều về việc đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện - tức là cho phép dạy thêm, học thêm.
Cụ thể, tại phiên họp mới đây, Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Đại biểu tỉnh Thái Bình) phản ánh, thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.
Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm đã nêu rõ các trường hợp cụ thể không được dạy thêm, song tình trạng này vẫn biến tướng. Hệ quả là nhiều gia đình quay cuồng chạy theo lịch học thêm của con, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, mặt khác cũng ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà giáo chân chính...
Đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, dạy thêm là công việc chính đáng của giáo viên, nhất là thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay còn khó khăn. Ông phân tích thêm, cán cân cung – cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực, sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Do đó, việc dạy thêm - học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.
Từ thực tiễn đó, Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện...
Có thể gây ra hậu quả lớn
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, pháp luật đã có những quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm. Cụ thể Điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về nguyên tắc của việc dạy thêm, học thêm phải “góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học; Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm…”.
Hay Điều 4 Thông tư này quy định về các trường hợp không được dạy thêm như không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông…
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm trước đây được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (tại Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14) đã hết hết hiệu lực. Bởi, Luật Đầu tư 2014 (nay là Luật đầu tư 2020) đã loại trừ hoạt động dạy thêm, học thêm trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều này dẫn đến các quy định pháp luật về dạy thêm, học thêm chưa cụ thể, có nhiều mâu thuẫn và dẫn đến xảy ra tình trạng học thêm, dạy thêm ngày càng có nhiều biến tướng.
Luật sư chia sẻ thêm, việc dạy thêm, học thêm nếu dựa trên nhu cầu thực tế và tinh thần tự nguyện thì không xấu, nhưng đối với các trường hợp học sinh bị “ép” hay nhà trường có quy định “bớt” kiến thức trên lớp để đưa vào các lớp dạy thêm và yêu cầu phụ huynh đăng ký lớp học thêm… thì việc học thêm có thể tác động tiêu cực đến tình trạng sức khỏe và tình hình học tập của các em. Việc học thêm với số lượng tần suất dày đặc khiến các em cảm thấy mệt mỏi, bị gò bó, thậm chí bị áp lực vì học tập, không có thời gian để vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên dạy “cầm chừng” kiến thức trên lớp để yêu cầu các em phải tham gia các lớp học thêm nhằm tiếp thu đầy đủ kiến thức không những vi phạm nguyên tắc về dạy thêm, học thêm theo quy định mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo, gây ra tâm lý “phải đưa con đến các lớp học thêm thì con mình mới tiếp thu được đầy đủ kiến thức” cho các bậc phụ huynh.
Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội, dạy thêm, học thêm đang trở thành một vấn nạn lớn hiện nay ở nước ta. Nó đã có nhiều biến tướng sang nhiều hậu quả đối với học sinh, như: Thời gian học quá nhiều khiến mất cân bằng với cuộc sống, giải trí,..; không có thời gian để trau dồi, rèn luyện các kỹ năng mềm khác,... Từ đó dẫn đến việc phụ huynh và học sinh mất phương hướng, chạy theo điểm số, thành tích.
“Nếu tiếp tục dạy thêm, học thêm sẽ để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Việc luật hóa dạy thêm, học thêm sẽ là một trong những yếu tố để dạy thêm, học thêm trở nên hợp pháp hóa, tuy nhiên nó cũng có thể sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn”, bà Hương bày tỏ quan điểm.
Theo bà Hương, hiện nay, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân và một số người trong ngành giáo dục vẫn còn khá kém. Vì vậy, việc luật hóa dạy thêm, học thêm có vẻ như hợp lý nhưng có thể gây ra nhiều hậu quả lớn nếu mọi người không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật điều chỉnh.
Chính vì vậy, bà Hương kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giải quyết triệt để tận gốc vấn đề này thay vì luật hóa. Việc luật hóa dạy thêm, học thêm chỉ giải quyết được phần “ngọn”. Theo đó, gốc của vấn đề ở đây cần phải giải quyết là nội dung chương trình học, đặc biệt là những vấn đề còn tồn tại của sách giáo khoa. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh đối với việc học thêm. Việc học thêm còn có thể xuất phát từ bạn bè, các câu lạc bộ, trải nghiệm thực tế,... trong khi thực tế dạy thêm, học thêm chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống, do đó, kiến thức của học sinh vẫn sẽ rất rỗng, thiếu kinh nghiệm.
Cần quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm ngoài cơ sở giáo dục
Theo Luật gia Đỗ Văn Nhân, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm đã phát sinh những vấn đề bất cập, tiêu cực cần có biện pháp chấn chỉnh để đưa về dạy thêm, học thêm về đúng quỹ đạo và bản chất nhân văn của nó.
Những bất cập có thể kể đến đó là sự không trung thực của giáo viên trong việc dạy học ở nhà trường và dạy thêm ở nhà như: Dạy trên lớp thì theo giáo trình, dạy ở nhà thì nâng cao hoặc học sinh bắt buộc đi học thêm mới đủ kiến thức để làm bài kiểm tra, bài thi trên lớp; đồng thời, việc dạy thêm, học thêm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe học sinh do phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức, không có thời gian để vui chơi, giải trí nên đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý các em...; nguồn thu nhập của giáo viên từ việc dạy thêm không được kiểm soát, ít được kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân; chất lượng dạy thêm, học thêm chưa được đánh giá đầy đủ, toàn diện...
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm thiếu chặt chẽ như không có biện pháp quản lý chương trình dạy thêm và mức thu học phí học thêm; việc dạy thêm (cho một số học sinh có điều kiện đi học) dẫn đến không công bằng đối với các học sinh không có điều kiện đi học hoặc việc học thêm sẽ tạo gánh nặng về chi phí của phụ huynh.
Để khắc phục bất cập trên, Luật gia Đỗ Văn Nhân cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm ngoài cơ sở giáo dục. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tức là học sinh học trường nào thì tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường đó.
Mặt khác, giáo trình, bài giảng của giáo viên phải được kiểm tra và phê duyệt của hiệu trưởng nhà trường thì mới tổ chức dạy thêm nhằm ngăn chặn việc lôi kéo học sinh với những bài dạy thêm mà chỉ có học thêm mới làm được bài kiểm tra, bài thi trên lớp.
Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, kiểm soát giờ giấc học tập, sinh hoạt ngoại khóa, thời giờ nghỉ ngơi của học sinh; đảm bảo thời gian dành cho học tập hợp lý, khoa học, tạo điều kiện cho các em có thời gian vui chơi, giải trí để có thể tiếp thu nhiều kỹ năng sống khác ngoài việc học tập; đồng thời, kiểm soát được nguồn thu nhập của giáo viên, nếu giáo viên nào có thu nhập cao thì phải kê khai, nộp thuế thu nhập theo quy định.
DUY ANH
Dạy thêm - học thêm nếu xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng lên án