Quyền im lặng trong tố tụng hình sự dưới góc nhìn so sánh

27/05/2022 22:14 | 1 năm trước

(LSVN) - Quyền im lặng “right to remain silent” là quyền con người được thừa nhận trong pháp luật tố tụng hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong pháp luật của nước Mỹ, án lệ nổi tiếng từ vụ án Miranda v. Arizona năm 1966 đã thiết lập quyền của người bị buộc tội có quyền im lặng. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 lần đầu tiên quy định về nội dung quyền im lặng của những người bị buộc tội. Bài viết này sẽ tập trung phân tích bản chất quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự dưới góc nhìn so sánh.

Ảnh minh họa.

Quyền im lặng dưới góc nhìn so sánh

Quyền im lặng trong pháp luật Hoa Kỳ là một nội dung của quyền con người có tính hiến định. Tuy nhiên, Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 và các Tu chính án không có một thuật ngữ pháp lý nào về quyền im lặng (right to remain silent). Thực chất, quyền im lặng là một quyền pháp lý trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ được tạo ra trong án lệ của Tòa án Tối cao liên bang Hoa Kỳ có tên gọi Miranda v. Arizona, 384 U.S. 436 (1966).

Vụ án Miranda v. Arizona có tình tiết bị cáo Miranda bị bắt về tình nghi thực hiện tội phạm bắt cóc và hiếp dâm đã tự nhận tội trong quá trình thẩm vấn. Bị cáo Miranda đã không được thông báo có quyền được im lặng, quyền mời Luật sư trợ giúp, quyền được có Luật sư chỉ định khi bị bắt và giam giữ. Đây là sự vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng. 

Có thể hiểu quyền im lặng trong pháp luật Hoa Kỳ theo những khía cạnh sau:

Thứ nhất, đây là một quyền con người trong tư pháp hình sự xuất phát từ Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, cụ thể là Tu chính án thứ V(1). Quyền này được giải thích bởi Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ Miranda v. Arizona.

Thứ hai, trong tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải thông báo quyền im lặng cho người bị buộc tội rằng họ có quyền được im lặng khi xét hỏi, người bị buộc tội có quyền mời Luật sư trước khi hoạt động thẩm vấn được thực hiện, người bị buộc tội có quyền tự nguyện từ bỏ quyền này.

Thứ ba, mọi sự tự nhận tội của người bị buộc tội đều không có ý nghĩa là chứng cứ hợp pháp trước tòa khi quyền im lặng bị của họ bi vi phạm, khi trình tự thủ tục tố tụng không hợp pháp “without due process of law”(2). 

Án lệ Miranda v. Arizona đã tạo ra thủ tục tố tụng hình sự bắt buộc trong pháp luật Hoa Kỳ gắn với quyền im lặng của người bị buộc tội(3). Cảnh báo Maranda được thiết lập từ án lệ này là nghĩa vụ của cảnh sát, điều tra viên phải thông báo cho người bị buộc tội biết trước khi thẩm vấn nội dung: “Ông/bà (người bị buộc tội) được quyền im lặng, bất cứ điều gì ông/bà nói có thể là chứng cứ chống lại ông/bà trước tòa án. Ông/bà được quyền mời Luật sư trợ giúp ông/bà trước và trong suốt quá trình thẩm vấn nếu ông/bà muốn. Nếu ông/bà không có khả năng mời Luật sư, ông/bà được quyền nhận sự trợ giúp của Luật sư chỉ định trước khi bắt đầu cuộc thẩm vấn. Ông/bà có tự nguyện thực hiện việc trả lời việc thẩm vấn hay không?”(4). Thủ tục cảnh báo Miranda (quyền im lặng) đã trở thành điều kiện không thể thiếu trong hoạt động của cảnh sát ở Mỹ để bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội. Thủ tục Miranda đã thực sự trở thành một phần trong văn hóa pháp lý của Mỹ và nó thỉnh thoảng được thể hiện trên tivi và phim ảnh(5).

Tương tự trong pháp luật của Liên minh châu Âu, gần đây Chỉ thị 2012/13/EU của Nghị viện châu Âu ghi rõ là nhà cầm quyền phải thông báo ngay lập tức cho những người bị tình nghi, bị buộc tội, bằng lời nói hay qua giấy tờ với ngôn từ đơn giản và dễ hiểu về quyền im lặng không phải khai báo của họ. Thông báo phải xảy ra vào đúng thời điểm, để nghi phạm, hay người bị buộc tội có thể ứng dụng quyền này. Chỉ thị này phải được đưa vào luật quốc gia trong các nước Liên minh châu Âu muộn nhất ngày là ngày 02/6/2014(6).

Hiện nay trong luật của Hoa Kỳ và một số nước ở châu Âu, quyền im lặng không được hiểu độc lập chỉ liên quan đến hành vi im lặng của người bị buộc tội khi bị thẩm vấn. Nên nhận thức quyền im lặng là quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự gồm một nhóm quyền có mối quan hệ không thể tách rời nhau gồm: quyền được thông báo tới người bị buộc tội họ được quyền giữ im lặng khi bị thẩm vấn (right to remain silent), quyền được thông báo được mời Luật sư trước khi người bị buộc tội bị thẩm vấn trong suốt quá trình tố tụng, quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Khi quyền im lặng bị vi phạm thì người bị buộc tội nhận tội (self incrimination) không được coi là chứng cứ. Trong tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh luôn thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966(7) tại khoản 2 Điều 14 quy định: “Người bị cáo buộc là phạm tội có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi của người phạm tội đó được chứng minh theo pháp luật”; khoản 3 Điều 14 quy định “Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau: (d) được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; (g) không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại hoặc buộc phải nhận là mình có tội”.

Như vậy, có thể nói quyền im lặng là quyền con người được thừa nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia của nhiều nước trên thế giới.

Quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Cho đến nay, nguyên văn thuật ngữ quyền im lặng không được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật của hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhưng nội dung của quyền im lặng đã đầu tiên được quy định trực tiếp trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015)(8). Có thể nói việc quy định quyền im lặng là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền con người và thực hiện trình tự xét xử công bằng trong tố tụng hình sự. Đây cũng là một minh chứng cho sự tiếp nhận những tiến bộ trong văn hóa pháp lý nước ngoài vào việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam.

Thứ nhất, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 mặc dù không đưa ra thuật ngữ về quyền im lặng, nhưng nhiều nguyên tắc bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 khẳng định những quyền con người trong tố tụng hình sự gắn với quyền im lặng gồm: quyền suy đoán vô tội (khoản 1 Điều 31); người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa (khoản 4 Điều 31); quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong xét xử (khoản 7 Điều 103). Hệ thống pháp luật Việt Nam không thuộc truyền thống thông luật, án lệ hiện nay được coi là nguồn bổ trợ cho nguồn luật văn bản quy phạm pháp luật(9). Nếu như quyền im lặng trong pháp luật Hoa Kỳ gắn với án lệ Miranda v. Arizona với sự giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ của Tòa án tối cao liên bang, thì nội dung của quyền im lặng ở Việt Nam trong tố tụng hình sự hiện nay dựa trên những quy định về quyền con người của Hiến pháp năm 2013, của BLTTHS 2015 và các luật có liên quan.

Thứ hai, BLTTHS  2015 quy định quyền im lặng dành cho người bị buộc tội, gồm bốn chủ thể pháp lý khác nhau, bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo(10) được thông báo và giải thích về quyền và nghĩa vụ. Theo đó, trong quá trình tham gia tố tụng, tất cả các đối tượng trên đều có quyền được thông báo giải thích về quyền và nghĩa vụ, gồm quyền “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”(11). Nội dung này tương tự như nội dung quyền im lặng trong pháp luật Hoa Kỳ xuất phát từ án lệ Miranda v. Arizona.

Thứ ba, quyền im lặng trong quy định của BLTTHS 2015 được bảo đảm thực tế gắn với các quyền của người bị buộc tội gồm: quyền được mời Luật sư hoặc người khác bào chữa, quyền suy đoán vô tội (Điều 13); trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 15); quyền được bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội (Điều 16). Điều 74 BLTTHS 2015 quy định “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ”. BLTTHS 2015 còn quy định chi tiết những bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện quyền im lặng của nhóm người bị buộc tội. Tại khoản 1 Điều 87 quy định về nguồn chứng cứ. Theo đó, những gì có thật, nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Một điểm mới nữa của BLTTHS 2015 là khoản 6 Điều 183 quy định mọi cuộc hỏi cung diễn ra trong cơ sở tạm giữ hoặc tại trụ sở của cơ quan điều tra đều phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm, ghi hình này không chỉ nhằm bảo vệ quyền của bị can, mà còn bảo vệ phía cơ quan điều tra trước các khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp có bất kỳ sự cáo buộc nào về việc vi phạm quyền im lặng, quyền được thông báo quyền hoặc việc sử dụng nhục hình trong hoạt động lấy lời khai, thẩm phán có thể dựa vào các tệp hình ảnh, âm thanh này để đánh giá tính hợp pháp của lời khai(12).

Kết luận

Quyền lặng trong pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta không nên chỉ hiểu đơn thuần theo quyền mà pháp luật trao cho người bị buộc tội quyền giữ im lặng với tư cách là người tham gia tố tụng. Quyền im lặng của người bị buộc tội là tổng hợp các quyền được bảo đảm bởi pháp luật gồm: quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội, quyền được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, quyền tự bào chữa, hoặc nhờ người khác bào chữa và quyền của người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Để thực hiện triệt để hơn nữa quyền im lặng của người bị buộc tội trong pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần áp dụng chính xác, đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, trong đó có các quy định liên quan đến nội dung quyền im lặng của người bị buộc tội. Toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cần phải áp dụng đúng pháp luật để bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội gồm có quyền im lặng.

(1) Tu chính án thứ V của Hiến pháp Hoa Kỳ 1787 có hiệu lực năm 1791 với các nội dung quyền gồm: truy tố; tiến trình xét xử; tự nhận tội; không truy tố cùng một tội hai lần (double jeopardy) và những luật lệ về trưng thu (eminent domain).

(2) Được hiểu là trình tự thủ tục tố tụng hợp pháp.

(3) Nguyễn Văn Nam, (2012), Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam (sách chuyên khảo), Nxb Công an nhân dân, tr189.

(4) Nguyên gốc nội dung tiếng Anh cảnh báo Maranda là “You have the right to remain silent. Anything you say can and will be used against you in a court of law. You have the right to an attorney. If you cannot afford an attorney, one will be provided for you. Do you understand the rights I have just read to you? With these rights in mind, do you wish to speak to me?”, http://www.mirandawarning.org/whatareyourmirandarights.html

(5) Mortimer N.S. Seller, The Doctrine of Precedent In The United States of America, 54 Am.J.Comp. L.67, 2006.

(6) Trần Văn Hùng, Bảo đảm quyền im lặng của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử.

(7) Việt Nam đã gia nhập Công ước này năm 1992.

(8) Võ Minh Kỳ, Quyền im lặng của người bị buộc tội và các bảo đảm pháp lý trong tố tụng hình sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 7/2018. Nguồn: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/bao-dam-quyen-im-lang-cua-bi-cao-trong-xet-xu-vu-an-hinh-su

(9) Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

(10) Điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015.

(11) Điểm c, d khoản 1 Điều 58; điểm b, c khoản 2 Điều 59; điểm b, d khoản 2 Điều 60; điểm c, h khoản 2 Điều 61 BLTTHS 2015.

(12) Võ Minh Kỳ, tài liệu đã dẫn.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN NAM

Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân

Thực trạng tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn