/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Hợp đồng điện tử: Những ưu, nhược điểm mà doanh nghiệp cần biết

Hợp đồng điện tử: Những ưu, nhược điểm mà doanh nghiệp cần biết

13/06/2021 08:55 |

(LSVN) - Trong nền kinh tế mở và điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, hợp đồng điện tử đang dần trở thành phương thức được nhiều doanh nghiệp quan tâm lựa chọn thay thế cho các loại hợp đồng truyền thống bởi khả năng tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, dễ dàng trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin. Vậy hợp đồng điện tử theo quy định pháp luật Việt Nam là gì? Hợp đồng điện tử có đảm bảo giá trị pháp lý hay không? Doanh nghiệp có nên sử dụng hợp đồng điện tử thay thế cho hợp đồng thông thường hay không?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên về việc mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, cho thuê, mượn tài sản hoặc về việc thực hiện một công việc, theo đó làm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên trong hợp đồng.

Các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực bao gồm 4 điều kiện. Đầu tiên, chủ thể tham gia hợp đồng dân sự phải đảm bảo có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự phù hợp với loại hợp đồng đó. Tiếp theo là mục đích và nội dung của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không được trái với đạo đức của xã hội. Nếu mục đích nội dung của hợp đồng vi phạm quy định của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục thì đó cũng là căn cứ để xác định hợp đồng bị vô hiệu. Ý chí của các bên khi thực hiện giao kết hợp đồng phải đảm bảo tính tự nguyện, tự do trong quá trình cam kết thỏa thuận. Và cuối cùng là hình thức của hợp đồng cũng không được trái với quy định của pháp luật.

Về đề nghị giao kết hợp đồng, Khoản 1 Điều 386 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.” Như vậy, các yếu tố của đề nghị giao kết hợp đồng bao gồm: thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng; thể hiện ý chí của bên đề nghị muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó; đề nghị được gửi tới đối tượng xác định cụ thể.

Ngoài việc đảm bảo các điều kiện để được xác lập và có hiệu lực của hợp đồng như thông thường, hợp đồng điện tử vẫn đảm bảo một số các yếu tố đó đồng thời có thêm các ưu điểm trong việc sử dụng, ký kết và thực hiện trong thực tiễn.

Hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

Một số đặc điểm của hợp đồng điện tử khiến chúng khác biệt so với hợp đồng thông thường là:

- Thể hiện bằng thông điệp dữ liệu điện tử

Đặc điểm nổi bật nhất của hợp đồng là hình thức thể hiện. Trong giao kết hợp đồng điện tử, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.

- Có sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể trong giao kết hợp đồng

Bên cạnh chủ thể giao kết thông thường là bên bán và bên mua còn có sự xuất hiện của bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử - đó là các nhà cung cấp các dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Bên thứ ba này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử. Họ tham gia với tư cách là các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

- Phạm vi áp dụng có phần bị hạn chế

Theo quy định tại Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì các giao dịch điện tử được áp dụng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Các quy định của giao dịch điện tử không áp dụng đối với việc: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

- Tính phi biên giới

Do hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, cho nên nó không yêu cầu hai bên trong hợp đồng phải gặp mặt nhau để ký kết, mà dù ở bất cứ đâu hay ở khoảng thời gian nào thì hai bên cũng có thể chủ động ký kết hợp đồng. 

- Tính vô hình, phi vật chất

Môi trường điện tử là môi trường số hóa, môi trường ảo, vì vậy, các hợp đồng điện tử mang tính vô hình, phi vật chất, nghĩa là hợp đồng điện tử tồn tại, được chứng minh, được lưu trữ bởi các dữ liệu điện tử không thể cầm nắm hay cảm nhận được. 

- Tính hiện đại, chính xác

Tính hiện đại của hợp đồng thể hiện ở chỗ, hợp đồng điện tử được giao kết dựa trên việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, là kết quả của sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong thời đại hiện nay. Việc sử dụng các công nghệ này đem lại độ chính xác cao cho các giao dịch. Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, hợp đồng điện tử sẽ là xu hướng mới và sẽ dần thay thế cho phương thức hợp đồng giấy truyền thống.

Ưu điểm của hợp đồng điện tử so với hợp đồng giấy thông thường

Hợp đồng điện tử có rất nhiều ưu điểm so với hợp đồng giấy thông thường, chủ yếu dựa trên sự tiện lợi của loại hợp đồng này. Sau đây là một vài ưu điểm nổi bật nhất có thể thấy được so với hợp đồng giấy thông thường

- Sự tiện lợi, nhanh chóng, minh bạch

Hợp đồng điện tử có thể được ký kết ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào mà không cần phải gặp mặt trực tiếp đối tác, không lo quản lý đi công tác làm gián đoạn công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Hợp đồng điện tử cũng mang đến quy trình, thủ tục thực hiện nhanh chóng, chính xác, minh bạch và giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường.

- Dễ dàng quản lý, lưu trữ và tìm kiếm 

So với hợp đồng giấy thông thường gây tốn kém chi phí quản lý và lưu trữ, thì hợp đồng điện tử đã giải quyết được hết toàn bộ các vướng mắc liên quan đến vấn đề lưu trữ và tìm kiếm. Hơn nữa, với sự hiện đại của công nghệ ngày nay, hợp đồng có thể dễ dàng truy cập, tra cứu các hợp đồng đã ký, hợp đồng chờ ký, hợp đồng trả lại nhờ vào chức năng lọc của hệ thống. 

- Tiết kiệm thời gian, chi phí 

Tất cả những ưu điểm trên đều dựa trên một mục đích cao nhất - đó là giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Với hợp đồng điện tử, mọi thao tác của người dùng từ tạo lập, kiểm duyệt, ký kết, gửi và nhận hợp đồng được xác thực qua internet một cách nhanh chóng, không cần phải tốn kém chi phí thời gian cho việc in ấn, quản lý, lưu trữ, chuyển phát hợp đồng hay di chuyển đến địa điểm để ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng. 

Nhược điểm của hợp đồng điện tử

Tuy nhiên, cái gì cũng có những ưu nhược điểm nhất định, các doanh nghiệp có thể cân nhắc xem những điểm yếu của hợp đồng điện tử có trở thành mối lo ngại đối với công việc kinh doanh của họ không, nếu nó không gây ra ảnh hưởng tiêu cực quá lớn thì chẳng có gì phải đáng lo ngại cả. Những rủi ro pháp lý có thể gặp khi sử dụng hợp đồng điện tử có thể gặp là:

- Do hợp đồng điện tử mang tính phi biên giới, vì vậy khi xảy ra tranh chấp, rất khó xác định được địa điểm giao kết hợp đồng, đặc biệt là trong các giao dịch quốc tế. Do đó để đảm bảo các rủi ro được giải quyết bởi một cơ quan tài phán hoặc một cơ chế xử lý các bên cần có thêm các thỏa thuận để xác định rõ việc này.

- Do tính phi vật chất, vô hình của hợp đồng, khi có tranh chấp cũng rất bất tiện khi không chứng minh được bản gốc và chữ ký gốc. Do đó trong trường hợp này các bên cần có sự xác định rõ ràng về bên thứ 3 trong việc xác định chữ ký số hoặc và các điều kiện tương tự có hiệu lực của hợp đồng được xác định cụ thể.

- Có thể xảy ra trường hợp mất hoặc bị tiết lộ dữ liệu, việc này có thể xảy ra khi các bên ủy quyền cho bên thứ ba lưu trữ thông tin hoặc chứng thực dữ liệu. Vấn đề lộ thông tin do hacker mạng tấn công cũng là một trong những rủi ro cho các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

- Vấn đề lừa đảo cũng là rủi ro lớn khiến các doanh nghiệp Việt Nam còn e dè chưa tiếp cận đối với hợp đồng điện tử. 

Với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, những nhược điểm này có thể sẽ được khắc phục trong tương lai không xa.

Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Giám đốc Công ty luật TNHH HOK.

Một số biện pháp khắc phục và lưu ý cho doanh nghiệp khi tham gia ký kết hợp đồng điện tử

Để có thể khắc phục được những bất cập đang tồn tại trong việc giao kết hợp đồng điện tử, nhà nước và các bộ, sở, ban ngành cần có phương án sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan. Ví dụ như những quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn vẫn còn chung chung và chưa cụ thể, rõ ràng đối với hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. 

Cụ thể, thế nào là một đề nghị giao kết hợp đồng điện tử chắc chắn? Trong trường hợp người đề nghị giao kết hợp đồng đã gửi đề nghị giao kết hợp đồng nhưng sau đó lại muốn thu hồi lại đề nghị đó thì làm như thế nào khi mà thao tác liên quan đến giao kết hợp đồng điện tử diễn ra rất nhanh chóng qua các phương tiện điện tử? Thế nào là chấp nhận giao kết hợp đồng điện tử? Khi người trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nhưng lại nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị đã được gửi tới thì người này có được coi là đã đưa ra một đề nghị mới như đối với giao kết hợp đồng truyền thống hay không? Các vấn đề này đều chưa được quy định cụ thể trong Luật Giao dịch điện tử và ngay cả trong nghị định hướng dẫn. Ở khía cạnh này thì hợp đồng giấy thông thường vẫn có lợi thế hơn so với hợp đồng điện tử. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung thêm những quy định cụ thể về giao kết hợp đồng thương mại để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ này cũng như hoàn thiện cơ chế pháp luật liên quan đến vấn đề này. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử nhiều hơn, vừa cập nhật xu thế thời đại 4.0, vừa đem lại thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước. Tránh xảy ra nhiều tranh chấp không đáng có làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.

Ngoài những giải pháp về mặt pháp lý, để phòng ngừa rủi ro trong hợp đồng điện tử, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của hợp đồng điện tử: xây dựng chiến lược ứng dụng thương mại điện tử và hợp đồng điện tử trong doanh nghiệp; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử…

Tóm lại, với sự phát triển của công nghệ hiện đại thì những rủi ro liên quan đến kỹ thuật và bảo vệ thông tin sẽ ngày càng ít đi. Dần dần những lỗ hổng pháp lý cũng sẽ được giải quyết và hợp đồng điện tử sẽ phát huy được hết khả năng của nó. Tuy nhiên, để đến được với viễn cảnh này thì cần rất nhiều sự nỗ lực và cố gắng của các nhà làm luật cũng như các doanh nghiệp cũng cần phải đi trước để tự bảo vệ mình khỏi những lỗ hổng pháp lý đang tồn tại.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀN

Giám đốc Công ty luật TNHH HOK

Không góp đủ vốn đúng thời hạn có bị xử phạt không?

Lê Minh Hoàng