Ảnh minh họa.
Điểm yếu lớn nhất của ChatGPT là nó tồn tại trên môi trường máy tính mà không có môi trường thực như sự tồn tại của con người trong cuộc sống, nên nó không thể đạt tới trạng thái thông minh và hoàn hảo như con người và không thể thay thế con người trong đời thực. ChatGPT chỉ là một trong số các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và là một ứng dụng hỏi đáp, nhưng nó đang được coi là một sản phẩm điển hình và tiêu biểu của việc ứng dụng công nghệ AI hiện nay. Nhìn một cách rộng hơn, trong tương lai, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn thiện hơn, và kết hợp với công nghệ Robot, sẽ xuất hiện những phiên bản “người máy” có khả năng tham gia sâu hơn vào đời sống của con người và tác động của nó tới các khía cạnh của cuộc sống cũng sâu sắc hơn.
Mặc dù mới dừng lại ở phiên bản thử nghiệm đầu tiên nên ChatGPT còn thô sơ và mắc lỗi, nhưng nó đã tạo ra được những điều kinh ngạc cho con người. Theo tờ báo Straits Times, GS Jonathan Choi thuộc trường Luật, Đại học Minnesota (Mỹ), đã tiến hành cho ChatGPT làm bài kiểm tra 04 khóa học tương tự các sinh viên, bao gồm 95 câu hỏi trắc nghiệm và 12 câu hỏi tự luận để kiểm tra cách ChatGPT tạo ra câu trả lời. Kết quả, ChatGPT đạt điểm C+, là điểm số đủ để vượt qua 04 khóa học nhưng đứng gần cuối lớp trong đa số môn và sai sót hầu hết câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến toán học[1]. Cũng cần nhận rõ rằng, ChatGPT do con người tạo ra và được hấp thụ tri thức, kinh nghiệm của cả loài người nên xét ở góc độ đơn lẻ, ChatGPT có khả năng vượt qua rất nhiều con người đơn lẻ trong xã hội của chúng ta. Cần nhớ rằng, cho đến nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đánh bại con người ở cả 03 môn cờ với các siêu đại kiện tướng giỏi nhất hành tinh[2].
Ở thời điểm hiện tại, ChatGPT đã có khả năng tự sáng tác bài báo, bài luận, bài kiểm tra, thiết kế phần mềm và rất nhiều việc khác thuộc phạm vi mà trong quá khứ, chỉ con người mới làm được. Trong tương lai, chắc chắn là phần mềm này sẽ còn làm được rất nhiều việc khác với trình độ và năng lực tốt hơn rất nhiều so với hiện nay. ChatGPT nói riêng và các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI được thiết kế để suy nghĩ và thực hiện tác vụ như con người, và thậm chí, nó còn có thể mạnh hơn con người bởi khả năng tổng hợp dữ liệu, phân tích dữ liệu với quy mô lớn ở phạm vi toàn cầu.
Với những gì mà ChatGPT nói riêng và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã thể hiện trong thời gian qua, buộc chúng ta phải nhìn nhận một cách rõ nét và đầy đủ hơn các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc thiết kế, sử dụng các sản phẩm công nghệ đó trong cuộc sống.
Để ChatGPT có thể hoạt động, con người cần cung cấp cho nó kênh khai thác dữ liệu, tức là kênh cung cấp thông tin đầu vào. Ở thời điểm hiện tại, ChatGPT sử dụng nguồn dữ liệu lớn mà nó thu thập được từ Internet. Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây, là việc thu thập dữ liệu đó có hợp pháp không, phần dữ liệu nào đảm bảo tính hợp pháp và chính xác, phần dữ liệu nào không hợp pháp và không chính xác. Chính con người cũng không đủ khả năng để kiểm soát được tính xác thực và trung thực của các thông tin trôi nổi trên nền tảng Internet và ChatGPT cũng khó có khả năng kiểm chứng được tính chính xác của thông tin mà nó thu thập. Các sản phẩm do ChatGPT tạo ra là sản phẩm của quá trình tổng hợp, phân tích dữ liệu nên sản phẩm đó khó đảm bảo tính hợp pháp nếu dữ liệu đầu vào không đảm bảo tính hợp pháp. Các sản phẩm như vậy có khả năng xâm hại tới an ninh Quốc Gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích của các con người cụ thể trong cộng đồng. Xét về hành vi trực tiếp, con người thiết kế và vận hành ChatGPT nhưng không trực tiếp tạo ra các sản phẩm mà ChatGPT mới là chủ thể tạo ra sản phẩm, nên khi các sản phẩm do ChatGPT tạo ra và xâm hại tới lợi ích của người khác, thì chủ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Đơn vị thiết kế và vận hành ChatGPT không phải là người yêu cầu nó tạo ra các sản phẩm mà người dùng nó mới là người yêu cầu tạo ra sản phẩm. Ví dụ: tôi đặt ra một vài câu hỏi để ChatGPT trả lời, nên tôi là người yêu cầu phần mềm tạo ra sản phẩm, chứ không phải Công ty OpenAI. Trong bối cảnh hiện tại, pháp luật về bảo hộ dữ liệu còn khá yếu và thiếu tại Việt Nam cũng như rất nhiều nước trên thế giới. Vấn đề xâm hại thông tin cá nhân, thu thập dữ liệu trái phép diễn ra rất phổ biến và pháp luật chưa có năng lực xử lý một cách hiệu quả. Chúng ta chưa có những quy định pháp luật đủ mạnh để kiểm soát việc thu thập, lưu trữ, xử lý, sử dụng dữ liệu của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên nền thực tiễn đó, sự phát triển của ChatGPT khiến vấn đề bảo hộ dữ liệu trở nên nhức nhối hơn cả ở khía cạnh lập pháp và thực thi pháp luật.
Khía cạnh pháp lý thứ hai cần nhắc tới, là vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù ChatGPT là chủ thể sáng tạo ra các tác phẩm viết (Và trong tương lai, có thể xuất hiện các loại tác phẩm khác), nhưng ChatGPT không phải là một chủ thể trong quan hệ pháp luật, nên nó không có khả năng được công nhận và được pháp luật bảo hộ là tác giả của tác phẩm. Vậy, ai sẽ là chủ thể quyền tác giả được công nhận?. Mặt khác, ChatGPT thu thập dữ liệu lớn, trong đó có dữ liệu sao chép hoặc trích xuất từ các tác phẩm viết, công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trên các nền tảng Internet, nên nếu ChatGPT “ăn cắp” ý tưởng và tri thức khoa học chứa đựng trong các dữ liệu đó để tạo ra các sản phẩm viết khác thì có bị xử lý về hành vi vi phạm bản quyền hay không. Do ChatGPT tự thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu, nên chính người sử dụng nó cũng không có khả năng nhận biết được là các ý tưởng, tri thức trình bày trong bài viết mà ChatGPT đã tạo ra theo yêu cầu có thuộc diện “ăn cắp” hay không. Sẽ rất khó khăn nếu cấm con người bình thường sử dụng các tác phẩm viết do ChatGPT tạo ra, nhưng nếu cho phép thì vô tình cho phép các tác phẩm viết được tạo ra từ hành động vi phạm bản quyền tác giả hay “đạo ý tưởng”.
Khía cạnh pháp lý thứ ba cần lưu ý, là xử lý thế nào đối với các tác vụ do ChatGPT chủ động đưa ra mà không có yêu cầu của con người? Như chúng ta biết, ChatGPT có khả năng “suy nghĩ” và đưa ra quyết định như con người, nên trong một số trường hợp, nó có thể tự thực hiện các tác vụ và tác vụ đó gây hại cho con người. Ví dụ: ChatGPT tự mình thiết kế một website hoặc phần mềm, nhưng website hoặc phần mềm đó làm lộ thông tin đời tư của một cá nhân nghệ sỹ nào đó. Rõ ràng là đơn vị thiết kết ra ChatGPT (Công ty OpenAI) không phải là người có lỗi trong việc làm lộ thông tin đời tư đó, và cũng không có người nào yêu cầu ChatGPT làm việc đó, nên rất khó quy lỗi về cho con người cụ thể để xử lý trách nhiệm. Hiện tại, ChatGPT phải có yêu cầu của con người mới thực hiện tác vụ, nhưng trong tương lai gần, khi nó trở nên thông minh hơn, thì việc tự hành động là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Với khả năng thay thế con người trong việc xử lý nhiều công việc, ChatGPT trở thành một “lực lượng lao động” mà không đơn thuần là một công cụ công nghệ của con người, phần mềm này sẽ có khả năng tạo ra một sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề và lĩnh vực việc làm trong thời gian gần. Tương tự như cách mà các phầm mềm ứng dụng (App) đã dẫn tới sự ra đời của Uber, Grab nên nền kinh tế hình thành nên những lĩnh vực kinh doanh phi truyền thống, rất khó để sắp xếp vào các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, thì với sự phổ biến của ChatGPT nói riêng và các sản phẩm ứng dụng AI nói chung cũng có khả năng tạo ra những ngành nghề mới, lĩnh vực kinh doanh mới. Pháp luật Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đã rất lúng túng với mô hình kinh doanh của Uber, nên dự báo là trong tương lai gần, sẽ còn gặp thêm nhiều sự lúng túng tương tự.
Vốn dĩ, pháp luật luôn luôn đi sau và lạc hậu hơn so với thực tiễn. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nói chung và sự ra đời của những ứng dụng công nghệ như ChatGPT, thì pháp luật càng có nguy cơ bị tụt hậu hơn. Vấn đề này là bài toán hóc búa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với các nhà nghiên cứu, các nhà lập pháp và cơ quan Nhà nước. Những điểm mới về công nghệ và thực tiễn đời sống sẽ dẫn tới những điểm mới về pháp luật, nhưng để có sự chuẩn bị tốt hơn, cần thiết phải có những công trình nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc hơn về tác động của các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI đối với hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật. Nếu chúng ta không sớm chuẩn bị, hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ tiếp tục bị lạc hậu trước thời cuộc.
[1] https://www.straitstimes.com/world/united-states/chatgpt-bot-passes-us-law-school-exam-but-near-the-bottom-of-its-class [2] https://a2z.edu.vn/tri-tue-nhan-tao-ai-danh-bai-con-nguoi-o-ca-3-mon-co-voi-cac-sieu-dai-kien-tuong-gioi-nhat-hanh-tinh/ |
Luật sư HÀ HUY PHONG
Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco
ChatGPT: Nhiều thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng