Ảnh minh họa.
Sửa Luật Luật sư là sự đòi hỏi từ thực tiễn
Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 18.200 người đã được cấp thẻ Luật sư. Như vậy, trong 18 năm, số lượng Luật sư trong cả nước tăng khoảng 14.000 người và còn hàng ngàn người tập sự hành nghề Luật sư (NTSHNLS) trên cả nước đang chờ kỳ thi kiểm tra kết quả TSHNLS, cho thấy sự phát triển vượt bậc của nghề Luật sư Việt Nam trong thời gian qua. Không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà ngay cả chất lượng đội ngũ Luật sư cũng được chú trọng nâng cao; hàm lượng chất xám trong các gói dịch vụ pháp lý của giới Luật sư cung cấp cho khách hàng cũng chú trọng hơn. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư (Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) ngày càng được hoàn thiện hơn, hoạt động quy củ, chuyên nghiệp… Đó là những mặt tích cực của Luật Luật sư cần được ghi nhận và tiếp tục phát huy.
Tuy nhiên, với sự vận động, phát triển của xã hội; sự hội nhập sâu, rộng với quốc tế, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, đòi hỏi cần có sự thay đổi về mặt nhận thức đối với nghề Luật sư cho phù hợp chung với thế giới. Hơn nữa, trong 10 năm qua, kể từ khi Hiến pháp 2013 được ban hành, cùng với đó là các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước xác định rõ về chủ trương, định hướng, đưa ra các giải pháp đổi mới, hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng Luật sư; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư. Đặc biệt, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”, tại gạch đầu dòng thứ 7 của mục 7, phần IV về “Nhiệm vụ và giải pháp”, nhấn mạnh: - “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Củng cố hội luật gia các cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên hội luật gia trong thực hiện nhiệm vụ đúng quy định pháp luật”.
Vì lẽ đó, việc có một Luật Luật sư mới để thay thế Luật Luật sư năm 2006 là đòi hỏi của thực tiễn, nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư.
Người tập sư hành nghề Luật sư hay Luật sư tập sự: Không chỉ là tên gọi!
Một trong những vấn đề mà giới Luật sư quan tâm khi sửa đổi Luật Luật sư lần này là Ban soạn thảo sẽ giữ nguyên chế định về “Người tập sự hành nghề Luật sư” (NTSHNLS) hay khôi phục lại chế định Luật sư tập sư (LSTS) như Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Bởi lẽ, chế định NTSHNLS chỉ xuất hiện từ Luật Luật sư năm 2006 có hiệu lực thi hành. Trước năm 2006, Pháp lệnh Luật sư năm 1987 đến Pháp lệnh Luật sư 2001 đều gọi là LSTS. Khi dự thảo Luật Luật sư năm 2006 được lấy ý kiến góp ý, giới Luật sư cũng có đề nghị xem xét lại tên gọi NTSHNLS hay LSTS, tuy nhiên cuối cùng tên gọi NTSHNLS vẫn được giữ nguyên như trong dự thảo và được Quốc hội thông qua.
Thật ra, chế định LSTS không chỉ xuất hiện từ năm 1987, mà trước đó, từ năm 1945, khi ban hành Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945, quy định “về tổ chức các đoàn thể Luật sư” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng cụm từ “LSTS”. Tại khoản 3 Điều 3 Sắc lệnh 46 nêu rõ điều kiện muốn trở thành Luật sư thực thụ thì phải “3- Đã làm Luật sư tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng Luật sư thực thụ trong nước Việt Nam. Những người đã làm Luật sư tập sự ở Pháp có thể xin tính thời hạn tập sự ở Pháp nhưng chỉ được trừ nhiều nhất là 12 tháng”. Ngoài ra, điều kiện để LSTS trở thành Luật sư, cơ quan nào chứng nhận LSTS đủ điều kiện thành Luật sư, thời gian tập sự… đều được quy định rõ trong Sắc lệnh. Như vậy, từ năm 1945, chế định về LSTS đã được quy định trong Sắc lệnh 46/SL. Pháp lệnh Luật sư 1987, 2001 đã có sự kế thừa chế định này.
NTSHNLS hay LSTS không chỉ là sự khác nhau về tên gọi mà ngay cả quyền của chủ thể này cũng có sự khác biệt cơ bản. Trước đây, theo khoản 3 Điều 15 Pháp lệnh Luật sư 2001, quyền và nghĩa vụ của LSTS như Luật sư, trừ các việc sau đây: thành lập, tham gia thành lập Văn phòng Luật sư, công ty luật hợp danh; ký văn bản tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng trong các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án Quân sự Quân khu và tương đương, TAND Tối cao.
Tuy nhiên, khi Luật Luật sư năm 2006 có hiệu lực thì ngoài việc thay đổi tên gọi “NTSHNLS”, còn giới hạn về quyền của chủ thể này. Cụ thể khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006 quy định: “Người tập sự hành nghề Luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.
Người tập sự hành nghề Luật sư được đi cùng với Luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp Luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của Luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.
Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề Luật sư quy định tại khoản này”.
Với quy định này, NTSHNLS ít có cơ hội cọ xát nghề nghiệp. Các kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS phần nào đã cho thấy: Những người tập sự, hầu như rất ít có kinh nghiệm thực tế về nghề nghiệp mà họ sắp trở thành thành viên (nếu vượt qua được kỳ thi). Sự hạn chế quyền của NTSHNLS còn tạo nên sự bất cập, thiếu bình đẳng với người dân bình thường chưa qua đào tạo cử nhân luật và đào tạo nghề Luật sư. Người dân bình thường được pháp luật cho phép đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại…, trừ trường hợp họ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang trong thời gian chấp hành án… Quy định này, xét rộng ra, xã hội sẽ bị thiệt thòi vì những người được đào tạo luật, có kiến thức pháp luật và phần nào là kỹ năng nhưng không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Luật sư lần này nên khôi phục lại chế định LSTS như Pháp lệnh Luật sư năm 2001 để những người muốn trở thành Luật sư thực thụ có cơ hội, điều kiện tập sự nghề nghiệp một cách thực chất, đồng thời cũng là điều kiện để giúp nâng cao chất lượng Luật sư.
Muốn trở thành Luật sư, phải tập sự
Một vấn đề cũng có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến quy định của Luật Luật sư hiện hành, đó là đối tượng được miễn, giảm tập sự được quy định tại Điều 16 Luật Luật sư. Theo Điều 16, Luật Luật sư, có 03 nhóm đối tượng được miễn, giảm thời gian tập sự, cụ thể:
“1. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, Điều tra viên cao cấp, Điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề Luật sư.
2. Người đã là Điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề Luật sư.
3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề Luật sư".
Không thể phủ nhận, những đối tượng được miễn, giảm tập sự hành nghề Luật sư đều là người có kiến thức chuyên môn về luật, có kinh nghiệm và thời gian công tác liên quan đến pháp luật. Việc tận dụng những ưu thế của các đối tượng này để phát triển đội ngũ Luật sư là hết sức cần thiết, nhất là nhóm đối tượng ở khoản 1 Điều 16 Luật Luật sư. Chính kiến thức, trình độ chuyên môn của họ sẽ góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư giỏi về chuyên môn, có hàm lượng chất xám cao. Tuy nhiên, việc quy định miễn, giảm thời gian tập sự cần cân nhắc. Thời gian qua, việc miễn giảm thời gian tập sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được miễn giảm trở thành Luật sư nhanh hơn, nhưng từ đó cũng bộc lộ nhiều bất cập. Mặc dù họ có kiến thức, trình độ chuyên môn nhưng về kỹ năng hành nghề Luật sư, đạo đức ứng xử không nắm được đầy đủ, từ đó dẫn đến có sự sai sót, thậm chí vi phạm đến mức kỷ luật xóa tên. Vì vậy, theo quan điểm cá nhân người viết, bất kỳ ai muốn trở thành Luật sư đều phải trải qua giai đoạn tập sự và phải được bồi dưỡng về kỹ năng hành nghề Luật sư, nhất là đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư.
Hoạt động hành nghề Luật sư là hoạt động đặc thù, ngoài việc trang bị kiến thức pháp luật thì đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng, nếu không được đào tạo sẽ gặp nhiều va vấp trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, muốn trở thành Luật sư chuyên nghiệp, cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng về đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Không phủ nhận người ở các cơ quan tố tụng có kinh nghiệm, kiến thức pháp luật vững vàng, nhưng môi trường của cơ quan tố tụng khác hoàn toàn với môi trường nghề Luật sư. Nếu những người không qua lớp đào tạo, bồi dưỡng về các kỹ năng đặc thù này mà ngay lập tức trở thành Luật sư sau khi nghỉ việc ở các cơ quan tố tụng làm sao thấu hiểu được thân chủ mình. Họ không đắm mình vào hoàn cảnh của khách hàng thì sẽ không hiểu được khách mình cần gì ở Luật sư. Luật sư phải đau đáu với nghề, với thân phận của thân chủ. Mặt khác, khi công tác ở các cơ quan tố tụng, góc nhìn và chức năng, vai trò của họ cũng khác vai trò của Luật sư. Vì vậy, nếu phiên ngang mà không qua thời gian tập sự, dễ dẫn đến việc “diễn” nhầm vai. Thực tế đã từng có trường hợp xảy ra, Luật sư bào chữa cho thân chủ nhưng lại buộc tội thân chủ mình bởi thói quen trước đây làm ở cơ quan tố tụng.
Tổ chức kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự Luật sư cấp quốc gia: Nên để Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức như hiện nay
Trước đây, việc tổ chức kiểm tra kết quả TSHNLS do Bộ Tư pháp tổ chức. Vài năm trở lại đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được giao tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư. “Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư do Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư tiến hành. Thành phần Hội đồng gồm Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm Chủ tịch, đại diện Ban chủ nhiệm một số Đoàn Luật sư và một số Luật sư là thành viên. Danh sách thành viên Hội đồng do Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam quyết định. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư” (Điều 15 Luật Luật sư năm 2006).
Qua theo dõi và trực tiếp tham gia làm giám khảo chấm thực hành, giám khảo viết của các kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức, về cơ bản người viết thấy rằng việc tổ chức của Liên đoàn là nghiêm túc, chuyên nghiệp và đảm bảo chất lượng “đầu ra”. Hiện nay, có ý kiến đề nghị chuyển lại Bộ Tư pháp làm đầu mối tổ chức. Thực ra việc Bộ Tư pháp hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức kỳ thi quốc gian đều tốt. Tuy nhiên, ở góc độ người viết, Bộ Tư pháp là cơ quan Nhà nước quản lý lĩnh vực Luật sư không nhất thiết phải trực tiếp đứng ra tổ chức kỳ thi. Việc tổ chức kỳ thi quốc gia kiểm tra kết quả TSHNLS để Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức như hiện nay, đảm bảo sự ổn định trong công tác tổ chức, đồng thời chủ động trong việc mời giám khảo là các Luật sư có kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề chấm thi, giúp kết quả chấm sẽ sát với nghề hơn.
Trong vấn đề kiểm tra kết quả TSHNLS, nếu có thay đổi nên chăng thay đổi về phương thức kiểm tra. Trước đây, khi thi kết thúc thời gian tập sự, Luật sư tập sự sẽ đăng ký tham gia bào chữa/bảo vệ quyền lợi tại phiên tòa, Hội đồng kiểm tra sẽ cử giám khảo đến dự phiên tòa và chấm trực tiếp. Đó cũng là một cách để kiểm tra thực lực, trình độ, kỹ năng thật sự của người tập sự. Hiện nay, số lượng NTSHNLS đông; có kỳ thi tổ chức Hội đồng thi ở phía Nam, số lượng người tập sư lên đến 1.700 người nên việc kiểm tra trực tiếp tại các phiên tòa là không khả thi, nhưng có thể nghiên cứu phương thức khác phù hợp hơn. Nên chăng, ban soạn thảo cần quan tâm hơn chất lượng kỳ kiểm tra hơn là giao cho đơn vị nào nào đứng ra tổ chức kỳ kiểm tra.
Luật sư, Thạc sĩ NGUYỄN VĂN ĐỨC
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh