Góp ý dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

17/10/2022 10:48 | 1 năm trước

(LSVN) - Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tác giả đã đưa ra một số ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo.

Vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã có văn bản lấy ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nhằm cụ thể hóa Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước (có hiệu lực thi hành 01/7/2020); Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); đồng thời, thông qua thực tiễn hoạt động của kiểm toán nhà nước và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI); góp phần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán nhà nước,…

Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (viết tắt là dự thảo Pháp lệnh), tác giả đưa ra góp ý một số ý kiến như sau: 

Thứ nhất, đề nghị bổ sung căn cứ ban hành dự thảo Pháp lệnh cho đầy đủ như sau: "Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020".

Thứ hai, Điều 6 dự thảo Pháp lệnh quy định về hình thức xử phạt nhưng chưa quy định các biện pháp khắc phục hậu quả, vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 6 dự thảo Pháp lệnh về các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thứ ba, khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 dự thảo Pháp lệnh quy định:

"Điều 7. Quy định về mức phạt tiền

1. Mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Pháp lệnh này là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt đối với cá nhân,

2. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.

3. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

...".

Đề nghị bỏ khoản 2, khoản 3 Điều 7 dự thảo Pháp lệnh vì đã được quy định tại khoản 1 Điều 7 và quy định cụ thể mức phạt tiền tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của dự thảo Pháp lệnh.

Thứ năm, điểm đ, khoản 2 Điều 8 dự thảo Pháp lệnh quy định xử phạt đối với hành vi "Không ký vào biên bản kiểm toán". Đề nghị xem xét lại việc xử phạt đối với hành vi này, vì không ký vào biên bản kiểm toán là nghĩa vụ của đối tượng kiểm toán được quy định tại Điều 57 Luật Kiểm toán nhà nước, không phải là hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật Luật Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, việc không ký vào biên bản kiểm toán có thể có nhiều lý do như: Khuyết người đại diện theo pháp luật của đối tượng kiểm toán hoặc đối tượng kiểm toán không thống nhất với nội dung biên bản kiểm toán nên không ký vào biên bản. Và trong một số trường hợp, đối tượng kiểm toán không ký thì biên bản kiểm toán vẫn có hiệu lực nếu đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Do đó, cần xem xét đưa ra khỏi dự thảo Pháp lệnh đối với hành vi "Không ký vào biên bản kiểm toán".

Thứ sáu, khoản 2 Điều 11 dự thảo Pháp lệnh quy định: "Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập biên bản và chuyển hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này ra quyết định xử phạt".

Đề nghị biên tập lại khoản này như sau: "Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này để ban hành quyết định xử phạt".

Thứ bảy, Điều 14 dự thảo Pháp lệnh quy định: "Kiểm toán trưởng có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính"

Đề nghị bổ sung Điều này như sau: "Kế toán trưởng có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.".

Ngoài ra, nội dung dự thảo Pháp lệnh đề nghị bổ sung quy định về quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng thi hành quyết định xử phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

ĐỖ VĂN NHÂN

Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum 

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam