Ảnh minh họa.
Tiếp tục Phiên họp thứ 24, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 13/7/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã phát biểu trình bày Tờ trình về dự án Luật TTATGTĐB. Theo đó, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGTĐB, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quá trình xây dựng Luật đã tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội. Sau Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo, tiếp thu, giải trình nghiêm túc và đề xuất phương hướng tiếp theo đối với dự án Luật.
Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều nghị quyết có liên quan đến dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ trước khi trình Quốc hội.
Thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới khẳng định, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí đối với sự cần thiết ban hành Luật TTATGTĐB được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật này và dự thảo Luật Đường bộ để hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất, không để chồng chéo, trùng lắp giữa hai luật gây khó khăn trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện; phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách.
Về quy tắc giao thông đường bộ (Chương II), có ý kiến cho rằng, hiện nay hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông do lực lượng Công an thực hiện, quản lý, còn biển báo hiệu, vạch kẻ đường, các dấu hiệu, công trình phụ trợ khác trên đường do Bộ Giao thông vận tải quản lý nên đề nghị giao cho một cơ quan quản lý về báo hiệu đường bộ; ý kiến khác đề nghị rà soát các quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ trong dự thảo Luật này cho thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian lái xe tối đa trong ngày đối với lái xe tương tự như với lái xe vận tải hành khách để đảm bảo an toàn cho lái xe và người tham gia giao thông; bổ sung quy định không sử dụng các loại còi có công suất lớn hoặc gây âm thanh lớn trong khu vực đô thị, khu vực tập trung dân cư, khu vực gần bệnh viện, trường học; ý kiến khác đề nghị bổ sung các hành vi này vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8; bổ sung quy định nguyên tắc tham gia giao thông tại nơi tập trung đông người...
Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, Chương II đã quy định tương đối đầy đủ về quy tắc giao thông đường bộ (GTĐB), kế thừa nhiều quy định của Luật GTĐB hiện hành, nội luật hóa các quy định trong Công ước viên 1968 về GTĐB, luật hóa một số quy định dưới luật đang thực hiện ổn định; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu vào dự thảo Luật cho phù hợp.
Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Mục 1, Chương III), một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu để tách bạch rõ hơn các quy định về phương tiện tham gia GTĐB tại Chương III Luật này và Chương III Luật Đường bộ. Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về quản lý các loại phương tiện giao thông mới như xe điện, phương tiện giao thông công nghệ mới…, bổ sung quy định về trách nhiệm của người điều khiển, nhà sản xuất về an toàn giao thông của các loại phương tiện này nhất là quy định về tiêu chuẩn về an toàn giao thông, an toàn cháy nổ liên quan đến pin, hệ thống điều khiển..
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với các nội dung của Mục này. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu vào dự thảo Luật cho phù hợp, cân nhắc những nội dung thuộc về kỹ thuật an toàn phương tiện đang thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ.
Thẩm tra về điều kiện người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Mục 2 Chương III), có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về: giới hạn tuổi tối đa của người được đăng ký học lái xe lần đầu cho phù hợp; quy định điều kiện theo năm kinh nghiệm lái xe đối với hạng C, D trở lên thay vì quy định theo độ tuổi (Điều 43); điều kiện cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật; điều kiện thu hồi giấy phép lái xe vì lý do sức khỏe; đào tạo tại nhà trường hoặc trực tuyến đối với trẻ em trước khi sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, xe dưới 50cc (các loại xe không cần cấp giấy phép lái xe).
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, về nội dung này, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật GTĐB năm 2008; nhiều nội dung đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV như quy định về hạng giấy phép lái xe (giảm từ 15 hạng hiện nay xuống còn 11 hạng), bỏ nội dung điểm giấy phép lái xe, chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu Công ước Viên 1968, kinh nghiệm các nước khác và các ý kiến nêu trên để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về TTATGTĐB (Chương VII), có ý kiến đề nghị phân định rõ ràng, rành mạch lĩnh vực đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB để quy định rõ hơn về trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhất là trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với quy định tại Chương này và cho rằng, việc giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về TTATGTĐB, các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực này là phù hợp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên, tiếp tục rà soát, chỉnh lý các Điều 89, Điều 90 và Điều 91 của dự thảo Luật Đường bộ, không để chồng chéo, giao thoa về nội dung, trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hai dự thảo Luật.
Phát biểu điều hành tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật TTATGTĐB liên quan nhiều đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân tốt hơn theo quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự án Luật này đã được trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10, sau đó Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Tại phiên họp tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự án Luật này. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định bổ sung hai luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh năm 2023 theo trình tự xem xét thông qua tại hai kỳ họp.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật như tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh; 07 nhóm chính sách lớn về quy tắc giao thông, về điều kiện phương tiện giao thông, điều kiện người điều khiển giao thông, chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra kiểm soát giao thông, quản lý Nhà nước về TTATGTĐB…
MINH TRẦN
Đề xuất cơ chế đặc thù trong tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội