/ Trao đổi - Ý kiến
/ Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của bị can

Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của bị can

18/03/2021 15:51 |

(LSVN) - Theo quan điểm của người viết, Bộ luật Hình sự nên sửa theo hướng bổ sung quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho mình kể từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý hồ sơ vụ án cho đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Tòa án quân sự Quân khu 2 xét xử vụ án hình sự phúc thẩm.

Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc giai đoạn điều tra khi có yêu cầu của bị can là một quyền mới được quy định tại điểm i khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền bào chữa cho bị can được quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013.

Như vậy, trong giai đoạn truy tố cho đến trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của bị can được đảm bảo. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự thì sau khi Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, tư cách tố tụng của người bị buộc tội chuyển thành bị cáo và bị cáo không có quyền tiếp cận những tài liệu liên quan đến việc bào chữa cho mình có trong hồ sơ vụ án nữa. 

Theo quy định tại Chương XXII Bộ luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp vụ án có kháng cáo, kháng nghị và được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý, giải quyết thì tư cách tố tụng của người bị buộc tội vẫn giữ nguyên là bị cáo.

Đồng nghĩa, trong toàn bộ quá trình tố tụng theo thủ tục phúc thẩm, người bị buộc tội không được thực hiện quyền tiếp cận những tài liệu, chứng cứ mới được Viện kiểm sát và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị cung cấp cho Tòa án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Tố tụng hình sự có liên quan đến việc bào chữa cho mình trong hồ sơ vụ án. 

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y tuyên phạm tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự. Người đại diện theo pháp luật của bị hại có đơn kháng cáo đối với toàn bộ quyết định của bản án hình sự sơ thẩm vì cho rằng Nguyễn Văn A phạm tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 Bộ Luật Hình sự. Đồng thời, người đại diện của bị hại cũng cung cấp thêm cho Tòa án cấp phúc thẩm các tài liệu chứng minh việc Nguyễn Văn A đã có động cơ, mục đích để giết người bị hại từ trước. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành,trước khi phiên tòa phúc thẩm được mở thì Nguyễn Văn A không được tiếp cận những tài liệu này.

Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như vậy có phần chưa đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo trong giai đoạn xét xử phúc thẩm được quy định tại khoản 7 Điều 103 Hiến pháp 2013. Theo quan điểm của người viết, Bộ luật Hình sự nên sửa theo hướng bổ sung quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho mình kể từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý hồ sơ vụ án cho đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Trên đây là nhận thức của bản thân về hiểu và áp dụng quy định Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của bị can trong BLHS năm 2015 để giải quyết vụ án hình sự, rất mong được sự trao đổi của bạn đọc.

ĐẶNG QUỐC ĐẠT

Thư ký Tòa án quân sự Quân khu 2

Ông Nguyễn Đức Chung sẽ đối diện với mức án ra sao khi bị khởi tố thêm tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’?
 

Lê Minh Hoàng