/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Sử dụng án lệ trong đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế

Sử dụng án lệ trong đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (Đề án 123) đặt ra mục tiêu “xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế…”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án 123 là “xây dựng và phát triển đủ số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư để đáp ứng nhu cầu tư vấn và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế”.

Trong hơn 10 năm hiện thực hóa mục tiêu nêu trên của Đề án 123, khi thảo luận phương pháp đào tạo nguồn nhân lực pháp lý phục vụ hội nhập, nhiều thẩm phán, luật sư và học giả đã khẳng định tầm quan trọng của sử dụng án lệ[1]. Bài viết này tìm hiểu khía cạnh đặc thù của sử dụng án lệ thương mại và đầu tư quốc tế, nhằm kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả của việc sử dụng những án lệ này trong đào tạo luật sư, chuyên gia pháp lý phục vụ quá trình hội nhập đang diễn ra sâu rộng và toàn diện hiện nay.

Về khái niệm và vị trí của án lệ

Tại một số quốc gia theo hệ thống thông luật (common law) như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, Singapore…, học thuyết án lệ (doctrine of precedent) là một trong những đặc điểm đặc trưng của truyền thống văn hóa pháp lý và nền tảng của hệ thống thông luật[2]. Án lệ trở thành một nguồn luật quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong quá trình xét xử của các cơ quan tư pháp, cũng như trong thực tiễn đàm phán và thực thi các điều ước quốc tế ở các quốc gia này. Cụ thể, tại Vương quốc Anh, án lệ được hiểu theo nghĩa hẹp là “yêu cầu bắt buộc thẩm phán trong mỗi tòa án cụ thể khi đưa ra phán quyết phải tôn trọng và tuân theo các bản án đã tuyên của các tòa án cấp trên”[3]. Tại Hoa Kỳ, “các quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng bởi các bên trong vụ án, cơ quan nhà nước, luật sư và trong đa số trường hợp bởi cả tòa án đã tuyên các quyết định, bản án đó”[4]. Còn tại Úc “các vụ án đã được giải quyết tạo cơ sở cho việc giải quyết các vụ án sau với những sự kiện thực tế hoặc vấn đề pháp lý tương tự”[5]. Tại các nước theo hệ thống thông luật nêu trên, án lệ gồm 2 phần, thứ nhất là quy tắc pháp lý, hay lý do để đưa ra phán quyết (ratio decidendi) trong những vụ việc trước có tính ràng buộc, phải được tuân thủ bởi những vụ việc đang xét xử; thứ hai là phần luận cứ phụ hay những căn cứ, lý do khác (obiter dicta) thường có giá trị bổ trợ, tham khảo. Để trở thành án lệ đối với vụ việc đang xét xử, án lệ phải đáp ứng đầy đủ hai điều kiện: là phán quyết được đưa ra bởi tòa án cấp cao hơn; có điểm giống về sự kiện thực tế và câu hỏi pháp lý đối với vụ việc hiện đang xét xử[6].

Ở Việt Nam, Điều 1 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 28/10/2015 định nghĩa “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Các tiêu chí đối với án lệ của chúng ta gồm: (1). Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; (2). Có tính chuẩn mực; (3) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau”.

Như vậy, về mặt hình thức, khác với án lệ của các quốc gia theo hệ thống thông luật, án lệ của Việt Nam không mặc nhiên được thừa nhận sau khi được ban hành trên thực tế mà phải trải qua quy trình lựa chọn, xét duyệt bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Ở Việt Nam, vị trí của án lệ không phải là nguồn chủ yếu của pháp luật như các nước thông luật, chúng ta chỉ ghi nhận sử dụng án lệ là thứ yếu, sau văn bản quy phạm pháp luật, như là nguồn bổ trợ, bổ sung cho sự thiếu hụt của các văn bản quy phạm pháp luật khi chưa có văn bản hướng dẫn.

Thực tiễn xu hướng sử dụng án lệ thương mại và đầu tư quốc tế

Mặc dù có sự khác biệt như đã nêu ở phần trên, thực tiễn hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc và toàn diện như hiện nay ghi nhận có những thay đổi trong xu hướng sử dụng án lệ. Ví dụ, Việt Nam - một quốc gia theo truyền thống dân luật đã bước đầu ghi nhận vị trí và sự cần thiết của án lệ như một nguồn bổ trợ cho các văn bản quy phạm pháp luật. Ở chiều ngược lại, các quốc gia thông luật cũng ngày càng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hơn, đặc biệt trong các hoạt động đàm phán điều ước quốc tế nói chung và đầu tư nói riêng thì việc hình thức xây dựng quy phạm là phổ biến.

Trong lĩnh vực đàm phán, thực thi các cam kế quốc tế về thương mại và đầu tư, án lệ không còn được hiểu là sản phẩm của cơ quan tư pháp trong nước mà có thể bao gồm cả phán quyết của trọng tài, cơ quan tài phán quốc tế[7]. Khi xem xét giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, các trọng tài viên sử dụng Công ước Viên năm 1969 để đưa ra diễn giải cho các cam kết trong các hiệp định đầu tư song phương, hoặc đa phương là một thực tiễn khá phổ biến, đặc biệt là khi lời văn của các cam kết này không cụ thể[8]. Cũng tương tự, khi giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên của Tổ chức Thương  mại thế giới (WTO), phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm WTO có giá trị ràng buộc một cách ngầm định đối với phán quyết của Ban hội thẩm, hoặc Cơ quan phúc thẩm vụ việc tranh chấp sau. Điều này được khẳng định thông qua số lượng các lần trích dẫn và dẫn chiếu để đưa ra kết luận trong những vụ việc đó[9]. Mặc dù việc sử dụng án lệ như trên vẫn là một vấn đề còn tranh luận, bởi lẽ bản thân các hiệp định đầu tư, hiệp định thương mại đa phương hay song phương giữa các quốc gia không ghi nhận nguyên tắc áp dụng và giá trị ràng buộc của các phán quyết của hội đồng trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế về thương mại, đầu tư được đưa ra trước đó. Nhưng thực tế ghi nhận, trọng tài đã viện dẫn các quyết định của trọng tài trong các vụ việc diễn ra trước về cùng một vấn đề, tiêu chuẩn pháp lý với tần suất ngày một tăng lên[10], thậm chí có những phán quyết đã thiết lập các tiêu chuẩn chung mà khi xem xét giải quyết các vụ việc diễn ra sau đó, hội đồng trọng tài, hoặc cơ quan tài phán quốc tế thường sử dụng để đưa ra phán quyết. Ví dụ như các tiêu chuẩn xác định hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự/giống nhau trong thương mại quốc tế, hay tiêu chí để xác định biện pháp đối xử công bằng và thỏa đáng trong đầu tư quốc tế.

Vì vậy, mặc dù thiếu vắng các quy định rõ ràng về giá trị pháp lý của án lệ đầu tư, thương mại quốc tế, thì trên thực tiễn giải quyết các tranh chấp, một số phán quyết được ban hành trước đã và đang hình thành tiêu chuẩn cho các phán quyết sau, giống với một số đặc điểm của án lệ theo ý nghĩa truyền thống. Mặc dù giá trị ràng buộc pháp lý không chính thức được thừa nhận, những án lệ này được tạo ra và áp dụng trên thực tiễn bởi chính các trọng tài với mức độ ngày càng phổ biến và có một vị trí không thể thay thế trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, có một đặc điểm cần lưu ý đó là phạm vi sử dụng án lệ của trọng tài, cơ quan tài phán quốc tế cũng chỉ giới hạn ở mục đích diễn giải điều ước quốc tế mà không tạo ra nguyên tắc pháp lý mới[11] đây cũng được xem là khác biệt quan trọng trong các án lệ về thương mại và đầu tư quốc tế.

Sự cần thiết của việc đào tạo án lệ thương mại, đầu tư quốc tế

Như đã nêu, trong lĩnh vực đặc thù của giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế, mặc dù không có giá trị pháp lý bắt buộc như hai loại nguồn cơ bản của luật quốc tế là điều ước quốc tế và tập quán quốc tế, án lệ vẫn đóng góp quan trọng và có giá trị thực tiễn cao. Vậy, vai trò của án lệ thương mại và đầu tư quốc tế được xác định như thế nào? Tại sao việc nghiên cứu án lệ trong lĩnh vực này lại đặc biệt quan trọng trong chuẩn bị nhân sự pháp lý phục vụ cho hội nhập quốc tế không chỉ ở Việt Nam? Có thể nhận thấy sự đóng góp không thể thay thế của án lệ trong đàm phán và thực thi các điều ước quốc tế về thương mại và đầu tư thể hiện ở những phương diện sau[12]:

(a) Án lệ thương mại, đầu tư quốc tế là cơ sở thực tế có tính thuyết phục cao nhằm xác định các tiêu chuẩn pháp lý chung, phục vụ cho việc diễn giải và áp dụng các hiệp định thương mại và đầu tư, đặc biệt khi có sự không thống nhất về cách hiểu, diễn giải một số khái niệm pháp lý cụ thể, thì vai trò quan trọng của án lệ được thể hiện trong việc làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm đó thông qua những tình huống, ví dụ thực tế cụ thể. Chẳng hạn, Điều I Hiệp định thương mại hàng hóa (GATT 1994) quy định về nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc như sau: “mọi lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ được bất kỳ bên ký kết nào dành cho bất cứ một sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kỳ một nước nào khác sẽ được áp dụng cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên ký kết khác ngay lập tức và một cách không có điều kiện”. Điều I GATT 1994 nêu trên không đưa ra bất kỳ một giải thích hoặc hướng dẫn nào khác, nhưng thông qua 11 vụ việc tranh chấp có liên quan đến nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc[13], thì bài kiểm tra bốn yếu tố để chứng minh vi phạm Điều I nêu trên đã thành tiêu chuẩn chung, cụ thể bốn yếu tố bắt buộc phải chứng minh bao gồm: biện pháp áp dụng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều I; biện pháp áp dụng tạo ra “lợi thế”; các sản phẩm đang xem xét là sản phẩm tương tự; và lợi thế được trao một cách lập tức và không có điều kiện[14].

(b) Trên cơ sở khẳng định sự đúng đắn và hợp lý, các án lệ có vai trò là cơ sở vật chất (material sources) làm nền tảng xây dựng các quy phạm mới, hoặc sửa những lỗ hổng chưa hợp lý trong lời văn của các hiệp định. Ví dụ, khi tham gia đàm phán Chương Đầu tư của Hiệp định Đối tác tự nguyện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhận thức được cách thức diễn giải không thống nhất của các hội đồng trọng tài về tiêu chuẩn đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo vệ an toàn và đầy đủ, khoản 2 Điều 9.6 Hiệp định CPTPP đã bổ sung ghi chú để làm rõ hơn các khái niệm này, cụ thể là: “Để rõ nghĩa hơn, khoản 1 quy định tiêu chuẩn đối xử tối thiểu của luật tập quán quốc tế áp dụng đối với người nước ngoài là tiêu chuẩn đối xử dành cho đầu tư theo Hiệp định này”. Các quy định về “đối xử công bằng, thỏa đáng” và “bảo hộ an toàn, đầy đủ” không yêu cầu đối xử ngoài phạm vi hoặc vượt quá sự đối xử theo yêu cầu của tiêu chuẩn đó, và không tạo thêm các quyền bổ sung. Nghĩa vụ tại khoản 1 quy định: (a) “đối xử công bằng, thỏa đáng” bao gồm nghĩa vụ không từ chối công lý trong các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự, hoặc hành chính phù hợp với nguyên tắc về thủ tục trong các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới; và (b) “bảo hộ, an toàn đầy đủ” yêu cầu mỗi bên phải thực hiện việc bảo vệ của cảnh sát theo yêu cầu của tập quán quốc tế”.

(c) Các án lệ thương mại và đầu tư quốc tế trở thành nguồn cơ bản ở những lĩnh vực trong khoa học luật quốc tế, gợi ý lĩnh vực cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, hoặc cần được pháp điển hóa và là nguồn tham khảo quan trọng cho các nhà hoạt động thực tiễn. WTO đã ban hành và thường xuyên cập nhật tài liệu về diễn giải và thực thi các cam kết WTO theo từng hiệp định, (thường gọi là WTO analytical index), tài liệu này trở nên rất phổ biến trong cộng đồng các luật sư thực hành trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp WTO. Trong đầu tư quốc tế, Ủy ban Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCITAD) cũng thường xuyên có báo cáo cập nhật về tình hình giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư, đây cũng là nguồn tư liệu quan trọng trợ giúp các luật sư, trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Như vậy, có thể thấy án lệ thương mại, đầu tư có những đặc điểm đặc thù, không hoàn toàn tương đồng với án lệ của hệ thống tư pháp quốc gia. Tuy nhiên, vai trò của loại hình án lệ này lại đặc biệt quan trọng đối với công tác đàm phán và thực thi, giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hiệp định thương mại và hiệp định đầu tư quốc tế. Do đó, nghiên cứu, tìm hiểu án lệ quốc tế trong lĩnh vực này giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các luật sư, chuyên gia pháp lý khi tư vấn, đàm phán và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế như mục tiêu nêu tại Đề án 123.

Một số nhận xét và kiến nghị

Trong khoảng thời gian 10 năm thực hiện Đề án 123, đã có những thay đổi tích cực trong phương thức dạy và học ở các cơ sở đào tạo luật, trong đó có việc sử dụng phổ biến các án lệ nói chung và án lệ quốc tế nói riêng trong chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên… Các hình thức sử dụng án lệ đa dạng, phong phú như thông qua bài tập tình huống thảo luận trên lớp, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, diễn án, phiên tòa giả định…, án lệ và diễn án đã trở thành những khái niệm quen thuộc với sinh viên ngành luật. Nghiên cứu, sưu tập, bình luận án lệ cũng bước đầu được các cơ sở đào tạo luật quan tâm đầu tư.  

Tuy nhiên, liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu án lệ thương mại và đầu tư quốc tế tại các cơ sở đào tạo, có một số khó khăn trong công tác tiếp cận, nghiên cứu và sưu tầm án lệ cần lưu ý.

Trước hết, mặc dù các phán quyết trong lĩnh vực thương mại quốc tế, trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được công khai trên trang thông tin của WTO, nhưng với hơn 600 vụ việc, nguồn tài liệu này tương đối lớn. Trung bình một báo cáo của Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm là khoảng 200-300 trang tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha, chưa kể các phụ lục và dẫn chứng. Do đó, với thời lượng chương trình học ngắn, tiếng Anh không phải ngôn ngữ dạy và học phổ biến ở các cơ sở đào tạo tại Việt Nam thì việc lựa chọn án lệ phù hợp cho các sinh viên nghiên cứu cũng đặt ra không ít thách thức.

Đối với lĩnh vực trọng tài đầu tư quốc tế, điểm đặc thù của tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư được thừa hưởng từ trọng tài thương mại là phán quyết không công khai trừ khi các bên đều đồng ý việc đó. Theo thống kê của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Về Thương Mại Và Phát Triển (UNCITAD) thì số lượng tranh chấp đầu tư quốc tế đến thời điểm hiện nay khoảng 1.023 vụ việc, nhưng không phải mọi phán quyết, hoặc tình trạng giải quyết các vụ việc nêu trên đều được công khai cho công chúng tiếp cận. Do đó, mức độ tiếp cận hạn chế đối với các phán quyết của hội đồng trọng tài về đầu tư quốc tế cũng là một khó khăn khách quan cho công tác nghiên cứu, sưu tầm án lệ trong lĩnh vực này.

Để nâng cao chất lượng sử dụng án lệ trong đào tạo luật sư phục vụ hội nhập, hoàn thành mục tiêu của Đề án 123, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp như:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sử dụng án lệ trong đào tạo luật sư, chuẩn bị nhân sự cho quá trình đàm phán, xây dựng các quy tắc, luật chơi trong thương mại và đầu tư quốc tế. Đồng thời, việc thay đổi nhận thức với sử dụng án lệ cũng là bước chuẩn bị cho các bước tiếp theo về trang bị tư duy pháp lý của hệ thống thông luật, cũng như học hỏi, tiếp xúc với các khía cạnh tích cực của án lệ.

Thứ hai, cần chú trọng bổ sung nguồn lực đầu tư không chỉ về tài chính mà cả nhân sự cho công tác nghiên cứu, sưu tầm án lệ tại các cơ sở đào tạo luật.

Thứ ba, các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức hành nghề luật sư có thể liên kết tận dụng nguồn lực của nhau trong việc sưu tầm án lệ tiêu biểu trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Thứ tư, để đạt mục tiêu giáo dục cộng đồng rộng hơn, các tạp chí chuyên ngành nên mở rộng chuyên mục bình luận án lệ quốc tế, như một kênh hiệu quả để chuyển tải kiến thức về án lệ đầu tư và thương mại quốc tế.

Thứ năm, các cơ sở đào tạo nên tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động diễn án, cuộc thi về phiên tòa giả định, các cuộc thi bình luận án lệ tiêu biểu trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế.

[1] TS Trần Thăng Long - Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật TP.HCM,Vai trò của án lệ đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và sự cần thiết của việc sử dụng án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy pháp luật quốc tế ở Việt Nam hiện nay, trang Thông tin pháp luật dân sự, truy cập tại địa chỉ: https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2017/03/02/vai-tro-cua-an-le-doi-voi-su-phat-trien-cua-phap-luat-quoc-te-va-su-can-thiet-cua-viec-su-dung-an-le-vao-nghien-cuu-va-giang-day-luat-quoc-te-o-viet-nam-hien-nay (ngày 6/11/2020); TS Nguyễn Bá Bình, Án lệ ở Úc và một vài đánh giá về án lệ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 04 (125)/2019; Nguyễn Minh Hằng, Tổng quan về kỹ năng bình luận án, Tạp chí Nghề luật, số chuyên về bình luận án năm 2020;
[2] TS Nguyễn Bá Bình, Án lệ ở Úc và một vài đánh giá về án lệ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 04 (125)/2019.
[3] Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, NXB Công an nhân dân, 2012, tr 85.
[4] Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, NXB Công an nhân dân, 2012, tr 164.
[5] Bryan A. Garmer.ed., Từ điển pháp luật của Black, bản thứ 8, 2004, tr 1102.
[6] TS. Nguyễn Bá Bình, Án lệ ở Úc và một vài đánh giá về án lệ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 04 (125)/2019.
[7] Harlan G. Cohen, Theorizing Precedent in International Law (2015), Available at: https://digitalcommons.law.uga.edu/fac_artchop/1286, truy cập lần cuối ngày 20/10/2020.
[8] Anthea Roberts, ‘Power and Persuasion in Investment Treaty Interpretation: The Dual Role of States’ (2010) 104 Am J Int’l L 179, 206-07.
[9] Nguyễn Thị Anh Thơ, Vai trò của án lệ trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, Tạp chí Nghề Luật, số tháng 7/2014.
[10] Richard C. Chen, Precedent and Dialogue in Investment Treaty Arbitration, Harvard International Law Journal, Volume 60, number 1 (2019). Xem thêm Jeffery P. Commission, Precedent in Investment Treaty Arbitration, 24 J. Arbitration International 129, 149 (2007); Xem thêm Susan D. Franck, Empirically Evaluating Claims About Investment Treaty Arbitration, 86 N.C. L. Rev. 1, 46-47 (2007).
[11] Nguyễn Anh Thơ, Các vấn đề lý luận cơ bản về bình luận án lệ tiêu biểu liên quan đến nguyên tắc cơ bản của luật đầu tư quốc tế, Tạp chí nghề luật số tháng 7/2019.
[12] TS Trần Thăng Long, tài liệu đã dẫn.
[13] Các vụ việc này bao gồm: EC-chuối (1997), Indonesia- tự động (1998); EC-chuối III (Điều 21.5-Ecuado) (1999), Canada-Autos (2000), US-một số sản phẩm của EU (2001), EC-ưu đãi thuế (2004), EC-chuối III (Điều 21.5-Ecuado II), (2008), EC-Chuối III (Điều 21.5-Hoa Kỳ) (2008), Colombia- cảng nhập cảnh ( 2009); Hoa Kỳ- sữa (Trung Quốc) (2010), và EC- giày dép (2012).
[14] Peter Van Den Bossche, Werner Zdouc, Pháp luật và chính sách của Tổ chức Thương mại thế giới, tái bản lần thứ 3, NXB Cambridge, 2013, trang 320-321.
NGUYỄN THỊ NHUNG
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
/oan-sai-trong-to-tung-hinh-su-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.html