/ Luật sư trực ban
/ Mua bán động vật hoang dã trên mạng sẽ bị xử lý thế nào?

Mua bán động vật hoang dã trên mạng sẽ bị xử lý thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tôi thấy có một số website bán động vật và thịt động vật hoang dã (lợn rừng, chồn), động vật sấy khô (sơn dương, tắc kè) và một số động vật thuộc danh mục loài quý hiếm. Hiện tại, tôi muốn làm trang trại và tôi muốn nhập chồn, tắc kè , rắn ráo, rắn hổ mang về nuôi có được không? Việc mua và bán động vật hoang dã có bị xử phạt không? Bạn đọc L.H.K.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, kinh doanh mua, bán động vật hoang dã và các sản phẩm của động vật hoang dã trên môi trường mạng thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể sẽ có thể bị xử lý phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc bạn có thấy một số website bán động vật và thịt động vật hoang dã (lợn rừng, chồn), động vật sấy khô (sơn dương, tắc kè) và một số động vật thuộc danh mục loài quý hiếm là việc làm trái pháp luật. Cụ thể:

Hành vi quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật, có thể bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 16 (Vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng) Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 400 triệu đồng theo quy định tại Điều 21 (Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng) Nghị định 35/2019/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, dụng cụ, công cụ vi phạm hành chính; Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài ra, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Hành vi tàng trữ, mua, bán, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng theo quy định tại Điều 23 (Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật) Nghị định 35/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật vi phạm, đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến lâm sản và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều này.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản (trong đó bao gồm đối với động vật rừng), có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại Điều 24 (Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản) Nghị định 35/2019/NĐ-CP.

Như vậy, trong trường hợp vi phạm vượt mức xử lý hành chính nêu trên thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo quy định tại Điều 234 hoặc tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” được quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 02 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 15 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 600 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Vì vậy, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra người phạm tội có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, các động vật như chồn, tắc kè, rắn ráo, rắn hổ mang đều là những động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Nếu bạn muốn nuôi những động vật này thì cần phải thực hiện theo các quy trình, thủ tục mà pháp luật đã quy định.

VŨ MINH

Xử lý thế nào khi bị lừa ký tên vào giấy trắng?

Lê Minh Hoàng