1. Khái niệm
“Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. (khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019).
“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019).
Như vậy, tên thương mại chỉ gắn với một cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực kinh doanh. Và ngược lại trong lĩnh vực, khu vực kinh doanh mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được có một tên thương mại duy nhất. Nhãn hiệu đại diện cho hàng hóa, dịch vụ. Một nhãn hiệu có thể đại diện cho nhiều hàng hóa, dịch vụ của một chủ thể kinh doanh.
Ví dụ Công ty TNHH Nestle Việt Nam chỉ có một tên thương mại là Nestle và Nestle chỉ đại diện cho Công ty TNHH Nestle Việt Nam. Nestle phân biệt Công ty TNHH Nestle Việt Nam với các tổ chức, cá nhân khác.
Nestle sản xuất ra nhiều sản phẩm như Milo (thức uống), Maggi (gia vị), Lavie (nước uống đóng chai), Nescafé (cafe)….. Milo, Maggi, Lavie, Nescafé là các nhãn hiệu đại diện cho sản phẩm của Nestle. Một nhãn hiệu có thể đại diện cho nhiều sản phẩm. Ví dụ nhãn hiệu Maggi đại diện cho sản phẩm gia vị nấu ăn (bao gồm dầu hào, nước tương, hạt nêm) của Nestle, phân biệt gia vị nấu ăn của Nestle với gia vị nấu ăn của các thương hiệu khác.
2. Thành phần cấu tạo
Tên thương mại cấu tạo bởi chữ, số phát âm được. Khác với tên thương mại, nhãn hiệu không chỉ là tên gọi hay từ ngữ mà còn bao gồm dấu hiệu khác như hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố tạo thành một tổng thể phân biệt.
Ví dụ Công ty TNHH Nestle Việt Nam có tên thương mại là Nestle. Nestle được cấu tạo bởi các chữ cái phát âm được. Nhãn hiệu Nestle được kết hợp cả chữ và hình ảnh.
3. Căn cứ xác lập quyền SHTT
Ngoại trừ nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc được công nhận đăng ký quốc tế trên cơ sở Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Quyền SHCN đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực, lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. (Điều 76 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019).
Theo nguyên tắc chung, quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nơi nó được đăng ký hay sử dụng trên thực tế; còn quyền đối với tên thương mại được bảo hộ không chỉ trong phạm vi quốc gia nơi chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh mà còn tại tất cả các nước thành viên Công ước Pari với điều kiện tuân thủ những quy định của pháp luật nước sở tại nhưng không cần thông qua thủ tục đăng ký. “Tên thương mại được bảo hộ ở tất cả các nước thành viên của Liên minh mà không bắt buộc phải nộp đơn hoặc đăng ký, bất kể tên thương mại đó có hay không là một phần của nhãn hiệu hàng hóa”. (Điều 8 Công ước Pari).
4. Phạm vi bảo hộ
Phạm vi bảo hộ về mặt thời gian đối với nhãn hiệu được xác định theo hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm và có thể được gia hạn tiếp. Đối với tên thương mại, thời hạn bảo hộ là khoảng thời gian mà doanh nghiệp còn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Có thể nói trừ những trường hợp đặc biệt, tên thương mại và nhãn hiệu sẽ được pháp luật bảo hộ cho tới khi chủ sở hữu không có khả năng và nhu cầu sử dụng.
Trong bất kỳ trường hợp nào để duy trì hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu cần tiến hành thủ tục đăng ký lại qua từng thời gian nhất định và trả lệ phí. Quyền đối với tên thương mại tồn tại không bị không bị hạn chế về mặt thời gian, không có xu hướng bị “hao mòn”, không phụ thuộc vào việc nộp lệ phí hay sử dụng dấu hiệu là tên thương mại.
Về mặt không gian, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bất kỳ chủ thể nào sử dụng nhãn hiệu mà không được sự cho phép của chủ sở hữu thì hành vi đó dù được thực hiện trên bất kỳ tỉnh thành nào cũng bị coi là vi phạm quyền SHCN. Tuy nhiên, điều này không được áp dụng với tên thương mại. Bảo hộ tên thương mại chỉ được giới hạn trong một khu vực kinh doanh – nơi chủ thể kinh doanh đã có bạn hàng, khách hàng và danh tiếng. Phạm vi bảo hộ về không gian của hai đối tượng không đồng nhất đã và đang gây rất nhiều khó khăn trong công tác áp dụng pháp luật và quá trình thẩm định đơn nhãn hiệu.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã lấy chính tên thương mại của mình để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Có rất nhiều trường hợp tên thương mại của một doanh nghiệp trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại, nhãn hiệu đã được bảo hộ của doanh nghiệp khác. Những chủ thể này có thể ở trong cùng một lĩnh vực kinh doanh. Điều này dẫn tới sự khó khăn, nhầm lẫn của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa, sản phẩm. Về phía doanh nghiệp, sự hiểu lầm có thể gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm ngăn ngừa và giải quyết hiện tượng xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại. Cụ thể Khoản 5 Điều 73 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 quy định trường hợp nhãn hiệu không được bảo hộ nếu chứa đựng: “Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ”.
Để tranh chấp về tên thương mại và nhãn hiệu giữa các doanh nghiệp không xảy ra cũng như giải quyết hiệu quả hiện tượng này khi chúng phát sinh trên thực tế đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính toàn diện và đồng bộ. Trước hết, pháp luật SHTT cần quy định cụ thể hơn nữa về việc bảo hộ tên thương mại như xác định phạm vi bảo hộ (phần mô tả và phần tên riêng trong tên thương mại có trùng hoàn toàn với tên của doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh hay không?), thời điểm tên thương mại được bảo hộ (ví dụ doanh nghiệp chưa được thành lập nhưng tên của doanh nghiệp đã được thể hiện trong các giấy tờ giao dịch nhằm chuẩn bị cho việc thành lập doanh nghiệp như giải phóng mặt bằng, huy động vốn… thì thời điểm tên thương mại được bảo hộ là thời điểm nào?). Bên cạnh đó các tổ chức, cá nhân khi đặt tên riêng cho doanh nghiệp hoặc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình cần có kiến thức nhất định về SHTT và nên tiến hành tra cứu để bước đầu xác định được khả năng bảo hộ. Cũng cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT với cơ quan tiến hành đăng ký kinh doanh nhằm hạn chế việc cho phép đăng ký kinh doanh các tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Việc xây dựng uy tín cho một nhãn hiệu hay tên thương mại đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cũng như thời gian. Khi có tranh chấp trong bảo hộ thì hoặc là văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ hoặc là tên thương mại bị cấm sử dụng. Để tránh gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức kinh doanh, trước khi có những sự thay đổi chính sách pháp luật, các doanh nghiệp cần có hiểu biết pháp luật để chính bản thân mình.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀN
Giám đốc Công ty Luật HOK
Án phí và trường hợp được miễn, giảm án phí