/ Luật sư - Bạn đọc
/ Tản mạn về… trâu trong Tiếng Việt

Tản mạn về… trâu trong Tiếng Việt

07/02/2021 01:24 |

(LSVN) - Năm 2021 theo lịch can chi là năm Tân Sửu, còn gọi là năm Con Trâu. Tân là tên thứ 7 trong 10 tên của Thiên Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Sửu là tên thứ 2 trong 12 tên Địa Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Trâu - một con vật vô cùng thân thuộc trong đời sống của người nông dân Việt Nam.

CON TRÂU LÀ ĐẦU CƠ NGHIỆP

Với một nước nông nghiệp như Việt Nam, từ thuở “sơ khai” cho đến những năm cuối của thế kỷ 20, việc cày bừa - công việc quan trọng nhất trong quá trình canh tác cấy trồng, vẫn trông cậy chủ yếu vào sức kéo của trâu, bò. Tuy bò cũng là vật kéo cày quan trọng, nhưng trâu mới là chủ lực. Cũng bởi trâu có sức vóc lớn hơn, khỏe hơn; trâu chịu được nước sâu như ruộng rộc, ruộng ngập nước, lầy thụt. Trong khi, bò là động vật sợ nước, không thể thích ứng được mọi điều kiện, hoàn cảnh. Trâu chịu nắng chịu mưa tốt hơn bò. Khỏe như trâu cơ mà.

Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước, chú trâu hiền lành, chịu thương chịu khó đã trở thành người bạn của nhà nông. Cũng có những thời điểm và “hoàn cảnh lịch sử” mà con người phải “kéo cày thay trâu”, nhưng về “tổng thể”, trâu vẫn là con vật “lĩnh ấn tiên phong” trong nhiều công đoạn làm ruộng, từ cày vỡ, cày ải, cày đánh luống đến bừa vỡ, bừa kĩ, bừa trang luống... Con trâu đi trước cái cày theo sau đã thành một trong những hình ảnh biểu trưng về cảnh làm ăn của người nông dân Việt Nam.

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” là hai câu ca dao vẽ nên bức tranh thật đẹp về đồng quê Việt Nam vào mùa vụ. Qua mùa cày cấy, trâu lại làm nhiệm vụ kéo xe - vận chuyển những nguyên vật liệu cần thiết cũng như chuyên chở “thành quả lao động” sau khi thu hoạch. Sau những lúc “nông vụ chí kì”, hình ảnh chú trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên đồng, trên lưng trâu vắt vẻo mục đồng thổi sáo là một trong những “khuôn mẫu” cho phong cảnh bình yên, nên thơ và lãng mạn của làng quê Việt Nam.

Thật không ngoa khi nói rằng, trâu không chỉ là gia súc “đầu cơ nghiệp” mà còn là vật gắn bó nghĩa tình, bầu bạn với người nông dân thời trước; là “biểu tượng” “thước đo” sự giàu - nghèo, sang - hèn. Nhà giàu thì có “ruộng sâu, trâu nái” có “ba bò chín trâu”, “chín đụn mười trâu”…; người có hoàn cảnh khốn cùng, bị thống trị, chèn ép thì ví như “thân trâu ngựa”,  chịu cảnh “cương ngựa ách trâu”…

Câu ca dao “Bao giờ cây lúa còn bông / Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” là lời an ủi, vỗ về, nhắn gửi của người nông dân; không chỉ thể hiện ước mong về mùa màng tươi tốt, mà còn là sự “biết ơn” của con người đối với vật nuôi “đầu cơ nghiệp”. Với nhà nông, con trâu không chỉ là tài sản lớn mà còn là phương tiện lao động sản xuất quan trọng bậc nhất, là “tri kỷ” sớm hôm gắn bó. Chẳng thế mà, với xã hội nông thôn Việt Nam, từ xa xưa, “tậu trâu” đã được coi là một trong ba việc hệ trọng của đời người, trong đó “tậu trâu” đứng số một: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Cả ba việc ấy đều là khó khăn”.

Dù bây giờ, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, máy móc đang dần thay thế sức người; “trâu sắt” thay thế “trâu đen” trên những cánh đồng canh tác nông nghiệp; phương tiện cơ giới đã trở thành chủ lực trong chuyên chở, vận chuyển - thay thế cho sức kéo của trâu, nhưng có lẽ câu tục ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” vẫn còn ý nghĩa với chúng ta, ăn vào tiềm thức của nhiều thế hệ.

“LẠC ĐÀNG BẮT ĐUÔI CHÓ, LẠC NGÕ BẮT ĐUÔI TRÂU”

Đó là câu tục ngữ có xuất xứ từ miền Trung. Tuy nhiên, nó còn được viết là: Lạc đường bắt đuôi chó, lạc ngõ bắt đuôi trâu (hay Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu). Đây là biến thể có tính toàn dân và có lẽ là khi đọc lên, hầu hết các từ ngữ đều rõ ràng, tường minh. Nhưng câu tục ngữ này vẫn có điều phải bàn thêm.

Câu này nói về chuyện ai đó đi đâu đấy nhưng thế nào lại bị lạc đường về. Những tình huống như vậy hẳn là không hiếm gặp, nhất là đối với những người ở vùng nông thôn, rừng núi đi xa vì công việc. Khi bị mất phương hướng không có ai chỉ dẫn thì một trong những giải pháp tình huống là trông cậy vào con vật nuôi của mình. Chó là "gia súc thuộc nhóm ăn thịt, nuôi để giữ nhà hay để đi săn". Còn trâu là "động vật nhai lại, sừng rỗng và cong, lông thưa và thường có màu đen, ưa đầm nước, người ta nuôi để lấy sức kéo, thịt và sữa". Cả trâu và chó đều là hai con vật có ích, giúp nhà nông trong lao động (cày bừa, kéo xe) hay trông nhà giữ cửa.

Tác giả Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2010) có giải nghĩa câu này là "Lạc đường (về nhà) thì hãy nắm lấy đuôi lũ chó, lạc ngõ (dẫn vào nhà) thì hãy nắm lấy đuôi lũ trâu (vì đó là hai giống vật giỏi nhớ đường về hơn hết thảy)".

Tuy nhiên, người đọc có thể thắc mắc, là cùng giúp giải quyết chuyện "lạc" nhưng  tại sao "lạc đường" và "lạc ngõ" lại có chuyện khác nhau để rồi mỗi loại "lạc" lại dựa vào một con vật? Nếu trâu và chó đều có khả năng "nhớ đường" thì con nào dẫn đường chả được?

Trước hết, ta cần phân biệt "lạc đường" và "lạc ngõ" không giống nhau về khoảng cách lạc.

Theo kinh nghiệm dân gian thì loài chó, có bộ óc thông minh hơn, với tố chất đánh hơi phân biệt sự vật và "định vị" không gian tốt hơn loài trâu, vốn chỉ có khả năng định hướng trong phạm vi gần. Người đi cày dẫn trâu về đến làng, xuống ao rửa chân để trâu trên bờ, trâu có thể đủng đỉnh tự tìm đường về ngõ, về nhà và về chuồng. Tuy nhiên, nếu thả trâu giữa cánh đồng rộng, hay trên rừng, trên núi khá xa nhà thì trâu hoàn toàn mất khả năng định hướng tìm lối về. Trong khi đó thì bất cứ con chó nào cũng có thể lần ra đường về kể từ nơi xuất phát. Không ít trường hợp, có những chú chó bị thất lạc ở nơi rất xa, trong nhiều ngày, tưởng là mất. Ấy thế mà người ta lại thấy nó thình lình trở về trong niềm vui bất ngờ của gia chủ. Rõ ràng, bản năng "nhận biết" và "nhớ" của hai loài vật này là không giống nhau.

“ĐỂ LÂU CỨT TRÂU HÓA BÙN”

Trong tiếng Việt, cấu trúc A hoá (biến thành) B là một cấu trúc khá quen thuộc và không có gì đặc biệt. Chẳng hạn, chúng ta thường nghe nói: mèo già hoá cáo, cá chép hoá rồng, tằm hoá nhộng, chiều quá hoá hư,... Vậy, nếu xét đơn thuần về hình thức thì chuyện để lâu cứt trâu hoá bùn (hay cứt trâu để lâu hoá bùn) cũng có gì khác đâu nhỉ? Ấy vậy mà lại có sự khác biệt đáng kể.

Trước hết, có hai đối tượng tham gia vào sự tình “chuyển hoá” ở thành ngữ này. Thực thể nói đến đầu tiên là “chất thải” của con trâu; thực thể thứ hai là bùn - một thứ đất mịn nhão màu đen, lắng đọng ở đáy ao hồ hay đồng trũng. Một thứ chất thải động vật dĩ nhiên không thể là “đồng loại” với đất bùn được. Nhưng vì nếu chú trâu nào “xả chất thải” xuống nơi ao hồ hay đồng trũng, thì “chất thải” ấy cũng dễ dàng chìm lẫn với bùn. Theo thời gian, “chất thải” của trâu hoai mục và “biến thành” lớp bùn đen kia. Đó có vẻ như là một sự biến đổi bình thường của tự nhiên.

Song, điều đáng bàn là dân gian đã rất thâm thúy khi mượn hiện tượng tự nhiên này để chuyển tải một thông điệp ngữ nghĩa mang yếu tố xã hội. Đó chính là, thành ngữ trên dùng để chỉ “những việc cần phải giải quyết, thậm chí cần làm gấp, nhưng không được những người có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời”. Ví dụ, công nợ của ai đó chưa kịp thanh toán, để lâu “cò cưa” khó đòi rồi sẽ “hoà cả làng”; một hành vi mắc lỗi, vi phạm, một vụ án “nóng”… rất cần đương sự hữu quan làm cho ra nhẽ, nhưng vì cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc, thậm chí cố tình “để lâu” thì thời gian dễ làm cho bản chất sự việc “nguội” đi. Điều đáng nói là, câu thành ngữ đậm chất “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” trên vẫn mang tính thời sự ở thập niên thứ ba của thế ký 21 này.

Quy luật thời gian cùng với sự bộn bề “trăm công ngàn việc” của cuộc sống dễ làm phân tán, “nhạt” sự chú ý đối với một vấn đề vốn “rất nóng” của ngày hôm qua. Mất tính thời sự, giảm sự căng thẳng, không còn thu hút sự quan tâm của mọi người, vấn đề “nóng” “gay gắt” sẽ dẫn trở nên “bình thường”, kém gay gắt, thật giả lẫn lộn và rất dễ rơi vào quên lãng. Chúng ta từng biết có những câu chuyện, vấn đề bức xúc dư luận đến mức “tày đình” ở nơi này, nơi kia, địa phương A, cơ quan B, nhưng vì “để lâu” nên rơi vào “sự im lặng đáng sợ”!

Kéo dài thời gian, lợi dụng sự vô tâm, cố tình “xuê xoa”… đã và đang là một trong những “cách làm” của không ít những cán bộ thiếu tâm, thiếu tầm, thiếu phẩm chất nhằm biến những quy phạm pháp luật, kỷ cương, lề thói..., vốn là những giá trị đích thực của cuộc sống, thành thứ “bùn” vô dụng lúc nào không hay.

PGS. TS. Phạm Văn Tình/TG

Văn hóa là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Lê Minh Hoàng