/ Bút ký Luật sư
/ Người luật sư làm “tê liệt” cảnh sát Sài Gòn - Gia Định

Người luật sư làm “tê liệt” cảnh sát Sài Gòn - Gia Định

05/01/2021 18:00 |

LSVNO - Trước khi Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Tổng tiến công năm 1975, lực lượng Cảnh sát Sài Gòn-Gia Định đã tê liệt hoàn toàn. Người có công trong việc làm vô hiệu hóa bộ máy ấy chính là vị chỉ huy cao nhất của lực lượng này, Chuẩn tướng, Luật sư Triệu Quốc Mạnh (tức Bảy Mạnh). Ông cũng là một thành viên thuộc Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định...

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn, Triệu Quốc Mạnh ghi tên theo học Ban Tiến sĩ kinh tế rồi được bổ nhiệm làm thẩm phán khi vừa 23 tuổi, trở thành thẩm phán trẻ nhất trong ngành tư pháp Sài Gòn-Gia Định. Thời điểm ấy, Bảy Mạnh được giới thiệu vào Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn-Gia Định, đứng vào hàng ngũ của Đảng và hoạt động tự do dưới dạng “một trí thức tiến bộ có tinh thần yêu nước theo hướng hòa giải dân tộc”.

Năm 1966, Triệu Quốc Mạnh được bổ nhiệm làm thẩm phán hàng thứ ba trong tổng số 9 thẩm phán của tổ chức ngành Tư pháp. Khi 30 tuổi, ông được chính quyền Sài Gòn thăng lên Đệ nhất Phó biện lý của Tòa Sài Gòn - Gia Định, một chức vụ có đầy quyền hành với cả ngành cảnh sát của chính quyền Sài Gòn. Theo luật, các thẩm phán có quyền ký giấy ra lệnh cho cảnh sát và chấp nhận lời tuyên thệ khi nhậm chức của các quận trưởng cảnh sát, cũng có quyền được chỉ huy cảnh sát. Những thẩm phán này khi được trao quyền chỉ huy, cấp dưới phải phục tùng.

Luật sư Triệu Quốc Mạnh.

 Bất ngờ được "cất nhắc"

Năm 1970, khi từ Thái Lan về nước, nhằm tạo cho mình một hậu thuẫn chính trị về sau, Dương Văn Minh đã nhanh chóng gần gũi với Hội Luật sư do Luật sư Trần Ngọc Liễng làm Tổng thư ký và Triệu Quốc Mạnh làm Phó tổng thư ký. “Chính bởi mối quan hệ thân quen từ hồi đó mà sau này, khi được Luật sư Trần Ngọc Liễng giới thiệu, hai tuần trước khi lên làm Tổng thống, Dương Văn Minh đã đưa tôi vào nội các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Anh em dân biểu đối lập tán thành, tín nhiệm tôi. Mặc dù lúc đó Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa chịu từ chức, nhưng trước xu thế cấp bách của thời cuộc, bởi sự nguy ngập về quân sự, ông Minh đã chuẩn bị trước và biết chắc mình sẽ lên thay chức Tổng thống. Tôi còn nhớ khi đang ngồi ở tòa Gia Định, Giáo sư An Cư đến nói với tôi: “Chắc chắn trong tình hình hiện nay, ông Minh sẽ lên làm Tổng thống và ông ấy sẽ mời anh giữ vị trí chỉ huy cảnh sát”, ông Mạnh kể.

Bất ngờ với lời mời này, ông Mạnh xin có thời gian suy nghĩ, mục đích là để xin ý kiến Mặt trận. Ông nghĩ nếu đã nhận lời thì phải làm, còn nếu cấp trên không cho nhận lời thì phải rút ông đi nơi khác, không để ở Sài Gòn nữa. Ông tìm gặp Thủ trưởng Tám Cần để nghe chỉ đạo. Tuy nhiên, lúc này ông không thể liên lạc được với ai trong Ban Trí vận, ngoài người bạn là kỹ sư Dương Văn Đại. Tình thế cấp bách và biết đây là việc làm có lợi cho cách mạng, ông đã tự quyết định nhận lời.

Ông Mạnh kể, tại buổi trình diện Chính phủ tại dinh Hoa Lan, phòng họp nội các lúc đó có khoảng 25 người. Khi ông xuất hiện, Dương Văn Minh bảo ông tới ngồi gần. “Tổng thống Dương Văn Minh trao cho tôi tờ giấy cho ghi 3 dòng: Tổng nha Cảnh sát, Đô trưởng Đô thành, Bộ chỉ huy Cảnh sát Sài Gòn. Tôi liền đánh dấu vào dòng ghi chữ “Bộ chỉ huy Cảnh sát Sài Gòn” vì nghĩ rằng lực lượng này mới quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, nếu chúng bị tê liệt thì Chính phủ cũng không còn gì”, ông Mạnh nhớ lại. Lập tức, Dương Văn Minh chỉ đạo cho thuộc cấp là Trung tướng Mai Hữu Xuân gọi điện cho Đại tá Lâm Chính Nghĩa (lúc này là Phó chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn-Gia Định) chỉ thị: “Tổng thống quyết định mời luật sư Triệu Quốc Mạnh thay tướng Trang Sĩ Tấn đã di tản. Anh đưa anh Mạnh về giới thiệu với đơn vị”. Ông Mạnh biết, làm Chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn-Gia Định là điều không dễ, bởi nếu đưa một người trong giới cảnh sát hoặc quân đội lên làm chỉ huy thì được, nhưng đưa một luật sư lên làm cảnh sát thì là chuyện mới. Tuy nhiên, ông nghĩ Dương Văn Minh đã có dụng ý riêng khi dùng người hiểu luật pháp, cách xét xử, giải quyết tình huống làm chỉ huy cảnh sát. Vậy là luật sư Triệu Quốc Mạnh trở thành Chuẩn tướng và bắt tay vào công việc chấn chỉnh hàng ngũ Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định.

 Những mệnh lệnh "nóng"

Khi ông Mạnh lên làm Chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn-Gia Định, có hơn 17.000 quân, bố trí khắp 11 quận nội thành và 7 quận ngoại thành. Lần đầu đến trụ sở, ông Mạnh nghĩ mình phải áp đảo cấp dưới bằng uy thế quyền lực mà ông đang có được. Việc đầu tiên Chỉ huy trưởng Triệu Quốc Mạnh làm là ra lệnh giải tán F (một lực lượng cảnh sát đặc biệt được trang bị mạnh cả về vũ khí và phương tiện, chuyên đi bắt cán bộ cách mạng). Mất lực lượng này, xem như cảnh sát Sài Gòn - Gia Định mất đi cánh tay đắc lực. 

Một lần, khi ông Mạnh đang trò chuyện với các sĩ quan trong phòng làm việc thì Trung tướng Mai Hữu Xuân gọi điện tới. Lợi dụng cuộc điện thoại (mà các sĩ quan trong phòng đều biết là từ phía Tổng thống gọi tới), Triệu Quốc Mạnh ra lệnh: “Tổng thống Dương Văn Minh vừa thông báo cho tôi biết, tình hình thương lượng với cộng sản tại trại Đa-vít đạt kết quả 60% và ra lệnh cho cảnh sát phải bày tỏ thiện chí với cộng sản. Đại tá Lâm Chính Nghĩa thu danh sách những Việt Cộng ta đã “mua” được. Thiếu tá Châu thả tự do toàn bộ tù binh Việt Cộng”. Ông Mạnh ra lệnh khi có mặt khoảng 10 chỉ huy trưởng cảnh sát của các quận. “Lúc đó, tôi có cảm giác như đang ngồi trên đống lửa. Đơn thương độc mã tung hoành trong sào huyệt địch, chỉ cần thoáng vài giây chần chừ, không quyết đoán là những tên sĩ quan “có nghề” tra tấn cộng sản sẽ nghi vấn và phát hiện ra ngay”, ông Mạnh nhớ lại. Sau khi kín đáo theo dõi những kẻ thuộc hạ chấp hành mệnh lệnh của mình, ông Mạnh thở phào khi tên Lâm Chính Nghĩa, kẻ chỉ biết chấp hành mệnh lệnh một cách vô điều kiện, đã đôn đốc, nhắc nhở các thuộc cấp thực hiện mệnh lệnh của ông.

Thả tù binh xong, ông Mạnh bắt đầu điều khiển đài tác chiến. Tại đây, có một tên đại úy ghi tin điện các quận đưa lên, lúc này tin điện đưa lên sở chỉ huy liên tục. Ngồi vào vị trí chỉ huy tác chiến, thay vì lệnh “bắn, bắn đi” của tướng Tấn hoặc đại tá Nghĩa trước kia, ông phát lệnh: “Án binh bất động, bảo toàn lực lượng tối đa, đây là giờ thương thuyết, không được nổ súng trước”. Đài chỉ huy lúc đó chỉ huy hết toàn bộ lực lượng cảnh sát của Sài Gòn - Gia Định. Các đơn vị cảnh sát khắp nơi liên hệ với nhau đòi chi viện, có đơn vị đòi điều binh, nhưng chúng chỉ nhận được lệnh án binh bất động, không được nổ súng trước. Tới chiều, nghe lệnh xin thưa thớt, ông nghĩ: “Vậy là xong rồi!”. Đến tối thì chỉ còn lệnh xin lẻ tẻ. Ông cho các sĩ quan cảnh sát, lính cận vệ về với gia đình, lo cho vợ con lánh nạn, trong đó có cả Đại tá Lâm Chính Nghĩa.

Chỉ trong ngày đầu lên nắm quyền cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, chưa kịp mặc cảnh phục, đeo cấp hàm nhưng ông Mạnh đã cắt được tinh thần “hung hăng” của cảnh sát, số đông đã rời hàng ngũ bỏ trốn…

Đất nước thống nhất, Luật sư Triệu Quốc Mạnh tham gia thành lập Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Hiện ông đang trú tại quận 10 và là thành viên của Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh. Ở tuổi 73, hằng ngày ông vẫn tư vấn pháp luật cho người dân tại văn phòng, dành thời gian đọc sách, nghiên cứu các vấn đề xã hội và sống hạnh phúc bên con, cháu. “Sau giải phóng, tôi chỉ tập trung cho chuyên môn của mình. Bằng kiến thức đã trang bị và thực tế kiểm nghiệm, tôi muốn góp phần củng cố nền pháp luật nước nhà cho vững chắc, bởi pháp luật cũng là nền tảng xã hội của con người”, ông Mạnh chia sẻ.

Lê Hùng Khoa(QĐND)