/ Kinh tế - Pháp luật
/ Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu

Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu

26/09/2022 17:38 |

(LSVN) - Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Việc ban hành và thực hiện Luật này cùng với các luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này. Một số ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đấu thầu (dự thảo 2) như sau:

Điều 5 (tư cách hợp lệ của nhà thầu)

Luật Đấu thầu hiện hành quy định tại Điều 5 như sau:

1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;

b) Hạch toán tài chính độc lập.

c) Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

d) Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này.

e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn.

h) Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Dự thảo Luật Đấu thầu quy định rõ hơn 02 đối tượng nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài theo hướng liệt kê cụ thể đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong nước: Là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được đăng ký, thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài: Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp, hạch toán tài chính độc lập.

Điểm c, khoản 1, Điều 5, dự thảo quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau:

c) Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nước mà nhà thầu được cấp quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác”.

Quy định trong dự thảo có nhắc đến cụm từ “mất khả năng thanh toán”. Vậy, như thế nào được coi là nhà thầu, nhà đầu tư “mất khả năng thanh toán”? Nhà thầu, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục gì để chứng minh mình không “mất cả năng thanh toán”? Có áp dụng theo quy định tại Luật Phá sản năm 2014 đối với trường hợp này không? Điều 4, Luật Phá sản năm 2014 quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Thực tế để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán dẫn đến có phá sản hay không là khó xác định. Dự thảo Luật Đấu thầu cần có giải thích, hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này để các nhà thầu, nhà đầu tư có thể thuận tiện hơn trong việc xác định tư cách hợp lệ của mình. Hoặc có thể sửa như sau: “Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; phải có báo cáo tài chính 03 năm gần nhất để chứng minh khả năng thanh toán theo pháp luật của nước mà nhà thầu được cấp quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các tài liệu tương đương khác”.

Đối với Điều 14 (điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu)

Dự thảo quy định:

á nhân thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia, tổ chức thẩm định, nhà thầu tư vấn đấu thầu khi tham gia hoạt động đấu thầu phải có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của gói thầu, dự án và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động đấu thầu.

Cá nhân tham gia trực tiếp lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hoặc thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1, Điều này và các điều kiện sau đây:

a theo hó năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

b) Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm liên quan đến công việc được phân công trong gói thầu, dự án.

d) Có bản cam kết về việc thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật đấu thầu, pháp luật có liên quan đến hoạt động đấu thầu và tuân thủ quy tắc đạo đức khi tham gia hoạt động đấu thầu.

Quy định nói trên có một số khái niệm chưa đủ rõ ràng, cụ thể: trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, “phù hợp” với yêu cầu của gói thầu. Như thế nào được coi là “phù hợp” với yêu cầu của gói thầu? Làm sao để chứng minh được cá nhân đó phù hợp với gói thầu? Cơ quan nào sẽ thẩm định năng lực của cá nhân tham gia đấu thầu?

Điều kiện “có bản cam kết về việc thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật đấu thầu, pháp luật có liên quan đến hoạt động đấu thầu và tuân thủ quy tắc đạo đức khi tham gia hoạt động đấu thầu” là quy định mang tính thủ tục. Bản cam kết sẽ không có giá trị chứng minh là cá nhân đó có thực sự cập nhật quy định của pháp luật đấu thầu, pháp luật có liên quan hay không.

Từ những phân tích trên, thiết nghĩ cần có quy định cụ thể hơn về điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu. Đề xuất sửa khoản 2, Điều 14 dự thảo như sau:

“Cá nhân tham gia trực tiếp lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hoặc thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;

b) Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm liên quan đến công việc được phân công trong gói thầu, dự án;

d) Có bản cam kết tuân thủ quy tắc đạo đức khi tham gia hoạt động đấu thầu”.

Khoản 1 Điều 58 (ký kết hợp đồng dự án đầu tư)

Dự thảo quy định: "Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn còn hiệu lực. Nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện dự án. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án thì mới tiến hành ký kết hợp đồng".

Điều 58 là một điều khoản mới chưa quy định trong Luật Đấu thầu hiện hành. Điều khoản này quy định: “Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án thì mới tiến hành ký kết hợp đồng”.

Khái niệm về “trường hợp cần thiết” ở đây chưa được rõ ràng. Trường hợp nào thì người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư? Trường hợp nào không cần tiến hành xác minh năng lực nhà đầu tư? Trong trường hợp phải tiến hành xác minh thông tin năng lực nhà đầu tư thì cần thực hiện trình tự, thủ tục gì để xác minh? Thời gian thực hiện trong bao lâu?

Đề nghị thêm cụm từ “để bảo đảm việc thực hiện thầu” vào khoản 1 Điều 58 dự thảo Luật. Theo đó, khoản 1 Điều 58 sẽ có nội dung như sau: Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn còn hiệu lực. Nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện dự án. Trường hợp cần thiết để bảo đảm việc thực hiện thầu, người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án thì mới tiến hành ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu vi phạm trong hoạt động đấu thầu, dự thảo Luật Đấu thầu cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể và tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý và hạn chế vi phạm và thu hút các nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động đấu thầu.

Thạc sĩ PHẠM THỊ BÍCH HẢO

Công ty Luật TNHH Đức An

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam

Lê Minh Hoàng