Mang dao lên máy bay bị xử lý thế nào?

19/07/2022 03:45 | 2 năm trước

(LSVN) – Hành khách mang dao lên tàu bay có thể bị xử phạt theo Điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không. Theo đó, hành vi đưa vật phẩm, chất nguy hiểm vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một khách đi máy bay đang cầm dao gọt hoa quả trên khoang khách đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận vì cho rằng đã vi phạm quy định an ninh, an toàn trên máy bay. Trả lời báo chí, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nhận được thông tin và đang giao Phòng An ninh hàng không kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc. 

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo Quyết định 1541/QĐ-CHK của Cục Hàng không Việt Nam về danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay và có hiệu lực từ ngày 14/7/2021, các vật phẩm nguy hiểm cấm mang lên khoang hành khách máy bay bao gồm:

(i) Chất nổ và các chất gây cháy, nổ và các vật có thành phần như: ngòi nổ, dây nổ và các thành phần cấu thành khác được sử dụng để gây sát thương hoặc đe dọa đến sự an toàn của tàu bay.

(ii) Vũ khí, súng và các loại vật dụng được thiết kế để gây sát thương hoặc các vật giống như vũ khí: các thành phần cấu tạo của súng và đạn (súng phóng điện, súng tự chế như các loại súng in 3D, loại không xác định).

(iii) Các chất hóa học như: Các loại bình xịt, khí và chất hóa học nhằm vô hiệu hóa hoặc gây tê liệt; Các loại chất hóa học mà khi trộn lẫn có khả năng gây phản ứng nguy hiểm; Các loại chất hóa học khác có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tài sản kể cả khi không được phân loại trong danh mục Hàng hóa nguy hiểm.

(iv) Các vật có lưỡi sắc hoặc đầu nhọn và các thiết bị khi phóng (bắn) có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng. Vật có lưỡi sắc hoặc đầu nhọn và các thiết bị khi phóng (bắn) có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng như: các vật được chế tạo để băm, chặt, chẻ (rìu, dao phay); dao lam, dao rọc giấy, súng tự chế, súng phóng lao, súng cao su, các loại dao có lưỡi (không bao gồm cán dao) dài trên 6cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10 cm; kéo có lưỡi dài trên 6 cm tính từ điểm nối giữa hai lưỡi hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10 cm; dụng cụ võ thuật có đầu nhọn hoặc cạnh sắc;

(v) Các dụng cụ lao động có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng hoặc đe doạ đến an toàn của tàu bay.

(vi) Các vật, dụng cụ đầu tù khi tấn công gây thương tích nghiêm trọng.

(vii) Chất lỏng, chất đặc sánh, dung dịch xịt (chất lỏng) được cụ thể theo hướng dẫn về kiểm soát chất lỏng.

Hành khách mang dao lên tàu bay có thể bị xử phạt theo Điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không. Theo đó, hành vi đưa vật phẩm, chất nguy hiểm vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng.

"Điều 26. Vi phạm quy định về an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; trên chuyến bay; tại nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không

5. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng) đến 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

e) Đưa vật phẩm, chất nguy hiểm vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

...".

Ngoài ra, với nhân viên soi chiếu an ninh hàng không để lọt dao có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 16 Nghị định 162/2018/NĐ-CP vi phạm quy định về nhân viên hàng không và thực hiện công việc theo tài liệu, quy trình, yêu cầu công việc, quy trình phối hợp hoạt động. Theo đó, mức phạt nhẹ nhất từ 1 - 3 triệu đồng. Nếu hành vi xét thấy có uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không, mức phạt có thể lên tới 10 triệu đồng.

PV

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết