/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số kiến nghị hoàn thiện về trường hợp phòng vệ chính đáng

Một số kiến nghị hoàn thiện về trường hợp phòng vệ chính đáng

15/12/2023 07:22 |

(LSVN) - Phòng vệ chính đáng là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự thứ ba, khá phổ biến trong thực tiễn xét xử, phản ánh rõ nét yêu cầu của Nhà nước là động viên công dân chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân, cộng đồng.

Ảnh minh họa.

Tổng quan về Phòng vệ chính đáng

Khái niệm về phòng vệ chính đáng đã xuất hiện tại khoản 1, Điều 13, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985; khoản 1, Điều 15, BLHS 1999 sửa đổi (bổ sung) năm 2009. Tuy nhiên, tại các quy định trên, chỉ ghi nhận phòng vệ chính đáng là một định nghĩa pháp lý mà không chỉ rõ các điều kiện như thế nào để xem xét hành vi đó là phòng vệ chính đáng.

Đến BLHS 2015, phòng vệ chính đáng đã được thay đổi lớn so với các quy định trước đây. Cụ thể, tại Điều 22, BLHS đã đặt việc bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác lên hàng đầu. Điều này phù hợp với yêu cầu đề cao quyền tự do, an ninh cá nhân, bảo vệ quyền con người theo quy định của Hiến pháp 2013.

Khái niệm

Phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22, BLHS 2015 sửa đổi (bổ sung) 2017 như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Điều kiện

Trên cơ sở nội dung được quy định tại Điều 22, BLHS có thể chỉ ra các điều kiện của phòng vệ chính đáng như sau:

"a) Có hành vi trái pháp luật đang xâm hại đến các lợi ích hợp pháp – cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng;

Cần lưu ý, sẽ không có trường hợp phòng vệ chính đáng nếu hành vi xâm hại là hành vi của người đang thi hành công vụ được pháp luật cho phép. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy có một số hành vi tấn công người khác do người có chức trách trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện. Việc chống trả lại hành vi xâm phạm của người đang thi hành công vụ không được coi là phòng vệ chính đáng;

b) Hành vi xâm hại đến các lợi ích hợp pháp phải đang diễn ra, đang hiện hữu và có thật, chứ không phải do suy đoán, tưởng tượng;

c) Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công – nơi phát sinh nguy hiểm để bảo vệ các lợi ích hợp pháp;

d) Hành vi phòng vệ được coi là chính đáng, khi đó hành vi chống trả là cần thiết".

Đây là điều kiện xác định rất khó khăn trong thực tiễn áp dụng vì nó liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người thực hiện hành vi phòng vệ. Việc xác định chính xác sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chung và phát huy hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngược lại, nếu xác định có sai sót sẽ dẫn đến lạm dụng quyền phòng vệ để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, việc xác định tính “cần thiết” nhằm phân định rõ ranh giới đâu là hành vi phòng vệ chính đáng, đâu là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị pháp luật quy định.

Có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để đánh giá mức độ “cần thiết” của quy định về phòng vệ chính đáng như sau: 

- Tính chất mối quan hệ xã hội bị xâm hại (khách thể), hành vi xâm hại đến mối quan hệ xã hội càng quan trọng thì cường độ hành vi phòng vệ phải càng cao thì mới có thể chống trả được;

- Tính chất của hành vi tấn công, phương pháp tấn công, công cụ, phương tiện được sử dụng;

- Số lượng, quy mô, sự quyết tâm, quyết liệt của người tấn công;

- Không gian, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra sự việc;

- Nhân thân người phạm tội.

Ngoài ra, khi đánh giá mức độ tương xứng và cần thiết giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công phải chú ý đến thái độ tâm lý của người phòng vệ, điều kiện xảy ra để từ đó đưa ra kết luận khách quan, chính xác và toàn diện.

Kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành các quy định về “Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự”. Trong đó, đặc biệt hướng dẫn, giải thích rõ nội dung từ “cần thiết” trong quy định về phòng vệ chính đáng tại Điều 22, BLHS để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn như sau:

“Cần thiết” là sự đánh giá mức độ của hành vi phòng vệ đối với hành vi tấn công, do người phòng vệ tự cân nhắc, đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể, từ đó ngăn chặn kịp thời thiệt hại gây ra cho quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Thứ hai, tại dự thảo Phần chung BLHS năm 2015 đã có quy định về các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, nhưng đến khi ban hành lại chưa thể hiện các trường hợp này. Do đó, cần bổ sung các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, để mỗi người phòng vệ không phải lo ngại, đắn đo trước sự phán xét của cơ quan bảo vệ pháp luật khi thực hiện hành vi chủ động, có ích cho xã hội, bởi lẽ: 

- Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành để phòng, chống người đột nhập vào chỗ ở của người khác thực hiện hành vi phạm tội;

- Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là để phòng ngừa, chống tội phạm xâm phạm tự do, an ninh của con người như:  tội "Giết người", tội "Cố ý gây thương tích", tội "Hiếp dâm", tội "Cướp tài sản";

Do đó, Điều 22, BLHS năm 2015 có thể sửa đổi, bổ sung như sau:

"Đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng trong những trường hợp sau đây:

a) Chống trả lại người đang dùng vũ khí, hung khí để chống lại việc bắt giữ bất hợp pháp hoặc để tiếp tục phạm tội;

b) Chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, chống phá trại giam;

c) Chống trả lại người đang có hành vi dùng vũ khi tấn công tại chỗ ở của người khác vào ban đêm".

Tài liệu tham khảo

1. BLHS 1985;

2. BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2009;

3. BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

4. PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (2023), Trách nhiệm hình sự và loại trừ trách nhiệm hình sự, NXB Chính trị quốc gia sự thật;

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án Quân sự Quân khu 7

 Một số vấn đề về giải quyết các vụ án tạm đình chỉ trong giai đoạn xét xử

Nguyễn Hoàng Lâm