"Sống" bằng nghề luật sư

09/10/2024 10:44 | 5 giờ trước

(LSVN) - Ngày 30/01/1911, nhà cầm quyền Pháp ký sắc lệnh cho phép người Việt Nam không có quốc tịch Pháp được làm Luật sư. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của nghề luật sư tại Việt Nam. Sau hơn 100 năm phát triển, nghề luật sư đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, số lượng Luật sư có thể "sống" đúng nghĩa bằng nghề này vẫn còn khá khiêm tốn. Vậy Luật sư tại Việt Nam đang "sống" bằng nghề ra sao và làm thế nào để họ thực sự có thể "sống" bằng nghề nghiệp của mình?

Ảnh minh họa.

“Sống” bằng nghề trước hết là nghề đó phải mang lại thu nhập đủ để trang trải cho bản thân và gia đình. Nhưng đối với nghề luật sư tại Việt Nam, điều này không hẳn dễ dàng. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 22.000 Luật sư, tính ra cứ hơn 4.500 người mới có một Luật sư (tỷ lệ 1/4.500). So với các quốc gia phát triển như Mỹ (1/265), Nhật Bản (1/400) hay khu vực Đông Nam Á như Singapore (1/1.000), Thái Lan (1/1.526), tỷ lệ này là rất thấp. Điều này cho thấy số lượng Luật sư tại Việt Nam còn hạn chế và nhu cầu về dịch vụ pháp lý còn rất lớn. 

Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Người dân chưa thực sự có thói quen tìm đến Luật sư khi gặp vấn đề pháp lý. Trong khi văn hóa thuê Luật sư ở các nước phát triển đã trở thành phổ biến, người Việt Nam lại thường tự giải quyết những vướng mắc của mình, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ không chính thống.

Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật chưa đồng đều khiến nhiều người, bao gồm cả Luật sư, gặp khó khăn khi bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Kết quả là nhiều Luật sư, đặc biệt là Luật sư trẻ, không có đủ nguồn thu nhập ổn định. Nhiều người trong số họ phải làm thêm nghề tay trái để nuôi sống bản thân và gia đình. Theo một số ý kiến, chỉ khoảng 40-50% Luật sư tại Việt Nam có thể thực sự sống thoải mái bằng nghề nghiệp chính.

“Sống” bằng nghề không chỉ là chuyện thu nhập mà còn là sự công nhận và vai trò của nghề nghiệp trong xã hội. Một người chỉ có thể cống hiến hết mình khi công việc mang lại cho họ niềm tin và sự tôn trọng từ xã hội. Thế nhưng, thực tế tại Việt Nam cho thấy nhiều Luật sư chỉ giữ cái danh nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết. Một số Luật sư trẻ sau khi vượt qua kỳ thi đánh giá kết quả tập sự chỉ dựa vào chức danh để ra oai hoặc phục vụ cho mục đích khác ngoài hành nghề luật. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của họ mà còn làm tổn hại đến khách hàng và nghề nghiệp.

Ngoài ra, nghề luật sư tại Việt Nam vẫn chưa được xã hội đánh giá đúng mức. Dù công việc của Luật sư có những đặc thù riêng như xử lý các vụ việc phức tạp và nguy hiểm, nhưng vị thế và vai trò của họ trong xã hội vẫn còn hạn chế. Nhiều Luật sư chân chính gặp khó khăn khi hành nghề, không thể "sống" thoải mái với nghề nghiệp của mình.

Vậy làm thế nào để Luật sư có thể “sống” bằng nghề luật sư? 

Trước tiên, mỗi Luật sư phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Tích lũy kinh nghiệm qua từng vụ việc giúp Luật sư có thể đảm nhận những trường hợp phức tạp hơn, từ đó nâng cao uy tín và danh tiếng. Khi đã có được sự tin tưởng của khách hàng, Luật sư sẽ gia tăng được số lượng vụ việc và cải thiện thu nhập, không còn lo lắng về chuyện cơm áo gạo tiền.

Bên cạnh đó, Luật sư cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Một Luật sư chân chính không chỉ làm việc vì lợi ích tài chính mà còn vì niềm tự hào nghề nghiệp và giá trị xã hội mà nghề đem lại. Mỗi Luật sư cần truyền tải cho khách hàng hiểu được chức năng và vai trò của nghề luật sư. Khi đó, nghề luật mới thực sự được xã hội coi trọng và đánh giá đúng với chức năng mà nó xứng đáng.

Quan trọng hơn cả, Luật sư cần có dũng khí đối mặt với những khó khăn của nghề. Nghề luật sư tại Việt Nam tuy đã tồn tại hơn 100 năm, nhưng so với các nước phát triển thì vẫn còn rất non trẻ. Để nghề luật sư tiến bộ và phát triển, mỗi Luật sư cần coi việc cống hiến cho nghề là một nhiệm vụ vĩ đại. Thực tế, nhiều sinh viên luật sau khi ra trường đã không chịu nổi áp lực của nghề mà phải chuyển ngành, điều này là rất đáng tiếc. Nghề luật sư không có chỗ cho những người thiếu bản lĩnh, và chỉ có những ai dám đối diện với khó khăn mới có thể “sống” thực sự với nghề.

Hi vọng rằng trong tương lai, tỷ lệ Luật sư sống bằng nghề sẽ ngày càng tăng, và nghề luật sư tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, cả về chất lượng và số lượng. Người dân sẽ có niềm tin và tìm đến Luật sư khi gặp khó khăn pháp lý, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, từ đó góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.

NGUYỄN VIẾT HOÀNG SƠN

TAT Law firm