/ Luật sư - Bạn đọc
/ Không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật liệu có lợi hơn?

Không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật liệu có lợi hơn?

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Mặc dù, cơ quan chức năng đã trình Quốc hội đồng ý xem xét tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai Luật: “Giao thông đường bộ” (sửa đổi) và “Trật tự an toàn giao thông”. Song, “ván vẫn chưa đóng thuyền”.

Ảnh minh họa.

Tôi có quan điểm không nên tách thành hai Luật. Bởi lẽ, Luật Giao thông đường bộ, không thể không có những nội dung quy tắc giao thông; những điều kiện về an toàn giao thông (ATGT) như: người điều khiển lái xe cơ giới đường bộ; các loại xe (cơ giới đường bộ) và mạng lưới cầu đường bộ…

Đơn cử, điều kiện cầu đường bộ, có hệ thống công trình báo hiệu đường bộ bao gồm: Đèn tín hiệu điều khiển giao thông (đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng); các biển báo hiệu; các vạch sơn (tổ chức giao thông)… Và ngành Giao thông vận tải (GTVT) có chức năng làm chủ đầu tư xây dựng-lắp đặt (hệ thống đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch sơn…). Còn Cảnh sát Giao thông (CSGT) thuộc lực lượng Công an, có chức năng sử dụng-khai thác (hệ thống đèn tín hiệu) và hướng dẫn, giám sát người đi đường chấp hành (đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch sơn…).

Nếu như “cắt nửa” Luật Giao thông đường bộ hiện hành, thì Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không điều chỉnh đến hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông, biển báo hiệu và vạch sơn…? Trong khi ngành GTVT làm chủ đầu tư xây dựng, lắp đặt các hệ thống đó.

Nhưng nếu điều chỉnh đến thì chồng chéo với Luật Trật tự ATGT, cho dù có tách bạch, bóc tách tài tình đến mấy đi chăng nữa, do chúng có quan hệ “hữu cơ” với nhau; nên không thể chia lìa, tách rời nhau sang hai Luật nêu trên.

Mặt khác, cũng cùng chung một mục đích bảo đảm ATGT đường bộ, mà “phức tạp hóa” với người dân phải tìm hiểu, học hỏi hai Luật: Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Trật tự ATGT, sẽ không tiện lợi bằng một Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Điều này đồng nghĩa với không “cắt nửa” Luật (Giao thông đường bộ), sẽ có lợi cho dân hơn.

Tất nhiên, để bảo đảm ATGT đường bộ, phải lệ thuộc 03 yếu tố cơ bản nhất: người lái, xe và con đường phải bảo đảm. Đồng thời, căn cứ vào 02 chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công an: bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội (trong đó có trật tự ATGT), thì Luật Giao thông đường bộ hiện hành, đang có 3 bất cập nổi cộm, làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, cần sớm được Quốc hội xem xét, ban hành sửa đổi, điều chỉnh:

Thứ nhất, những người lái xe cơ giới đường bộ, là yếu tố hàng đầu bảo đảm ATGT. Thế nên những người lái xe ô tô và mô tô phải được đào tạo tại các Trường, Trung tâm đào tạo lái xe. Sau khi họ được cấp Giấy Chứng nhận đã học hết chương trình đào tạo lái xe, mới được dự thi sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX).

Như vậy, những người lái xe phải lấy được hai giấy là Giấy chứng nhận đã học hết chương trình đào tạo lái xe và GPLX. Có nghĩa ai muốn lái ô tô hoặc mô tô ra đường, tham gia giao thông công cộng, phải lấy được giấy thứ hai là thi sát hạch lấy GPLX, để bảo đảm ATGT.

Mà Bộ Công an lại được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT như đã nêu ở phần trên; do đó, Bộ Công an phải chịu trách nhiệm cấp giấy thứ hai. Cụ thể là Bộ Công an tổ chức thi sát hạch cấp GPLX dân sự mới hợp lý, lôgic.

Song, khoản 10, Điều 61, Luật Giao thông đường bộ hiện hành lại quy định Bộ Giao thông vận tải tổ chức thi sát hạch cấp GPLX dân sự. Đây là bất hợp lý, không lôgic.

Ngoài ra, về thời hạn và 12 điểm GPLX ô tô sẽ thuộc cơ quan chức năng quản lý người lái xe quy định, nên không cần thiết phải đưa ngay vào nội dung Luật Giao thông đường bộ.

Thứ hai, các loại xe ô tô đều phải kiểm tra, “khám” kỹ thuật định kỳ về hệ thống phanh, hệ thống lái (vô-lăng), hệ thống đèn… và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tem lưu hành, để bảo đảm ATGT.

Thế nhưng, cũng thật trớ trêu, trong khoản 6, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ hiện hành lại không quy định Bộ Công an phải chịu trách nhiệm kiểm tra kỹ thuật định kỳ cấp Giấy này cho xe ô tô dân sự.

Có một số người cho rằng, Bộ Công an đã có lực lượng CSGT đường bộ và lực lượng này có quyền xử lý “tại trận” những xe ô tô không bảo đảm kỹ thuật ATGT. Thậm chí họ có thể đem theo cả máy kiểm tra khói xả xách tay, để phạt xe ô tô nào không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường… Vậy nên chẳng cần thiết phải giao Bộ Công an “khám” xe ô tô định kỳ, vì như vậy là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vậy, hàng loạt trạm “khám xe” mà ngành Giao thông vận tải đã đầu tư công, tốn kém, sẽ “lãng phí” ra sao?

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một điều kiện cần. Phải cấp thiết bổ sung thêm một điều kiện đủ là việc trình Quốc hội sửa khoản 6, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ quy định Bộ Công an kiểm tra kỹ thuật định kỳ xe ô tô, mới góp phần cho lực lượng Công an hoàn thành được nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT. Còn cơ sở vật chất hàng loạt trạm “khám xe” sẽ bàn giao lực lượng Công an.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 44, Luật Giao thông đường bộ hiện hành không quy định tiêu chuẩn, điều kiện cơ quan tư cách pháp nhân thẩm định ATGT. Và đặc biệt Luật không quy định cơ quan Công an có trách nhiệm tham gia thẩm định ATGT bằng văn bản trước khi phê duyệt dự án, thiết kế các công trình cầu đường bộ. Đây cũng là 1 nguyên nhân dẫn đến hậu quả nhiều “điểm đen” tai nạn giao thông sau khi cầu đường khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng. Như vậy, đã làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT của lực lượng Công an.

Và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến tính mạng người dân khi đi đường. Kiến nghị cơ quan hữu trách, trình Quốc hội xem xét, hiệu chỉnh bổ sung khoản 2, Điều 44, Luật Giao thông đường bộ quy định: Cơ quan Công an tham gia thẩm định ATGT, để góp phần “xóa điểm đen” tai nạn giao thông đường bộ hiện nay.

NGUYỄN THÀNH LẬP

/cac-truong-hop-nguoi-lao-dong-khong-duoc-tro-cap-thoi-viec-tu-01-01-2021.html