Ảnh minh họa.
Chính vì trọng trách quan trọng ấy, mỗi Luật sư đều lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam để làm nền tảng trong hoạt động hành nghề. Tuy nhiên, với vai trò đại diện của công lý và nhận sự gửi gắm của toàn xã hội, Luật sư không nên chỉ đề cao đạo đức hành nghề, chú trọng các ứng xử khi hành nghề mà còn phải điều chỉnh hành vi, ứng xử của bản thân mình trong đời sống hằng ngày.
Trong xã hội, Luật sư là người hoạt động pháp lý với vị trí người hướng dẫn pháp luật và đạo lý cho người khác. Đã là một Luật sư thì chính bản thân phải rèn luyện được đức tính độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong mỗi hành vi ngoài xã hội, dù là hoạt động nghề nghiệp hay bất kỳ mối quan hệ nào. Bởi lẽ, mỗi hành vi, ứng xử của Luật sư như là tấm gương phản chiếu cho những điều tốt đẹp, cho công lý và lẽ phải, cho niềm hy vọng của khách hàng. Cách ứng xử của một Luật sư sẽ dễ dàng tác động, ảnh hưởng đến văn hóa cộng đồng, định hướng tư tưởng xã hội. Do vậy, một Luật sư không những có kiến thức sâu rộng, kỹ năng chuyên nghiệp mà còn phải có lối ứng xử, hành vi chuẩn mực, hài hòa trong mọi tình huống, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Khi đã là một cá nhân trong tập thể xã hội, ngoài hoạt động hành nghề, Luật sư cũng không tránh khỏi những thiếu sót, có thể vô tình mắc phải một số vi phạm hoặc tự bản thân rơi vào các tình huống tranh chấp. Tuy nhiên, như đã nói, dù trong hoạt động hành nghề hay mối quan hệ ngoài xã hội, mỗi Luật sư đều có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư, giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp; thái độ ứng xử đúng mực; thường xuyên cải thiện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cố gắng hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, luôn có tính tuân thủ quy định của pháp luật; hướng đến một lối sống trong sạch để xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư.
Bên cạnh đó, cùng với sứ mệnh và chức năng xã hội của mình, ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, các Luật sư nên cố gắng phát huy chức năng xã hội của Luật sư là tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng, sự cống hiến đối với xã hội của Luật sư và đội ngũ Luật sư, thể hiện trách nhiệm và sự đóng góp của các Luật sư trong tiến trình phát triển xã hội.
Có thể nói, nghề Luật sư không chỉ đề cao chuẩn mực đạo đức khi hành nghề mà còn là một nghề nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội. Chính vì thế, mỗi Luật sư phải luôn cố gắng hoàn thiện cá nhân, xây dựng hình ảnh cá nhân tốt đẹp, có kiến thức, tình thương và tình người; luôn có tinh thần cống hiến đối với cộng đồng, rèn luyện, tâm huyết hơn nữa để góp phần nâng cao vị thế nghề Luật sư, hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, bảo vệ công lý, bảo vệ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
THANH THỊNH
Luật sư giành giật, lôi kéo khách hàng là vi phạm nghiêm trọng đạo đức hành nghề Luật sư