Ảnh minh họa.
Nghị quyết số 104/2023/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2023. Theo đó, số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỉ đồng; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sàn bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỉ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỉ đồng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, từ ngày 01/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước). Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Quy định trên đồng nghĩa với việc lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 01/7/2024.
Năm 2024, lương hưu hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính như sau:
Lương hưu hàng tháng = Tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Trong đó, tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu đối với lao động nam đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được tính bằng 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính 2%.
Đối với lao động nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được tính bằng 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính 2%. Mức hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.
Ngoài ra, về lương hưu thấp nhất, tại khoản 5, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm I khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.
NGỌC ÁNH