Phá sản doanh nghiệp – Những vấn đề còn bất cập trong thực hiện

19/05/2020 17:30 | 3 năm trước

(LSO) - Từ khi Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực và đi vào thực hiện trên thực tế, có khá nhiều vấn đề còn bất cập cả trong hoạt động của Quản tài viên/ Doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan, các chủ nợ và bản thân doanh nghiệp bị nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.

Trong phạm vi bài viết này, dưới quan điểm và góc nhìn của Quản tài viên đang hoạt động hành nghề, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề đã gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Quản tài viên và một số kiến nghị, đề xuất góp phần hạn chế những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Ảnh minh họa.

Tình hình hoạt động của Quản tài viên

Về vấn đề chỉ định Quản tài viên và chi phí Quản tài viên

Luật Phá sản 2014 quy định việc Thẩm phán chỉ định Quản tài viên, trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có đề xuất chỉ định Quản tài viên thì phải ghi rõ vào đơn yêu cầu (quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Phá sản 2014).

Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay lại không đề cập đến vấn đề cung cấp thông tin về tổng thể của vụ việc cũng như tình hình của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản cho Quản tài viên trong khi tính chất của mỗi vụ việc là khác nhau. Điều này gây khó khăn cho Quản tài viên trong việc dự tính thời gian, công sức thực hiện vụ việc, dẫn đến khó xác định chi phí Quản tài viên.

Ngoài ra, Luật Phá sản 2014 quy định nội dung Quyết định chỉ định Quản tài viên phải ghi nhận nội dung về tạm ứng chi phí Quản tài viên. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tham gia các vụ việc tại Tòa án Bình Dương và cả ở TP. HCM thì các Quyết định chỉ định Quản tài viên tham gia quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản đều không đề cập đến vấn đề này. Do đó, Quản tài viên tham gia vụ việc nếu muốn tạm ứng chi phí Quản tài viên thì phải gửi văn bản đề nghị; và để nhận được tạm ứng chi phí cũng phải mất một khoảng thời gian không ngắn. Cá biệt, bản thân có trường hợp được chỉ định Quản tài viên, Quyết định chỉ định không nêu việc tạm ứng chi phí Quản tài viên và trên thực tế Quản tài viên cũng chưa nhận được tạm ứng chi phí.

Mặc dù vậy, Quản tài viên vẫn thực hiện nhiệm vụ, đã thực hiện xong việc lập danh sách chủ nợ và danh sách người mắc nợ của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản gửi về cho Tòa án đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, lúc này Tòa án cấp trên ra đã ra Quyết định hủy Quyết định mở thủ tục phá sản, trong nội dung Quyết định cũng không đề cập đến việc thanh toán chi phí Quản tài viên, dẫn đến Tòa án đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản hiện nay vẫn lúng túng, chưa thanh toán chi phí Quản tài viên. Theo quy định, chi phí Quản tài viên được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán. Quy định này trên thực tế cũng là vấn đề gây khó khăn cho việc thanh toán chi phí Quản tài viên trong trường hợp doanh nghiệp không còn tài sản hoặc giá trị tài sản còn lại sau thanh lý còn rất thấp, không đủ để thanh toán chi phí Quản tài viên.

Chi phí Quản tài viên bao gồm thù lao Quản tài viên và chi phí khác theo quy định tại Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phá sản và hướng dẫn thi hành.

Theo đó, phương thức tính thù lao Quản tài viên có thể theo 3 hình thức: (i) theo giờ làm việc của Quản tài viên; (ii) theo mức thù lao trọn gói; (iii) theo mức thù lao tính theo tỷ lệ % tổng giá trị tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản thu được sau khi thanh lý.

Tuy nhiên, Nghị định 22/2015/NĐ-CP cũng chưa rõ ràng trong cách xác định thù lao Quản tài viên. Chẳng hạn như đối với cách tính theo giờ làm việc thì cụ thể thời gian làm việc như thế nào được tính thù lao và mức tính thù lao/giờ là bao nhiêu. Nếu tính theo mức thù lao trọn gói thì cá nhân, tổ chức nào xác định mức trọn gói này, sự thỏa thuận ra sao và thỏa thuận tại thời điểm nào, hình thức thỏa thuận… chưa được quy định cụ thể.

Cách tính thù lao Quản tài viên cũng chưa được quy định cụ thể theo từng giai đoạn của thủ tục tuyên bố phá sản. Mặc dù Nghị định 22/2015/NĐ-CP có quy định rằng trong trường hợp Tòa án ra Quyết định đình chỉ theo quy định tại Điều 86 Luật Phá sản thì Thẩm phán và Quản tài viên thỏa thuận mức thù lao nhưng cũng không đề cập đến trường hợp nếu không đạt được thỏa thuận thì giải quyết như thế nào. Hoặc như trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có đề xuất chỉ định Quản tài viên thì sẽ thỏa thuận với ai về chi phí Quản tài viên? Hiện vẫn chưa có quy định nào đề cập vấn đề này.

Luật Phá sản 2014 quy định Quản tài viên là người tiến hành thủ tục phá sản tại Khoản 9 Điều 4. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, Luật Phá sản 2014 và Nghị định 22/2015/NĐ-CP không đề cập đến việc cung cấp thông tin bước đầu về doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản, cũng như việc cung cấp Quyết định mở thủ tục phá sản, Quyết định hủy Quyết định mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản cho Quản tài viên. Điều này là một vấn đề thật sự bất cập.

Có thể nói rằng việc chỉ định Quản tài viên và cách xác định, chi trả chi phí Quản tài viên như hiện nay là chưa phù hợp, chưa tương xứng với thời gian, công sức mà Quản tài viên bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ. Chưa kể đến tình huống Tòa án dự liệu mức tạm ứng chi phí phá sản không phù hợp, không đủ để thanh toán cho Quản tài viên sau khi thực hiện xong nhiệm vụ khi mà giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi thanh lý còn rất thấp.

Về vấn đề thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Quy định này có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp nói chung trong hoạt động hợp tác, kinh doanh, đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Và việc Luật Phá sản 2014 cho phép chủ nợ được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn được xem là một hình thức đòi nợ tập thể hợp pháp theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi xem xét, giải quyết thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án tại TP. HCM chỉ thụ lý nếu khoản nợ đó được hạch toán trong Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản trong khi Điều 39 Luật Phá sản 2014 quy định về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đề cập vấn đề này. Và thực tế bản thân khi tham gia vụ việc tại tỉnh Bình Dương thì Tòa án thụ lý đơn cũng không yêu cầu vấn đề này.

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ cố tình không đưa khoản nợ đến hạn này vào trong Báo cáo tài chính thì chủ nợ phải làm như thế nào để được thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, và pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ nợ trong trường hợp này bằng cơ chế nào, có đúng với chủ trương, mục đích, ý nghĩa khi ban hành Luật Phá sản 2014 hay không? Vấn đề này rất cần có câu trả lời xác đáng.

Về thực hiện nhiệm vụ Quản tài viên

Sau khi có Quyết định chỉ định, Quản tài viên tiến hành việc kiểm kê tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản. Trong giai đoạn này, nếu rơi vào trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản không hợp tác, cố tình né tránh sẽ gây khó khăn cho việc kiểm kê; đó là chưa kể đến việc cần phải có sự phối hợp chứng kiến của chính quyền địa phương trong khi một số nơi chưa hiểu rõ về vai trò của Quản tài viên, và cũng không nhiệt tình phối hợp.

Cũng trong giai đoạn này, Quản tài viên cần xác định danh sách chủ nợ, người mắc nợ cũng như tình hình tài chính, thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản trong 03 năm liên tục. Việc liên hệ cơ quan thuế để yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính, báo cáo thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng là một quá trình nhiêu khê, mất thời gian. Mặc dù, trước khi liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để nhận các tài liệu này, Quản tài viên đã gửi văn bản đề nghị qua bưu điện, trao đổi trực tiếp qua điện thoại song vẫn phải đi lại rất nhiều lần mới được cung cấp tài liệu này. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian phân tích, đánh giá hoạt động, khả năng tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản.

Ngoài ra, còn phải kể đến khó khăn khi xác minh số dư tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tổ chức tín dụng. Đa số các ngân hàng đều từ chối cung cấp trực tiếp về tình hình tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo yêu cầu bằng văn bản của Quản tài viên. Lúc này, Quản tài viên phải có văn bản đề nghị Tòa án hỗ trợ việc yêu cầu cung cấp thông tin, làm kéo dài thời gian xác minh và là nguy cơ có thể dẫn đến việc doanh nghiệp, hợp tác xã tẩu tán tài sản hoặc không trung thực về tình trạng tài chính. Ngoài ra, cũng có trường hợp doanh nghiệp thay đổi trụ sở làm việc so với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gây khó khăn cho việc xác minh, liên hệ.

Quá trình lập danh sách chủ nợ và người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản cũng không phải là suôn sẻ. Mặc dù theo quy định pháp luật, căn cứ vào thời gian và nội dung thông tin yêu cầu được đăng tải trên 3 kỳ báo liên tục, các chủ nợ sẽ gửi văn bản đòi nợ và chứng từ kèm theo về cho Quản tài viên để tổng hợp.

Tuy nhiên, vì hiện nay Luật Phá sản 2014 chưa được thông tin rộng rãi, các doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết về quy trình, thủ tục đòi nợ theo thủ tục phá sản nên vẫn còn nhiều trường hợp gửi văn bản và chứng từ đòi nợ chưa đảm bảo theo yêu cầu. Trường hợp này, nếu theo quy định, Quản tài viên có thể không đưa vào danh sách, nhưng như vậy sẽ thiệt thòi cho các doanh nghiệp. Nhưng nếu Quản tài viên chủ động liên hệ lại thì sẽ mất thời gian, công sức và cả chi phí. Hoặc có trường hợp, dù được Quản tài viên hướng dẫn việc cung cấp các văn bản, tài liệu đòi nợ nhưng các doanh nghiệp này vẫn không thực hiện theo mà tự liên hệ Tòa án để nộp, sau đó lại mất thời gian Tòa án chuyển lại về cho Quản tài viên.

Đối với việc lập danh sách người mắc nợ, Quản tài viên chủ yếu căn cứ vào danh sách do doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản cung cấp và theo nội dung Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã cố tình che giấu thông tin, bỏ sót đối tượng nhằm tẩu tán tài sản.

Đề xuất và kiến nghị

Liên quan đến việc chỉ định Quản tài viên và xác định, chi trả chi phí Quản tài viên

Thứ nhất, mặc dù hiện nay Luật Phá sản và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định việc cung cấp Quyết định Mở thủ tục phá sản, Quyết định hủy Quyết định mở thủ tục phá sản, Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và việc trao đổi thông tin về tổng thể vụ việc cho Quản tài viên.

Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh.

Thiết nghĩ việc này là cần thiết và hỗ trợ cho Quản tài viên. Trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh, kính đề nghị Sở Tư pháp có ý kiến với Tòa án để tạo điều kiện thuận lợi cho Quản tài viên trong hoạt động của mình.

Thứ hai, việc xác định và chi trả Chi phí Quản tài viên hiện nay phụ thuộc vào Tòa án, đề nghị Tòa án nên có hướng dẫn và thống nhất cụ thể các trường hợp (trên địa bàn thành phố) để dễ thực hiện.

Liên quan đến vấn đề thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Như đã phân tích ở trên, hiện nay tại TP. HCM yêu cầu việc hạch toán khoản nợ vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là điều kiện thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Việc này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đòi nợ theo thủ tục phá sản. Thiết nghĩ, Tòa án tại TP. HCM cần xem xét lại cụ thể vấn đề này theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ Quản tài viên

Đề nghị Sở Tư pháp thành phố nên có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp thực hiện với Quản tài viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bao gồm cả cơ quan chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn (đặc biệt là cơ quan thuế). Ngoài ra, ngân hàng nhà nước cũng cần phổ biến rộng rãi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM về việc phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của Quản tài viên.

Đôi nét về tình hình hoạt động của Quản tài viên những vấn đề gặp phải trong quá trình hoạt động, trong phạm vi bài viết này tác giả mong muốn rằng, trong thời gian tới vai trò của Quản tài viên sẽ được quan tâm và hỗ trợ tích cực hơn trong hoạt động hành nghề.

Luật sư NGUYỄN TIẾN MẠNH
Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long
/vi-sao-nguoi-mua-khong-thiet-tha-voi-bao-hiem-trach-nhiem-dan-su-bat-buoc-doi-voi-xe-may.html