Khuôn viên trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.
Thẩm phán Barrett đã bác đề nghị của Hiệp hội những người nộp thuế hạt Brown, bang Wisconsin về khẩn cấp hoãn kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Biden vào tháng 8. Trước đó, một Tòa án cấp thấp hơn đã bác đơn kiện của hiệp hội này do thiếu cơ sở pháp lý chứng minh nguyên đơn chịu tổn hại bởi kế hoạch xóa nợ.
Trong khi đó, Thẩm phán liên bang Henry Autrey tại St. Louis cũng bác đơn kiện của 6 bang Nebraska, Missouri, Iowa, South Carolina, Kansas và Arkansas về kế hoạch trên. Trong tuyên bố, Thẩm phán Autrey cho rằng mặc dù 6 bang này đã nêu ra những thách thức quan trọng đối với kế hoạch xóa nợ, song lại thiếu căn cứ pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện.
Ngày 24/8 vừa qua, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch xóa một phần nợ sinh viên tại Mỹ, theo cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Cụ thể, Chính phủ Mỹ sẽ xóa nợ 10.000 USD đối với khoản nợ của những người có mức lương dưới 125.000 USD.
Đối với các cựu sinh viên đã được nhận trợ giúp liên bang trong thời gian học đại học trong khuôn khổ chương trình trợ cấp Pell, số nợ được xóa là 20.000 USD. Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính kế hoạch của Tổng thống Biden về xóa nợ sinh viên sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỉ USD.
Các trường đại học ở Mỹ thường có học phí từ 10.000 đến 70.000 USD/năm, khiến các sinh viên sau khi tốt nghiệp gánh một khoản nợ lớn. Theo Chính phủ Mỹ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp là 25.000 USD.
Kế hoạch trên vẫn đang gây nhiều tranh cãi tại Mỹ. Đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch này lãng phí tiền của và ngân sách có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn. Tranh cãi giữa các chuyên gia và các nhà kinh tế cũng gia tăng, đặc biệt vì hiện vẫn chưa rõ về số nợ đã trả từ những người trong diện được áp dụng chính sách xóa nợ này.
ĐẶNG ÁNH/TTXVN