Khu lăng mộ bà thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - Điểm đến văn hóa, tâm linh

18/05/2022 04:11 | 2 năm trước

(LSVN) - Khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc ở lưng chừng núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Khu lặng mộ có 269 bậc đường đi lên (con số 69 là năm 1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh mất) và 242 bậc đường xuống (con số 42 là năm 1942 ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về táng ở đây). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 tuổi đời của bà.

  Khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan sau khi bảo tồn, tôn tạo. 

Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1868 tại làng Chùa, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Bà sinh ra và lớn lên trong một nhà nho, giàu lòng yêu nước, thương người, sớm được cụ thân sinh Hoàng Xuân Đường truyền chữ thánh hiền, dạy đủ: Công - dung – ngôn - hạnh, được thân mẫu bà Nguyễn Thị Kép truyền cho nghề xe tơ, dệt lụa, làm đồng áng. Bà là một cô gái nhan sắc, thùy mị, nết na, thuộc nhiều làn điệu dân ca xứ Nghệ.

Năm 1883, bà kết hôn với người học trò nghèo, mồ côi, gắn bó với gia đình nhiều năm là ông Nguyễn Sinh Sắc. Từ đó, bà lo toan mọi công việc trong gia đình, giúp đỡ cha mẹ để chồng có điều kiện thi cử. Cuộc tình duyên đẹp, nghĩa tình này đã sản sinh ra cho đất nước ba người con ưu tú. Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.

Năm 1895, bà tạm biệt quê hương cùng hai cậu con trai vượt đường thiên lý vào kinh đô Huế nuôi chồng ăn học ở Quốc Tử Giám. Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức ngày 10/02/1901), bà lâm bệnh nặng đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay cậu bé mới 10 tuổi Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Xin đang còn khát sữa. Bà thọ 33 tuổi, thi hài được đưa bằng thuyền lên mai táng dưới chân núi Tam Tầng, thuộc dãy núi Ngự Bình, thành phố Huế.

Năm 1922, bà Nguyễn Thị Thanh bị quản thúc ở Huế, nhân một chuyến được phép về thăm quê đã bí mật đưa hài cốt mẹ về an táng tại vườn nhà.

Tháng 10/1941, ông Nguyễn Sinh Khiêm ra tù lần thứ 2. Ông là một nhà phong thủy giỏi, lên tận huyện Thanh Chương, đi khắp huyện Nam Đàn tìm nơi táng mộ mẹ. Sang năm 1942, ông tìm được nơi đắc địa ở núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ, ở xã Nam Giang. Mộ bà Hoàng Thị Loan đặt ở thế lưng tựa sơn, chân đạp thủy. Lưng tựa vào dãy núi Đại Huệ, chân đạp vào một hồ nước lớn. Có tiền án, hậu án, phía  trước là núi Dầu, phía sau núi Động Tranh cao.

Đứng nơi đây nhìn thấy toàn cảnh quê nội, quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê cụ Phan Bội Châu và xa hơn nữa là núi Hùng Sơn, nơi vua Mai lập căn cứ chống giặc nhà Đường. Xa hơn nữa là dãy núi Thiên Nhẫn có 99 đỉnh như đàn ngựa xung trận. Dưới chân núi là dòng Sông Lam quanh năm xanh biếc, như một dải lụa thanh thiên, ôm trọn cả huyện Nam Đàn.

Hôm đưa mộ mẹ về táng nơi đây, ông Nguyễn Sinh Khiêm nhờ bà con làng xóm, anh em trong dòng họ đào cho 9 cái huyệt như nhau. Đào xong huyệt trời vừa trưa, ông bảo mọi người về ăn cơm, ông ở lại trông. Khi mọi người về hết ông Nguyễn Sinh Khiêm đặt cài cốt mẹ, rồi lấp hết 9 huyệt. Chiều mọi người ra chỉ sửa sang lại 9 ngôi mộ cho đẹp, gọn gàng. Mãi sau này ông Khiêm mới nói cho ông tộc trưởng trong dòng họ biết ngôi mộ của mẹ.

Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc, cống hiến to lớn của bà đối với quê hương đất nước, Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh, Quân khu 4 đã quyết định xây dựng Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Sau 1 năm khẩn trương xây dựng, công trình đã hoàn thành vào dịp lần thứ 95 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1985). Khu vực chính là  khu rừng đặc dụng diện tích 10ha, nằm trong một thung lũng. Phần mộ được xây dựng theo hình khối chữ nhật dài 2,40m; rộng 1,50m; cao 1,40m. Thân mộ ốp bằng đã hoa cương, chuyển từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào. Chân mộ ghép đá Cẩm Thạch, Quỳ Hợp, Nghệ An. Toàn bộ phần mộ được che bằng một dàn hoa làm bằng bê tông, kiểu giống như dàn hoa ở Phủ Chủ tịch. Đứng xa nhìn lại có hình tượng như một khung cửi lớn. Nó gắn với cuộc đời của bà cần cù, chịu thương, chịu khó, nuôi chồng, nuôi con. Hoa giấy trồng ở mộ được đưa từ mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh, Đồng Tháp về. Phía trước mộ có sân hình bán nguyệt, nơi đây có bia dẫn tích bằng đá núi Nhồi, Thanh Hóa, ghi lại tiểu sử, công lao của bà đối với đất nước và dân tộc.

Ngày 21/7/2010, Khu lăng mộ của bà được khởi công bảo tồn, tôn tạo lại, là một công trình kiến trúc có kiểu dáng đẹp và gần gũi, mái che hình khung cửi cách điệu với 6 giải lụa mềm mại, gợi cuộc đời lam lũ của bà, nuôi chồng con lúc sinh thời, phía sau là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa những cánh sen thanh tao, tinh khiết của quê nhà cũng là biểu tượng về cuộc đời và nhân cách bà Hoàng Thị Loan.

Ngày 03/6/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng với các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, nhân dân tỉnh Nghệ An, bà con khắp cả nước về dự Lễ khánh thành bảo tồn, tôn tạo Khu mộ bà Hoàng Thị Loan.

Khu mộ bà Hoàng Thị Loan là điểm đến văn hóa, tâm linh của khách khắp cả nước và nước ngoài. Nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam.

HẢI HƯNG

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng