/ Góc nhìn
/ Tâm bệnh từ truyền thông lịch trình bệnh nhân Covid-19

Tâm bệnh từ truyền thông lịch trình bệnh nhân Covid-19

25/05/2021 12:21 |

(LSVN) - Người bạn vong niên cho tôi xem tin nhắn của một bạn vừa bị đưa đi cách ly: "Tớ mất hết cả rồi, cậu ơi. Giờ không còn mặt mũi nào nhìn vợ con, đồng nghiệp và bạn bè nữa".

Chặng đường phía trước của chúng ta còn rất dài và đầy rủi ro cho đến khi có vaccine.

Với lịch trình truy vết bị phơi bày tràn ngập trên báo chí, ca F0 này từng là tâm điểm của những lời chửi rủa loạn xạ trên mạng xã hội hay với những lời đàm tiếu hoàn toàn thiếu cơ sở.

Bạn anh là một trong những ca F0 đầu tiên và mọi tiếp xúc xã hội, kể cả việc công hay tư, kể cả những cuộc gặp ngẫu nhiên, nhất nhất đều được đưa vào thông cáo báo chí. Như một hệ quả tất yếu, người ta rộ lên bàn tán, bịa đặt ra bao nhiêu chuyện, tỉ như có sugar baby, quanh những cuộc tiếp xúc của ca này. “Cậu xem, đây là đấu tố chứ không phải là chữa bệnh”, bạn tôi nói trong tiếng thở dài.

Xâm phạm đời tư    

“Truy vết”, cách chữa bệnh của Việt Nam đối với Covid-19, không giống bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới mà tôi có cơ hội tìm hiểu. Nó bao gồm hàng dãy dài các địa điểm và thời gian, con người cụ thể mà các ca F0 tiếp xúc trực tiếp. Một mặt, cách làm này dường như là nỗ lực giúp người dân biết các địa điểm F0 đi qua để tránh ra, nhưng mặt khác, nó để lại tổn thương sâu sắc cho người bệnh và gia đình họ.

Trong thâm tâm, tôi không đồng tình với cách chữa bệnh này, nhưng thật khó diễn giải công khai trên báo chí, hay thậm chí là mạng xã hội trước một đám đông cuồng nộ.

Vì thế, hôm qua đọc được thông tin Bộ Y tế ra văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19, tôi thực sự mừng.

Quyết định này xuất phát từ quan điểm của Bộ TT&TT, cơ quan cho rằng, việc công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân Covid-19 bộc lộ nhiều bất cập, khiến cho dư luận, cộng đồng bám theo bình luận, bàn tán, kỳ thị, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ. 

Tôi hiểu, khi công bố chi tiết lịch trình của các F0, những cán bộ liên quan cố gắng thông báo những địa điểm mà người dân nên tránh xa. Tuy nhiên, dịch bệnh đã trôi qua hơn 01 năm rưỡi với nhiều bài học và kinh nghiệm, thì lợi ích này chắc chắn là quá nhỏ so với tác hại về tâm lý mà các ca F0 và gia đình họ chịu đựng khi bị phơi bày lên truyền thông đại chúng.

Rõ ràng, nỗi sợ hãi đã tràn ngập.

Tôi rất ấn tượng với xúc cảm của một trường hợp F0 được báo chí tường thuật là: “Khi nhập viện, chị nằm khóc, tâm trạng bất ổn, sốc nặng, có suy nghĩ rối rắm đến mức thẫn thờ và không ăn được, cũng không ngủ được”. Tôi đoán, tâm trạng đó chắc chắn bắt nguồn từ sức ép xã hội hơn là tình trạng bệnh tật vì không thấy báo chí tường thuật. Đáng mừng là rốt cuộc, ca F0 này, như tuyệt đại đa số các trường hợp F0 khác, đều ra viện một thời gian sau đó.

Cách chúng ta sống qua đại dịch  

Trong một năm qua, đôi khi tôi cũng cố gắng tìm cách phỏng vấn một ca F0 nào đó đã khỏi bệnh xem tình trạng bệnh tật và trạng thái tâm lý họ trải qua ra sao khi bị đưa đi cách ly, nhưng rất tiếc đều không thành. Họ đều từ chối. Có lần, một người bạn đã giúp liên hệ qua điện thoại với một trường hợp ở Hà Nội, đồng ý cho phỏng vấn, nhưng rồi họ thôi. 

Bạn tôi kể, khi cô bị phát hiện F0, bị phơi toàn bộ tiếp xúc lên mặt báo thì cả bố mẹ họ hàng giận đến mức tẩy chay, thay vì yêu thương. “Con bé đó đến giờ vẫn còn sốc, nó trầm hẳn lại, ít giao tiếp hơn trước”, bạn tôi kể.

Bộ TT&TT cũng đề nghị, chỉ công bố, khuyến cáo các nơi đã từng có người dương tính với Covid-19. Đó là cách làm mà đa số quốc gia “truy vết” thực hiện. Cùng với đề xuất cho F1 cách ly ở nhà, cách làm này cho thấy, đến lúc từng cá nhân phải có ý thức, trách nhiệm và bổn phận trong phòng chống dịch và bảo vệ mình, thay vì chỉ thụ động trông chờ ngành y tế, coi đó là việc của ai đó, chứ không phải của mình. Tất nhiên, nhà nước phải có chế tài và công cụ giám sát.

Chặng đường phía trước của chúng ta còn rất dài và đầy rủi ro cho đến khi có vaccine. Chúng ta đã bị chia rẽ, nghi kỵ với lịch trình cá nhân bị bày ra cho thiên hạ chửi bới, với năng lực tố cáo và bêu rếu đã ở mức vô địch, với tâm lý bị tổn thương nghiêm trọng... Tôi nghĩ, đó không phải là cách chúng ta sống qua đại dịch. Không một quốc gia nào làm như vậy. Bệnh tật đã gây đau khổ và tâm bệnh cũng gây đau khổ không kém.

TƯ GIANG/VNN

Giữ gìn hình ảnh người Công an nhân dân

Lê Minh Hoàng