/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề về bảo quản vật chứng

Một số vấn đề về bảo quản vật chứng

11/01/2022 14:48 |

(LSVN) - Bảo quản vật chứng có ý nghĩa duy trì tình trạng nguyên vẹn của vật chứng cũng như đảm bảo giá trị chứng minh, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Qua thực tiễn áp dụng, một số quy định về bảo quản vật chứng trong tố tụng hình sự đã bộc lộ những bất cập cần liên ngành hướng dẫn.

Ảnh minh họa.

1. Về trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản vật chứng

Điểm đ khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án”.

Trong khi đó, điểm b mục 21.2 Thông tư số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS hướng dẫn như sau: “… khi ra quyết định truy tố, Viện Kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của Cơ quan Công an hoặc từ kho của Cơ quan điều tra trong Quân đội sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án cùng cấp”. Nhưng tiểu mục 1 mục II Thông tư 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự lại quy định: “Cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan Công an hoặc Cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của BLTTHS”.

Trước quy định thiếu thống nhất giữa hai thông tư nói trên, dẫn tới việc chuyển giao vật chứng trong vụ án hình sự thực hiện không thống nhất giữa các Tòa án. Có Tòa án thì cơ quan thi hành án vẫn tiếp nhận vật chứng theo quy định của Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP; có Tòa án thì kể từ khi có Thông tư 06/2007/TT-BTP ban hành, cơ quan thi hành án địa phương không nhận vật chứng do cơ quan Công an chuyển đến; có Tòa án thì cơ quan thi hành án không nhận vật chứng trước khi Tòa án có quyết định xét xử và có Tòa án thì không nhận hồ sơ vụ án đã có cáo trạng truy tố khi hồ sơ không có đủ biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án.

Xung quanh vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm tiến hành giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án.

Có ý kiến cho rằng, theo Thông tư 06/2007/TT-BTP, Tòa án phải chuyển cho Công an hoặc Cơ quan điều tra quyết định đưa vụ án ra xét xử để các cơ quan đó biết và thực hiện việc giao nhận vật chứng với Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 75 BLTTHS.

Ý kiến khác lại cho rằng, Viện Kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định chuyển vật chứng khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đây là căn cứ về thời điểm để Viện Kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng chứ không phải là thời điểm phát sinh trách nhiệm tiếp nhận vật chứng của cơ quan thi hành án. Cơ quan thi hành án chỉ cần căn cứ vào quyết định chuyển vật chứng của Viện Kiểm sát và biên bản giao vật chứng của cơ quan Công an để tiếp nhận vật chứng.

Đối chiếu với các quy định liên quan, thấy rằng, Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP quy định Cơ quan Công an chuyển vật chứng cho cơ quan thi hành án khi hồ sơ đang còn ở Viện Kiểm sát là không phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 BLTTHS vì ra quyết định chuyển vật chứng khi ra quyết định truy tố mà không phải khi chuyển hồ sơ cho Tòa án; Thông tư 06/2007/TT-BTP hướng dẫn sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì cơ quan thi hành án mới tiếp nhận vật chứng là không đúng quy trình tố tụng khi giải quyết xét xử vụ án.

Chúng tôi cho rằng, do giai đoạn xét xử bắt đầu xác định từ khi Tòa án tiếp nhận, thụ lý hồ sơ vụ án hình sự Viện Kiểm sát chuyển đến. Do vậy, vật chứng của vụ án phải được cơ quan thi hành án tiếp nhận và bảo quản từ thời điểm này, không phải từ thời điểm có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì chuẩn bị xét xử là một phần của giai đoạn xét xử. Do đó, để có sự áp dụng thống nhất pháp luật về vấn đề này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cần có Thông tư liên ngành để hướng dẫn.

Liên quan đến thẩm quyền bảo quản vật chứng và trích xuất vật chứng để xem xét tại Tòa mà hiện nay đang còn vướng mắc trong thực tiễn là: Tại Điều 312 BLTTHS 2015 có quy định việc xem xét vật chứng tại Tòa của Hội đồng xét xử nhưng cơ sở pháp lý để đưa vật chứng từ cơ quan đang bảo quản vật chứng sang Tòa án thì không có quy định; có nghĩa là hiện nay BLTTHS không có điều luật nào quy định trách nhiệm bàn giao vật chứng từ cơ quan Thi hành án sang Tòa án để phục vụ cho việc xét xử. Theo chúng tôi cần bổ sung quy định này trong BLTTHS nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa việc bảo quản vật chứng và đưa vật chứng ra xem xét tại phiên tòa. 

2. Về thủ tục tiếp nhận vật chứng dưới hình thức gói niêm phong

Tại điểm b tiểu mục 1.4 mục 1 phần II Thông tư 06/2007/TT-BTP quy định: “Trong trường hợp vật chứng, tài sản được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án chỉ nhận khi có kết luận giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án chỉ nhận vật chứng, tài sản là ma túy dưới hình thức gói niêm phong khi có kết luận của Viện Khoa học hình sự”.

Căn cứ vào quy định này, khi nhận vật chứng, tài sản dưới dạng gói niêm phong, cơ quan thi hành án yêu cầu bên giao kèm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền và biên bản thu giữ ban đầu của Cơ quan điều tra nhưng các kết luận giám định và biên bản thu giữ ban đầu đều được Cơ quan điều tra chuyển theo hồ sơ của vụ án cho cơ quan có thẩm quyền nên không thể cung cấp.

Để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, cơ quan thi hành án viện dẫn Thông tư 06/2007/TT-BTP nhưng không được bên giao chấp nhận vì đó chỉ là Thông tư của Bộ Tư pháp chứ không phải Thông tư liên ngành. Vì vậy, đối với những loại vật chứng này hiện nay cũng đang còn vướng mắc trong thủ tục tiếp nhận. Bên cạnh đó, khi giao nhận vật chứng là ma túy dưới hình thức gói niêm phong phải có kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi vụ án liên quan đến ma túy đều phải được Viện Khoa học hình sự giám định mà thông thường là Tổ chức Giám định Tội phạm - Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh tiến hành giám định và trên thực tế cơ quan thi hành án một số địa phương cũng chấp nhận kết luận giám định của cơ quan này.

Do đó, liên ngành các cơ quan Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn thống nhất về vấn đề này. Theo chúng tôi, cần sửa đổi quy định này theo hướng, Cơ quan điều tra khi giao vật chứng dưới hình thức gói niêm phong thì gửi kèm bản sao kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.

3. Về thủ tục bảo quản vật chứng là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền, vàng, kim khí quý, đá quý, hàng mau hỏng, khó bảo quản 

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 90 BLTTHS 2015, vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác.

Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định tại điểm a khoản này; vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do luật không quy định cụ thể nên không rõ đó là những cơ quan nào; thủ tục giao nhận loại vật chứng này để bảo quản ra sao nên vẫn còn nhiều lúng túng trong thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, hiện nay giữa cơ quan tiến hành tố tụng và Ngân hàng chưa có quy chế hay hướng dẫn chung, chi tiết về thủ tục gửi, giữ tiền, vàng, kim khí quý, đá quý. Nên hiện nay, số tiền, vàng, kim khí quý, đá quý là vật chứng trong các vụ án hình sự thường được bảo quản tại kho vật chứng của Cơ quan Công an, Cơ quan Thi hành án.

Đối với hàng mau hỏng, khó bảo quản, điểm d khoản 1 Điều 90 BLTTHS chỉ quy định “bán theo quy định của pháp luật” thì chưa rõ nghĩa. Điều này dẫn đến việc tùy nghi của các cơ quan tiến hành tố tụng vì họ có thể bán đấu giá theo quy định của pháp luật hoặc bán thông thường và điều này dễ gây thiệt hại đối với chủ sở hữu có tài sản được bán. Vì vậy, theo chúng tôi cần có hướng dẫn cụ thể về hình thức bán loại vật chứng này.

4. Về xác định chủ thể bảo quản vật chứng 

Điểm đ khoản1 Điều 90 BLTTHS quy định: “Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Theo quy định này, Cơ quan thi hành án cũng là cơ quan tiến hành tố tụng bên cạnh các cơ quan khác là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án? Trong khi đó, khoản 1 Điều 34 BLTTHS quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng gồm có: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án”. Cho nên chủ thể bảo quản vật chứng là cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 BLTTHS là mâu thuẫn với quy định về cơ quan tiến hành tố tụng được quy định khoản 1 Điều 34 BLTTHS.

Từ những vướng mắc bất cập trong thực tiễn như đã phân tích ở trên, thiết nghĩ cần có hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương để thống nhất áp dụng tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, khách quan bảo đảm đúng quy định của pháp luật.       

HỒ QUÂN – ĐÌNH THẮNG    

Tòa án Quân sự khu vực quân khu 4

Những vấn đề pháp lý xung quanh việc đấu giá 04 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Lê Minh Hoàng