Khu đất ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội được tổ chức đấu giá.
Vừa qua, Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.
Cùng tội danh này, cơ quan Công an khởi tố Vương Thị Thu Thủy (cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội) và 6 bị can khác là các chủ doanh nghiệp thẩm định giá và đầu tư kinh doanh bất động sản.
Kết quả điều tra xác định tháng 8/2020, Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu, Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên sau đó, Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh và công ty thẩm định giá được cho là dùng nhiều thủ đoạn thông đồng để hạ mức giá thẩm định một số thửa đất còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng 60-70 triệu đồng/m2.
Theo điều tra, sau khi hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, bị can Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá. Sau đó, bà này chi phối công ty cấp dưới rồi trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Một tháng sau khi trúng đấu giá và được bàn giao đất, Loan đã bán lại các thửa đất với giá hơn 110 triệu đồng/m2. Cơ quan điều tra xác định trong vụ án, 6 công ty tham gia thì có 2 đơn vị không đủ điều kiện, một công ty không tham gia. Còn lại 3 công ty dưới quyền bà Loan đã dìm giá, thông đồng và dựng lên 41 công ty khác để tham gia vào các phiên đấu giá.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỉ đồng.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là vụ án hình sự liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức cá nhân.
Theo khoản 1 Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 50.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
"Đây là tội danh mới lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Về mặt kĩ thuật lập pháp thì đây là việc cụ thể hóa tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 trong trong hoạt động bán đấu giá tài sản", Luật sư nói.
Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Tội danh này có hình phạt cao nhất đến 5 năm tù, cụ thể với hành vi phạm tội được xác định là có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 300.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, với số tiền gây thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng và thu lợi bất chính số tiền rất lớn như vậy nhưng các bị cáo trong vụ án này cũng chỉ đối mặt với khung hình phạt không quá năm năm tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền là hình phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến năm 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo Luật sư Cường trong vụ án này, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Loan được xác định là chủ mưu nên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có mức cao nhất đến 05 năm tù. Toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ hoặc trả lại cho tổ chức cá nhân đã bỏ tiền ra để mua các lô đất của dự án này. Kết quả đấu giá cũng sẽ bị hủy bỏ để trả lại đất cho Nhà nước.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc quản lý đất đai, trong việc tổ chức hoạt động đấu giá về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các bị can còn phạm tội khác hoặc con người khác phạm tội thì sẽ tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
"Vụ án cho thấy những sơ hở trong việc quản lý đất đai, thiếu trách nhiệm và tha hóa của một số cán bộ có liên quan đến việc định giá, tổ chức đấu giá gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều tổ chức cá nhân khác.
Đây là bài học không chỉ đối với các bị can mà còn đối với Nhà nước trong công tác quản lý đất đai, đối với các tổ chức cá nhân trong các hoạt động liên quan đến bất động sản. Bất động sản là loại tài sản có giá trị lớn, là tư liệu sản xuất quan trọng của nền kinh tế, đồng thời cũng là công cụ làm giàu cho rất nhiều người. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây bất động sản cũng là nguyên nhân khiến nhiều quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý. Bởi vậy, việc tăng cường công tác quản lý về bất động sản, minh bạch thị trường bất động sản, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản là việc cần thiết để có thể lấp những khoảng trống pháp lý, loại bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp để cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản được phát triển bình đẳng, lành mạnh, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội", Luật sư Cường đánh giá.
HỒNG HẠNH