Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (viết tắt là dự thảo Luật) đã thể chế hóa đúng đắn quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực đất đai. Các quy định trong dự thảo Luật có sự kế thừa nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật; các chế định được sửa đổi, bổ sung đã cơ bản giải quyết, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về đất đai đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó, sau khi nghiên dự thảo Luật, tác giả xin tham gia ý kiến để làm rõ hơn đối với cụm từ "lấn đất", nhằm đảm bảo cách hiểu một cách thống nhất, đồng bộ đối với hành vi vi phạm này.
Ảnh minh họa.
So với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã bổ sung việc giải thích một số từ ngữ để thống nhất trong cách hiểu, làm cơ sở thực hiện trong thực tiễn thi hành pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét, bổ sung việc giải thích đối với một số thuật ngữ và tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn về nội hàm của một số thuật ngữ đã được giải thích trong dự thảo Luật.
Cụ thể, theo dự kiến tại khoản 34 Điều 3 dự thảo Luật thì lấn đất được hiểu là “việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép”.
Việc giải thích thuật ngữ “lấn đất” nêu trên là việc luật hóa quy định về lấn đất đã được quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (trước đây là Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).
Trong thực tiễn, hành vi lấn đất không chỉ là việc chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng. Thậm chí, có trường hợp có hành vi lấn đất nhưng việc dịch chuyển mốc giới hoặc ranh giới thửa đất không xảy ra. Ngoài hành vi chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng, lấn đất còn xảy ra dưới hình thức người sử dụng đất sử dụng vượt quá phần không gian, lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới bất động sản mà mình được phép sử dụng nhằm chiếm dụng không gian, lòng đất của người sử dụng đất khác. Ví dụ: Mái nhà hoặc ống nước lấn sang không gian trên đất của người khác.
Do đó, để phù hợp với hành vi lấn đất trên thực tế, đề nghị xem xét quy định khoản 34 Điều 3 dự thảo Luật như sau: “Lấn đất là việc người sử dụng đất tự ý chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất mình để mở rộng diện tích hoặc sử dụng vượt quá phần không gian, lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới thửa đất mà mình được phép sử dụng nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích, không gian, lòng đất bị lấn đó cho phép”.
Việc quy định như trên cũng nhằm thống nhất với quyền của người sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: "Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Bên cạnh đó, khi xác định một trong những biểu hiện của hành vi lấn đất là việc “chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất” thì cũng cần giải thích về mốc giới, ranh giới của thửa đất. Bởi lẽ chỉ khi xác định được ranh giới, mốc giới thửa đất thì mới xác định được có hay không có hành vi lấn đất; xác định được vị trí, hình thể, diện tích của phần đất bị lấn. Theo đó, cần bổ sung quy định về ranh giới, mốc giới đất như sau: “Ranh giới đất là giới hạn phân chia giữa các thửa đất liền kề nhau. Mốc giới là tiêu điểm để xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề nhau. Ranh giới giữa các thửa đất có thể là đoạn thẳng hoặc tập hợp các đoạn thẳng nối các mốc giới”.
Ngoài ra, quy định về ranh giới, mốc giới của thửa đất cũng sẽ làm rõ hơn nội hàm của khái niệm “thửa đất” được dự kiến tại khoản 45 Điều 3 dự thảo Luật.
Việc giải thích đầy đủ, toàn diện cụm từ "lấn đất" nhằm để đảm bảo bao quát hết các hành vi "lấn đất" và làm cơ sở để cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm; là cơ sở quan trọng để giảm thiểu các tranh chấp đất đai do hành vi "lấn đất gây ra.
ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hoàn thiện quy định về hòa giải tranh chấp đất đai