Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (viết tắt là dự thảo luật) đang lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/01 đến ngày 15/3/2023. Liên quan đến quy định hòa giải tranh chấp đất đai, Điều 224 dự thảo luật quy định:
"1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án.
2. Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
c) Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
3. Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
4. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án nhân dân gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
5. Đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này."
Về nội dung này, tác giả xin trao đổi và góp ý một số nội dung liên quan đến quy định hòa giải tranh chấp đất đai theo Điều 224 dự thảo luật như sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 224 dự thảo luật quy định: "Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án.".
Theo quy định này thì việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải không phải là cơ chế bắt buộc trước khi Tòa án xem xét giải quyết quyết tranh chấp đất đai. Việc này sẽ làm gia tăng số lượng vụ việc tranh chấp đất đai mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết. Vì vậy, cần phải đánh giá toàn diện quy định này, đồng thời phải có sự kế thừa Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, việc thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ cở (có biên bản hòa giải không thành) là điều kiện bắt buộc để Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai.
Thứ hai, khoản 1 Điều 224 dự thảo luật quy định: "Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án". Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.
2. Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).".
Như vậy, việc hòa giải ở cơ sở theo quy định Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 là hòa giải ở thôn, tổ dân phố. Vậy việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 224 dự thảo luật có phải là hòa giải ở cơ sở hay không? Do đó, cần phải làm rõ quy định này theo hướng:
Một là, nếu hòa giải cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì khoản 1 Điều 224 dự thảo uật đề nghị biên tập lại như sau: "Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án".
Hai là, nếu hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã là hòa giải ở cơ sở thì đề nghị quy định rõ như sau: "Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc hòa giải tại Tòa án".
Thứ ba, khoản 4 Điều 224 dự thảo luật quy định:
"Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án nhân dân gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.".
Tuy nhiên, trong trường hợp các bên tự hòa giải thành (không hòa giải ở Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc hòa giải tại Tòa án), tức là các bên tự ngồi lại với nhau để tự hòa giải nhưng có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì trong trường hợp này xử lý như thế nào? Kết quả các bên tự hòa giải thành phải xử lý như thế nào? Đây là vấn đề pháp lý đặt ra và nên quy định rõ trong Điều 224 dự thảo luật.
Theo tác giả, để xử lý trường hợp này cần phải quy định theo hướng: "Trường hợp các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì các bên phải lập thành biên bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để xác nhận. Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xác nhận kết quả tự hòa giải thành và gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."
Thứ tư, khoản 3 Điều 224 dự thảo luật quy định: "Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.". Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 225 dự thảo luật quy định: "Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.".
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.".
Theo quy định trên, trong trường hợp các bên tranh chấp đất đai muốn hòa giải thông qua Tòa án (theo quy định tại khoản 1 Điều 224 dự thảo luật) thì trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Quy định này có mâu thuẫn, trùng lắp với khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không?
Nếu các bên tranh chấp đất đai lựa chọn hòa giải tại Tòa án nhưng hòa giải không thành, khi đó các bên tranh chấp nộp đơn khởi kiện tại Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì Tòa án có tiếp tục hòa giải hay không? Hay căn cứ vào biên bản hòa giải không thành để xét xử tranh chấp đất đai mà không cần phải tiếp tục hòa giải thì có vi phạm thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không?
Tóm lại, so với Luật Đất đai năm 2013 thì dự thảo luật cơ bản đã làm rõ các quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, quy định hòa giải tranh chấp đất đai theo Điều 224 dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung nêu trên cần phải được làm rõ và hoàn thiện để góp phần hạn chế thấp nhất những khó khăn, vướng mắc phát trong quá trình thi hành Luật.
ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định khi đi chùa có bị phạt