/ Đời sống - Xã hội
/ Nâng cấp tính năng hệ thống thu phí tự động cho metro số 1

Nâng cấp tính năng hệ thống thu phí tự động cho metro số 1

17/03/2022 04:23 |

(LSVN) - Theo phương án này, hệ thống AFC sẽ lắp đặt thêm tối thiểu 02 cổng soát vé mới (01 cổng ra và 01 cổng vào) tại các khu vực kiểm soát vé của mỗi nhà ga. Đồng thời, hệ thống sẽ bù đắp các hạn chế còn tồn tại của hệ thống AFC hiện hữu như: Có thể cung cấp đa dạng các loại vé không định danh (vé tháng) hoặc có định danh (vé tháng giảm giá, vẻ giảm giá); Có thể nạp tiền hoặc mua vé qua thẻ ngân hàng (thẻ tín dụng, thẻ ATM) hoặc ví điện tử; Hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán qua EMV không tiếp xúc, QR Code hoặc có thể dùng điện thoại thông minh để thay thế vé đi tàu

Tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Ngày 16/3, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (MAUR - Chủ đầu tư) đã có văn bản gửi Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đề xuất phương án nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC) của tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo MAUR, do ý tưởng thiết kế, xây dựng hệ thống thu phí tự động tuyến metro số 1 từ 12 năm trước nên về kỹ thuật hệ thống này còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, hệ thống AFC của tuyến metro số 1 hiện chỉ được thiết kế để hỗ trợ 03 loại vé cơ bản: Vé lượt, vé ngày (01 - 03 ngày), vé tích tiền. Các loại vé này chỉ là vé không định danh nên không thể áp dụng các chính sách giảm giá vé cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng…

Hình thức mua vé và nạp tiền chỉ có thể thực hiện tại máy bán vé hoặc tại quầy bán vé của nhà ga, chưa hỗ trợ các hình thức nạp tiền phổ biến như chuyển khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, các loại ví điện tử.

Ngoài ra, hệ thống AFC tuyến metro số 1 chưa thể kết nối với các hệ thống thu phí tự động khác của hệ thống đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống thu phí tự động các phương tiện giao thông công cộng khác của thành phố nói chung (xe buýt, BRT).

Do đó, MAUR đề xuất phương án nâng cấp hệ thống AFC cho tuyến metro số 1 bằng một dự án riêng với kinh phí 159 tỉ đồng từ ngân sách thành phố.

Theo phương án này, hệ thống AFC sẽ lắp đặt thêm tối thiểu 02 cổng soát vé mới (01 cổng ra và 01 cổng vào) tại các khu vực kiểm soát vé của mỗi nhà ga.

Đồng thời, hệ thống sẽ bù đắp các hạn chế còn tồn tại của hệ thống AFC hiện hữu như: Có thể cung cấp đa dạng các loại vé không định danh (vé tháng) hoặc có định danh (vé tháng giảm giá, vẻ giảm giá); Có thể nạp tiền hoặc mua vé qua thẻ ngân hàng (thẻ tín dụng, thẻ ATM) hoặc ví điện tử; Hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán qua EMV không tiếp xúc, QR Code hoặc có thể dùng điện thoại thông minh để thay thế vé đi tàu.

Ngoài ra, hệ thống này có thể liên thông, kết nối với các hệ thống AFC của các tuyến metro khác và hệ thống giao thông công cộng của TP. Hồ Chí Minh.

Khởi công năm 2012, dự án metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Hiện, có 13 trong tổng 17 đoàn tàu metro số 1 được nhập về TP. Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, các đoàn tàu của tuyến metro số 1 sẽ chạy thử nghiệm đoạn depot Long Bình đến ga Bình Thái từ giữa năm nay. Tháng 08/2022, chạy thử từ ga Bình Thái đến ga Văn Thánh và trước 31/12 chạy thử trên toàn tuyến.

Sau nhiều lần trễ hẹn, TP. Hồ Chí Minh quyết tâm vận hành thương mại tuyến metro số 1 vào năm 2023.

VŨ QUÝ

Đến cuối năm 2022, trên 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử

Lê Minh Hoàng