Ảnh minh họa.
Có thể khẳng định, việc quản lý đất đai hiện này còn nhiều hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yếu tố đất đai khá phức tạp, có giá trị đặc biệt lớn và do lịch sử để lại. Mặt khác, các quy định pháp luật hiện hành về đất đai chưa chặt chẽ, còn nhiều kẻ hở, phương pháp quản lý chưa thật sự khoa học; một số cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực đất đai, nhà ở còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Từ đó, đã tạo cơ hội cho các cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực...
Tuy nhiên, có nguyên nhân khá quan trọng làm cho tình hình quản lý đất đai lộn xộn, kém hiệu quả là việc thiếu kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, như quá thời hạn triển khai các dự án theo quy định pháp luật; hay không thực hiện đúng cam kết, dây dưa kéo dài hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính... nhưng các cơ quan chức năng có trách nhiệm vẫn không cưỡng chế, thu hồi, hủy bỏ để lấy lại đất đai, mặt bằng đã giao, cho thuê nhằm triển khai các dự án khác, nhất là sớm đưa đất đai vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Vì vậy, bên cạnh sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập và "bịt" các kẻ hở để quản lý đất đai tốt hơn thì vấn đề cấp bách nhất hiện nay là phải rà soát và kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các dự án có dấu hiệu bất thường, vi phạm quy định pháp luật hoặc không tuân thủ đúng thỏa thuận, cam kết, nhất là các dự án có dấu hiệu chiếm đất, "thổi giá" đất để trục lợi.
Ngoài ra, cần bổ sung các quy định nghiêm khắc hơn về phạt vi phạm hợp đồng, phạt vi phạm cam kết, vi phạm thỏa thuận như tình trạng bỏ cọc khi đấu giá quyền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính, bỏ dở dự án, biến các dự án thành dự án "treo", dự án "ma" gây bức xúc trong dư luận.
Có như vậy, sẽ hạn chế tối đa, khắc phục từng bước tiến tới chấm dứt tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý đất đai, nhà ở đang diễn biến khá phức tạp, nghiêm trọng hiện nay. Đây cũng là biện pháp quan trọng có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với các trường hợp vi phạm tương tự về sau. Điều này không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và Nhà nước mà còn tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang là lực cản lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, đất nước. Đặc biệt ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả nguy cơ gây mất ổn định xã hội, tạo ra vấn đề xã hội phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum