/ Góc nhìn
/ Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Người cầm bút cần trung thực, nhưng chưa đủ

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Người cầm bút cần trung thực, nhưng chưa đủ

19/06/2024 14:36 |

(LSVN) - Báo chí có vai trò rất to lớn trong đời sống xã hội, nó cung cấp thông tin cho mọi tầng lớp, do đó đòi hỏi một tác phẩm báo chí phải chính xác, trung thực. Chính xác, trung thực cũng thể hiện đạo đức, lương tâm, trình độ tác nghiệp của một người làm báo. Trung thực không có nghĩa thấy cái gì viết cái đó, chính xác chỉ điều kiện cần mà chưa đủ. Vậy một tác phẩm báo chí có đủ yếu tố trung thực, chính xác thì mỗi chi tiết trong bài báo phải có quan hệ với tổng thể, giữa hiện tượng và bản chất, giữa cụ thể với khái quát. Nếu không sẽ xảy hệ lụy khôn lường.

Ảnh minh hoạ. 

Khi tôi chuyển về làm Báo Quân khu 4, mảnh đất địa đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân và dân nơi đây vô cùng ngoan cường, có nhiều điển hình, địa danh nổi tiếng. Đặc biệt Quân khu có nhiều đơn vị thiện chiến nên tôi rất vui, xem đây là nơi cho mình tác nghiệp, có những tác phẩm báo chí được bạn đọc ghi nhận.

Có một lần, tôi được Tòa soạn phân công về viết tuyên truyền một sư đoàn. Sư đoàn đứng chân trên địa bàn Quân khu nhưng nhiệm vụ sẵn sàng cơ động chi viện cho nước bạn khi có yêu cầu. Mùa hè nắng như đổ lửa bộ đội đội nắng luyện tập rất vả. Một người lính đã từng tham gia chiến trận tôi lăn lộn với cán bộ, chiến sĩ trên thao trường, nên được cán bộ, chiến sĩ rất quý mến. Hôm đó trời đang nắng đột nhiên mưa rào xối xả, bộ đội phải dừng tập về doanh trại, mấy anh lính trẻ mời tôi về Tiểu đội chơi. Sau khi thăm hỏi gia đình tôi hỏi một cậu lính quê ở Thanh Hóa học hết trung học phổ thông xung phong đi bộ đội.

Em có nguyện vọng đi học để ở lại quân đội lâu dài không?Ngẫm nghĩ một lúc cậu thanh niên này đáp, bọn em ở đây nhiều đồng chí rèn luyện phấn đấu tốt lắm nhưng không phải con cháu cán bộ trong Trung đoàn, Sư đoàn rồi cũng về cả.

Một tiêu chuẩn được đi học ở lại lâu dài trong quân đội thì phải thuộc diện 4C nghĩa là: “Con cháu các cụ”. Tôi thấy đây là một đề tài chưa ai viết, nhưng có vấn đề cần quan tâm. Từ đó tôi gặp riêng một số cán bộ Trung đội, Đại đội anh em cho rằng việc anh em chiến sĩ phản ánh là có. Mà tiêu biểu là đồng chí Trung đoàn trưởng và Trung đoàn Phó Chính trị. Hai đồng chí này đưa con cháu vào nhiều, một năm sau cho đi học, cán bộ cấp dưới bất bình nhưng không ai dám có ý kiến.

Chuyến công tác đó tôi về viết một loạt hoạt động của Sư đoàn trên báo Quân khu, báo Quân đội Nhân dân, Buổi phát thanh Quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân.

Tôi gửi cho buổi phát thanh Quân đội bài “Chuyện 4C ở Trung đoàn S”. Tôi gửi bài mấy hôm thì Buổi phát thanh Quân đội phát. Sau khi bài báo của tôi được đài phát thanh, Sư đoàn cho cơ quan xuống Trung đoàn S kiểm tra. Sự việc bài báo nêu là chính xác, Sư đoàn kịp thời chấn chỉnh ngay. Đồng chí Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Phó Chính trị tôi nêu đích danh, Sư đoàn cho kiểm điểm.

Sau khi xử lý xong đồng chí Sư đoàn trưởng và Chính ủy Sư đoàn điện thoại cảm ơn nhà báo đã kịp thời phát hiện cho đơn vị những việc làm không đúng của cán bộ cấp dưới. Tôi nghĩ bài báo của mình thành công.

Ba tháng sau tôi gặp lại đồng chí Trung đoàn trưởng bị mình nêu tên trong cuộc tập huấn cán bộ trung, cao cấp ở Quân khu. Đồng chí Trung đoàn trưởng điềm tĩnh nói với tôi: Bài báo của anh làm nhục tôi và nhục gia đình tôi. Nghe vậy trong người tôi ớn lạnh. Đồng chí Trung đoàn trưởng kể lại xã chúng tôi có loa phóng thanh. Chương trình Đài tiếng nói Việt Nam xã mở loa cho toàn xã nghe. Sau khi bà con trong toàn xã nghe được bài đó, bố tôi, mẹ tôi không dám đi ra ngoài gặp bà con làng xóm nữa. Thậm chí giỗ bà con mời ông bà cũng từ chối. Bố tôi than, con người ta đi đem vinh quang về cho gia đình, còn con mình gây nhục nhã thế này. Đang vụ gặt vợ tôi bỏ mùa màng, đánh đường đi mấy trăm km vào đơn vị chất vấn tôi: “Anh đi em ở nhà đảm đang mọi công việc, chăm lo con cái để anh yên tâm làm tốt nhiệm vụ. Sao anh lại để người ta bêu lên trên đài, trên báo, em chịu không nổi, gia đình chịu không nổi”.

Tôi thành thật xin lỗi đồng chí Trung đoàn trưởng và gia đình đồng chí. Sau đó mấy hôm tôi đích thân về gia đình đồng chí Trung đoàn trưởng và Trung đoàn Phó Chính trị xin lỗi, sơsuất đó do tôi nghiệp vụ báo chí còn non kém. Tôi ra UBND xã gặp ông Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy 2 địa phương nói về nộidung bài báo của tôihoàn toàn không có ý định nói xấu người khác.

Bài báo đến nay vừa tròn 40 năm, nỗi ăn năn, hối hận của tôi vẫn chưa dứt. Đồng chí Trung đoàn trưởng đó nay không còn nữa, tôi lại càng day dứt hơn. Chỉ vì một bài báo để mình phải dày vò tâm can suốt một đời.

Sau sai lầm đó tôi mới tỉnh ra, trung thực không có nghĩa thấy cái gì cũng viết, chính xác là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để hoàn thiện một tác phầm báo chí, nhất là viết mặt trái, tiêu cực, khuyết điểm, phê bình của một tập thể, hay cá nhân người viết cần có cái nhìn tổng quát, cân nhắc đắn đo đưa một chi tiết vào lợi, hại như thế nào, tính giáo dục ra sao, có sức thuyết phục hay không, đặc biệt là định hướng dư luận thế nào.

Tôi mong các bạn trẻ mới vào nghề làm báo đừng mắc sai lầm như tôi. Cha ông đã dặn: “Bút sa gà chết”. Nay có câu nói này càng thấm thía với người cầm bút: “Bút sa là chết”. Nhiều nhà báo lao đao vì viết hiểu chưa hết tính trung thực, chính xác của một tác phẩm báo chí.

Hiện nay mạng xã hội phát triển rất nhanh, cập nhật thông tin rất nhanh. Trào lưu người đọc mạng xã hội ngày một đông. Tôi thấy có nhiều nhà báo khi thấy mạng xã hội đưa, rồi gọi điện thoại cho những ai đó, sau mấy tiếng là có tin, bài. Làm báo kiểu này vô cùng nguy hiểm. Bởi người viết trên mạng xã hội họ không có nghiệp vụ báo chí, thấy gì họ đưa vậy, thậm chí sự việc chưa xảy ra họ dự đoán sắp tới sẽ xảy ra cũng đưa. Có người muốn tin của mình là quan trọng đưa thêm lên, có nhiều chi tiết không có, viết theo ý chủ quan của họ.

Nhà báo muốn không vấp váp, để được bạn đọc yêu quý, cần phải có trách nhiệm, lương tâm, chịu trách nhiệm trước pháp luật của mình mỗi tác phẩm báo chí. Viết phê bình, chống thói hư, tật xấu, tiêu cực phải thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn "trị bệnh cứu người". Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm”.  

 HẢI HƯNG

Nguyễn Mỹ Linh