/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Phi công Liên Xô thời Thế chiến II vẫn lái máy bay khi chỉ còn một tay

Phi công Liên Xô thời Thế chiến II vẫn lái máy bay khi chỉ còn một tay

24/03/2021 03:01 |

(LSVN) - Sau khi bị thương và phải cắt cụt tay, phi công Ivan Leonov vẫn tha thiết muốn được ngồi trong buồng lái máy bay tiêm kích nên đã tự phát triển cánh tay nhân tạo giúp anh tiếp tục thực hiện các chuyến bay quân sự.

Đối với một phi công tiêm kích thời Thế chiến II, việc mất một chi đồng nghĩa với việc chấm dứt binh nghiệp trên không của mình, phải chia tay bầu trời, và chỉ làm các công việc dưới mặt đất. Nhưng không phải ai cũng chấp nhận số phận như vậy.

Chân dung phi công Ivan Leonov. Ảnh: Tư liệu cá nhân.

Trong lịch sử phi công chỉ có 10 trường hợp trở lại với nhiệm vụ bay sau khi đã mất một chân. Còn với những ai mất một tay thì tỉ lệ này cực hiếm, chỉ là một trên một triệu. Trong số họ có phi công hạng ace của Đức Viktor Petermann và phi công tiêm kích Liên Xô Ivan Antonovich Leonov.

Ngày định mệnh

Ngày 05/7/1943 đã trở thành một ngày định mệnh trong đời của viên phi công thuộc Sư đoàn Không vận 192 của Hồng quân. Vào đầu trận chiến Kursk quy mô lớn, phi công Leonov đang trên đường bay trở về căn cứ sau nhiệm vụ trinh sát thì bị không quân địch tấn công.

Đội hình của Leonov khi đó thiếu lợi thế về số lượng nên trận chiến không kéo dài. Chiếc phi cơ La-5 của Leonov thủng lỗ chỗ do trúng đạn đối phương. Anh nhớ lại: “Tôi cảm thấy tay trái mình bỏng ran, rồi sau đó nó tê liệt hoàn toàn. Tôi không dịch chuyển được cánh tay đó nữa, chẳng thể làm gì được nữa. Tôi bị ngất trong chốc lát”.

Leonov vẫn cố gắng nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay bốc cháy. Anh đã được lực lượng Xô viết dưới mặt đất đón nhận và đưa tới bệnh viện. Nhưng không thể cứu được cánh tay bị thương, người ta buộc phải cắt cụt cánh tay đó đến tận vai.

Tiêm kích cơ Lavochkin La-5. Ảnh: Tư liệu.

Trở lại bầu trời

Chỉ còn một lựa chọn dành cho Leonov, đó là rời khỏi quân ngũ. Nếu ở lại, cùng lắm là được làm công việc bàn giấy tại sở chỉ huy ở hậu tuyến.

Tuy nhiên Ivan Leonov không chịu từ bỏ ước mơ của mình. Sau khi xuất viện vào tháng 03/1944, anh bắt đầu kiên trì xin được trở lại với công việc lái máy bay. Hẳn nhiên anh liên tục gặp phải những ánh mắt ngạc nhiên. Vì Leonov không chỉ bị cụt một cánh tay, anh còn đang phải đi cà nhắc do bị thương ở chân sau vụ tai nạn nói trên.

Người duy nhất lắng nghe thỉnh cầu của Leonov là Sĩ quan Mikhail Gromov. Ông bật đèn xanh cho Leonov quay trở lại với nhiệm vụ không chiến nếu Leonov đưa ra được một cách thức nào đó để anh có thể điều khiển được máy bay. Và thật ngạc nhiên, Leonov làm được điều đó.

Gromov nhớ lại: “Tôi yêu cầu cậu ấy chỉ ra cách điều khiển cần lực đẩy mà thiếu mất một tay. Cậu ấy đã giải thích kỹ lưỡng về một thiết bị đặc biệt – một cánh tay giả bằng hợp kim dural. Chỉ một chuyển động nhỏ cũng đủ để vận hành cần lực đẩy khi cần thiết. Và thế là, Leonov đã giải quyết được vấn đề nan giải là điều khiển máy bay chỉ bằng một tay”.

Vẫn tham gia nhiệm vụ nguy hiểm dù không cận chiến

Chỉ mất vài tuần là Ivan Leonov quay trở về được với buồng lái máy bay tiêm kích. Nhưng điều đáng buồn là anh sẽ không bao giờ có thể tham gia cận chiến trên không, và do vậy đành phải tham gia phi đoàn liên lạc 33.

Leonov lái máy bay 02 tầng cánh đa nhiệm U-2, phân phát các liên lạc mật, thư tín, và nhiều ấn phẩm khác ra mặt trận. Anh cũng tham gia cầu hàng không, vận chuyển thương binh, thực hiện các chuyến bay tới vùng sau lưng địch và khu vực du kích. Trong một chuyến bay như vậy, anh bị thương một lần nữa ở chân do trúng đạn súng máy của địch.

Sau khi mất một cánh tay, Ivan Leonov đã thực hiện được tới 52 chuyến bay quân sự trước khi chuyển xuống làm nhiệm vụ dưới mặt đất. Ông qua đời vào năm 2018, thọ 95 tuổi.

TRUNG HIẾU/VOV

20 bức ảnh ấn tượng nhất về phụ nữ Anh trong Thế chiến II

Lê Minh Hoàng