Ảnh minh họa.
Luật sư là một nghề và những người Luật sư cũng là những con người bình thường như những người khác, cũng có nhu cầu sinh tồn, nhu cầu sinh hoạt vật chất, nên điều trước hết cần phải khẳng định, những người Luật sư hành nghề là để kiếm sống, để nuôi sống bản thân mình và chăm sóc cho gia đình. Nhưng như thế chưa đủ, bởi nếu chỉ để kiếm sống thì sẽ có muôn vàn cách thức khác nhau, mà với trình độ của những người Luật sư (vốn được đào tạo bài bản và có nhiều tố chất tốt) thì không quá khó để có thể tạo ra nguồn của cải vật chất đáp ứng nhu cầu cơ bản của bản thân mình và gia đình. Nghề Luật sư, có những đòi hỏi cao hơn thế.
Tự thân mỗi nghề nghiệp đều định vị cho nó một hình ảnh và cảm nhận riêng trong nhận thức và niềm tin của người khác và xã hội. Cảm nhận của xã hội và người khác về nghề tạo nên hình ảnh và sự tôn kính đối với nghề. Với nghề Luật sư, có lẽ vì tính chất công việc mà xã hội đặt nhiều kì vọng và niềm tin vào những người làm nghề, và chính các Luật sư cũng tự nhận thức được, công việc của mình không chỉ vì bản thân mình mà còn vì kì vọng của khách hàng, của xã hội. Sự thành công của Luật sư, chính là khi quyền lợi của khách hàng được đảm bảo thông qua các hoạt động tác nghiệp của chính mình. Nói cách khác, nghề Luật sư là nghề của sự phụng sự và giúp ích cho người khác, cho xã hội.
Cũng như những giáo viên, bác sỹ, thì những người Luật sư cần có phẩm chất cao đẹp, năng lực chuyên môn và trình độ kinh nghiệm tốt, tận tâm và biết cách “cho” trước khi “nhận”. Nếu một người Luật sư không biết nghĩ cho người khác, không biết hết mình vì quyền lợi của khách hàng, vì quyền lợi của cộng đồng, mà chỉ chăm chăm lo cho lợi ích của bản thân trước hết, thì người đó đã tự đi đánh mất sự thiêng liêng và đạo đức của người làm nghề.
Nghề Luật sư, khó hơn nhiều nghề khác bởi phải luôn đứng trước tính phức tạp và nhạy cảm của các mối quan hệ xã hội, giữa người với người và sự mâu thuẩn giữa lợi ích của cá thể và cộng đồng. Những người Luật sư luôn phải có sự nhạy cảm và tự trang bị cho mình nhận thức đầy đủ về các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế, chính trị cũng như tâm lý con người. Đặc biệt, giống như người bác sỹ luôn phải chứng kiến với bệnh tật, thì người Luật sư luôn chứng kiến với những thói hư, tật xấu và mặt trái của xã hội, của chế độ và chính quyền; nên nếu không có bản lĩnh vững vàng và lập trường kiên định, sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bi quan, mất niềm tin. Điều khó nhất với người hành nghề Luật, đó là luôn phải đặt mình trong trạng thái tỉnh táo, khách quan và soi xét vấn đề theo tư duy của một người nghiên cứu khoa học; tránh các suy nghĩ và hành động cảm tính, chủ quan và phiến diện. Muốn làm được điều đó, người Luật sư cần phải tự trang bị cho mình nhiều kiến thức và hiểu biết thông qua tự học, qua đọc sách và tham gia sâu vào các mối quan hệ xã hội đa chiều.
Luật sư là người bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ trật tự công cộng. Có những ý kiến khác nhau về vấn đề này, bởi có người cho rằng, bảo vệ công lý là nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, của Nhà nước, còn Luật sư chỉ có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của khách hàng. Nhìn nhận một cách rộng hơn, công lý không phải là pháp luật và bảo vệ công lý không phải là bảo vệ pháp luật hay bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Sự đồng nhất giữa bảo vệ công lý với bảo vệ pháp luật chỉ xảy ra khi pháp luật thực sự là hiện thân của công lý. Cũng có ý kiến cho rằng, Luật sư chỉ có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của khách hàng, chứ không phải bảo vệ công lý, không phải bảo vệ một thứ gì đó xa vời. Sự đồng nhất giữa giữa bảo vệ công lý với bảo vệ lợi ích của khách hàng chỉ có thể diễn ra khi lợi ích của khách hàng là một phần của công lý.
Trên thực tế, rất khó có sự đồng nhất như giả định. Luôn luôn tồn tại những mâu thuẩn, thậm chí trái ngược nhau giữa pháp luật và công lý, giữa lợi ích của khách hàng với tiêu chuẩn chung của công lý. Nhìn nhận một cách biện chứng, đất nước Việt nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thời gian giành cho phát triển kinh tế rất ngắn và xã hội hiện đại của chúng ta đang bước đi trên những chặng đầu tiên của con đường tiến tới thịnh vượng; nên những va vấp, sai sót là không thể tránh khỏi, trong đó có tính chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Sự khó khăn của người làm nghề Luật sư, là cần tỉnh táo để nhìn nhận một cách khách quan và chỉ ra được ranh giới của sự khác biệt giữa quy định pháp luật với công lý; giữa lợi ích của khách hàng với các tiêu chuẩn chung của công lý; và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để định hướng, uốn nắn, đấu tranh với những hành vi và quan điểm tiêu cực; để bảo vệ những nội dung nào có sự đồng nhất và tìm giải pháp hoá giải sự khác biệt.
Công lý là một khái niệm trừu tượng và mỗi người có một niềm tin riêng về công lý. Mặc dù vậy, chúng ta có thể thống nhất với nhau rằng, công lý phải là sự tối thượng của các quyền tự nhiên mà con người đáng được hưởng, lợi ích cộng đồng, là sự công bằng và phù hợp với lẽ phải.
Cơ quan Nhà nước thực hành công lý, nhưng trong giới hạn là bảo vệ lợi ích Nhà nước, trật tự xã hội dưới góc nhìn quản lý Nhà nước. Quản lý Nhà nước cũng là để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhưng vì phải áp dụng các nghiệp vụ quản lý Nhà nước nên việc thực hành công lý sẽ ít nhiều có những ngã rẽ khó kiểm soát. Người Luật sư thực hành công lý nhưng trong giới hạn rộng hơn, là bảo vệ những quyền lợi của khách hàng nếu quyền lợi đó không trái với điều cấm của luật, không trái với đạo đức và không trái với lợi ích của xã hội. Một bị cáo dù đối mặt với tội danh gì và khung hình phạt nặng tới đâu cũng có những quyền lợi cần được bảo vệ, như quyền được bào chữa, quyền được khoan hồng, quyền được bảo vệ thân thể trước các hình thức nhục hình, nên người Luật sư không nên và không có quyền từ chối bào chữa cho bị cáo đó chỉ vì tội danh mà người đã thực hiện.
Trong các quan hệ dân sự, một trong những nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Điều 3, Bộ Luật Dân sự 2015 đã minh định rằng “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”; và đây là một trong những biểu hiện của nỗ lực mà Nhà nước ta đưa ra để đảm bảo công lý cho con người, cho nhân dân.
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco.
Sự phát triển của nghề Luật sư gắn liền với trình độ phát triển kinh tế và xã hội. Chính sự phát triển của nền kinh tế dẫn tới các quyền lực Nhà nước chuyển hoá thành các năng lực quản trị công, và tính bình đẳng giữa các chủ thể trong xã hội được đề cao hơn; nên nhiệm vụ của các Luật sư là bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong sự cân đối và hài hoà với quyền lợi của các chủ thể khác trong cộng đồng và xã hội, trong đó có cả Nhà nước. Bảo vệ quyền lợi của khách hàng có những điểm khác biệt với bảo vệ lợi ích của khách hàng, bởi quyền lợi là những lợi ích mà khách hàng được quyền hưởng như một quyền tự nhiên hoặc năng lực pháp luật mà Nhà nước đã quy định. Lợi ích của khách hàng có thể đa dạng, nhưng không phải mọi lợi ích đó đều phù hợp với tiêu chuẩn chung của công lý, có thể đe doạ hoặc tạo ra nguy cơ xâm hại tới lợi ích của cộng đồng, của bên thứ ba khác, và Luật sư không được phép đồng loã với khách hàng để đẩy lợi ích đó đạt được một cách bất chấp.
Sự ổn định, hoà hợp xã hội và phát triển của nền kinh tế là điều kiện cần thiết cho nghề Luật sư tại Việt Nam hiện nay có thể phát triển. Với những thành tựu mà đất nước chúng ta đã đạt được hiện nay, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, nghề Luật sư sẽ còn phát triển hơn nữa, vai trò của những người Luật sư sẽ còn quan trọng hơn nữa. Nhưng cũng chính do sự phát triển của nền kinh tế, sự đào tạo thải trong nội bộ nghề Luật sư cũng sẽ trở nên mạnh mẽ và khắc nghiệt hơn, sự gạn lọc và kế thừa những giá trị phổ quát của nghề sẽ là cơ sở để những người Luật sư chân chính, đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm có đất nở hoa.
Luật sư HÀ HUY PHONG
Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco
Covid-19 chính thức được xem là bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội