Ảnh minh họa.
Theo VKSND Tối cao, nhiều VKS sau khi nhận được đơn của đương sự, song chỉ chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết, không theo dõi kết quả giải quyết, không áp dụng các biện pháp kiểm sát theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành; hoặc có VKS đã áp dụng biện pháp kiểm sát nhưng không được Tòa án thực hiện cũng không kiến nghị với Tòa án cấp trên theo quy định của pháp luật; số vụ việc VKS các cấp phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị còn thấp, phần lớn mới dừng lại ở việc phát hiện những vi phạm về hình thức giải quyết khiếu nại, tố cáo (hình thức văn bản, thủ tục, thời hạn giải quyết) trong khi đó số bản án, quyết định của Tòa án bị cải sửa, hủy ở cấp phúc thẩm và ở thủ tục giám đốc thẩm do vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều, mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án đều có sự tham gia kiểm sát của VKS, dẫn đến vai trò của VKSND về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được đề cao.
Để tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND Tối cao hướng dẫn VKSND các cấp thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Tòa án với ,05 nội dung cụ thể như sau:
Một là, sau khi VKS nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết trong thời hạn quy định; hoặc VKS có căn cứ xác định Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định thì VKS căn cứ khoản 1 Điều 34 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSTC-TATC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Khoản 1 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSTC-TATC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính (tùy theo lĩnh vực bị khiếu nại, tố cáo để áp dụng quy định của pháp luật tương ứng) để áp dụng biện pháp kiểm sát: Yêu cầu Tòa án ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo (Mẫu số 27/KT theo Quyết định số 204/QĐ-VKSND Tối cao ngày 01/6/2017).
Trường hợp, Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của VKS thì VKS căn cứ khoản 2 Điều 35 Thông tư liên tịch số 02, khoản 2 Điều 32 Thông tư liên tịch số 03 nêu trên (tùy theo lĩnh vực khiếu nại, tố cáo) để kiến nghị với Tòa án cấp trên.
Hai là, trường hợp VKS nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc VKS nhận đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khi giải quyết hoặc VKS có căn cứ xác định việc Tòa án, người có thẩm quyền vi phạm pháp luật trong khi giải quyết thì Viện kiểm sát căn cứ khoản 2 Điều 34 Thông tư liên tịch số 02, Khoản 2 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03 nêu trên để áp dụng biện pháp kiểm sát: Yêu cầu Tòa án kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (Mẫu số 28/KT theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017).
Ba là, VKS thực hiện biện pháp kiểm sát: yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Thông tư liên tịch số 02, khoản 3 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03 (Mẫu số 29/KT theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 1/6/2017) khi thuộc một trong các trường hợp: VKS nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; VKS đã yêu cầu Tòa án ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc yêu cầu Tòa án kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mà Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng người khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại; khi VKS cần xem xét hồ sơ, tài liệu để quyết định việc kiến nghị.
Sau khi kết thúc kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì VKS có thẩm quyền phải ban hành kiến nghị (trường hợp áp dụng nhiều biện pháp kiểm sát đối với một vụ việc thì chỉ kiến nghị sau khi đã áp dụng biện pháp kiểm sát cuối cùng) yêu cầu Tòa án có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa kịp thời để bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và vai trò của VKS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bốn là, trong quá trình phân loại, thụ lý kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, VKS các cấp căn cứ vào Khoản 2 Điều 499 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 327 Luật Tố tụng hành chính và các điều luật tương ứng để phân định loại quyết định tố tụng nào được giải quyết theo quy định của Chương khiếu nại, tố cáo và loại quyết định tố tụng nào được giải quyết theo chương tương ứng để xác định chính xác đối tượng, phạm vi công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Năm là, trường hợp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, đương sự có khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án mà VKS không phát hiện được vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo để kiến nghị Tòa án khắc phục, sửa chữa đến giai đoạn phúc thẩm hoặc thủ tục giám đốc thẩm, VKS có thẩm quyền phát hiện ra vi phạm pháp luật để kháng nghị, Tòa án có thẩm quyền quyết định hủy bản án thì Kiểm sát viên, cán bộ được phân công kiểm sát giải quyết vụ án, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND.
VKS cấp trên tăng cường kiểm tra VKS cấp dưới về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để kịp thời chấn chỉnh công tác này đi vào nề nếp.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ