Căn biệt thự cũ tại 65 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, Ba Đình. Ảnh: VNE.
Ngày 08/4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký Quyết định số 1216/QĐ-UBND về việc ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công cộng xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025". Một trong những nội dung đáng chú ý của chuyên đề là TP. Hà Nội tiếp tục bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu Nhà nước, đang bán dở dang do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê. Đồng thời, rà soát danh mục 207 biệt thự cũ thuộc danh mục biệt thự không được bán.
Tuy nhiên, tại họp báo thông tin về công tác quản lý, sử dụng các biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội tổ chức ngày 19/4, UBND TP. Hà Nội lại quyết định tạm dừng việc bán quỹ 600 biệt thự cũ này để rà soát tổng thể và báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền. Đồng thời cho biết, sau khi có kết quả rà soát sẽ công bố thông tin, trong đó bao gồm cả vấn đề về việc quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp quản lý, bảo tồn.
Cũng tại cuộc họp, ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, qua rà soát TP. Hà Nội được phép bán 600 biệt thự cũ theo đúng quy định của pháp luật. Và các biệt thự này thuộc dạng đan xen sở hữu, gồm 5.686 hộ ký hợp đồng thuê.
Vậy, việc UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định bán quỹ 600 biệt thự cũ đúng hay sai?, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, các quy định của pháp luật về bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó có các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đã có từ lâu.
Trước đây là Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ, Quyết định 189/1998/QĐ-TTg ngày 28/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán biệt thự tại TP. Hà Nội và Quyết định 70/1998/QĐ-UB ngày 04/12/1998 của UBND TP. Hà Nội về bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê tại TP. Hà Nội, tiếp đó là Nghị quyết 48/2007/NQ-CP ngày 30/8/2007 của Chính phủ… Đến ngày 10/12/2008, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND về đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đề án này, có 970 ngôi biệt thự trên địa bàn thành phố được quản lý, (trong đó có các biệt thự thuộc diện không được bán và biệt thự được bán). Tiếp đó là Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ, và Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội và rất nhiều các văn bản có liên quan khác đã có các quy định về việc bán các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước.
Trong Luật Nhà ở năm 2014 có dành riêng Mục 2, Chương VI (từ Điều 80 đến Điều 84) để quy định về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và được hướng dẫn tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đã có các quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Theo đó, đã quy định các loại nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện không được bán, trong đó có nhà biệt thự nằm trong danh mục không thuộc diện được bán mà UBND cấp tỉnh đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước ngày Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành (điểm e, khoản 1, Điều 62, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Do đó, đối với các biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước mà không nằm trong danh mục không thuộc diện được bán (UBND cấp tỉnh đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận) thì vẫn có thể được bán theo quy định của pháp luật.
"Việc bán các biệt thự cũ (không thuộc danh mục không được bán) là được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải có sự rà soát, xem xét và đánh giá thận trọng và kỹ lưỡng, để có thể giữ lại những biệt thự có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc để bảo tồn, đảm bảo việc bán biệt thự phải đúng đối tượng, điều kiện và trình tự, thủ tục luật định, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và tránh các hiện tượng tiêu cực, gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách của Nhà nước", Luật sư nói.
TRẦN QUÝ