Theo nội dung đơn khiếu nại của ông Nguyễn Tiến Hiệu, năm 1987, ông Nguyễn Tiến Hiệu nhận chuyển nhượng đất và nhà ở của gia đình ông Nguyễn Hữu Trường, tổ dân phố Long Sơn, xã Kỳ Long, huyện Kỳ Anh có nguồn gốc đất ở, sử dụng từ trước năm 1982.
Ông Nguyễn Tiến Hiệu bên nhà thờ họ và nhà ở trên thửa đất 186, tờ bản đồ số 27.
Ngày 30/7/1995, ông Hiệu được UBND huyện Kỳ Anh cấp GCNQSDĐ số G 238331, số vào sổ 460 QSDĐ cho thửa đất ở cùng với 19 thửa đất nông nghiệp khác. Giấy CNQSDĐ không ghi số hiệu thửa đất, nhưng thể hiện thuộc tờ bản đồ số 4, bản đồ 299 TTg có diện tích 1868m2 (200m2 đất ở, 1668m2 đất vườn), thời hạn sử dụng lâu dài.
Năm 2004, thực hiện chủ trương đo đạc, lập bản đồ địa chính, thửa đất ông Hiệu có ký hiệu là thửa đất 186, tờ bản đồ 27, bản đồ 371, diện tích 5532,5m2. Gia đình ông Hiệu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp nhưng chưa được cấp đổi GCNQSDĐ theo số liệu đo đạc. Trên thửa đất có 01 nhà thờ họ với diện tích khuôn viên hơn 60m2 và 03 gia đình: Hộ ông Nguyễn Tiến Hiệu bà Nguyễn Thị Ảnh; hộ bà Lê Thị Bình (mẹ ông Hiệu); hộ ông Nguyễn Tiến Hải (con ông Hiệu) vợ là Lê Thị Liên cùng 02 con.
Thực hiện Dự án Đường Quốc lộ 1A đi cảng Sơn Dương, ngày 09/9/2017 UBND thị xã Kỳ Anh ban hành Quyết định số 3248/QĐ-UBND thu hồi 2444,3m2 đất thuộc thửa số 186, tờ bản đồ 27. Theo đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thị xã Kỳ Anh (HĐBT) tính giá bồi thường với số tiền 486.430.600 đồng. Trong đó: 1. Đất ở 200m2 x 458.000 đồng/m2 = 91.600.000 đồng; 2. Đất vườn liền kề đất ở: 900m2 x 278.500đồng/m2 = 250.650.000 đồng; 3. Đất trồng cây lâu năm: 768m2 x 49.500 đồng/m2 = 38.016.000 đồng; 4. Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với 768m2 đất nông nghiệp: 768m2 x 118.800 đồng/m2 = 91.238.490 đồng; 5. Đất nuôi trồng thủy sản (không được hỗ trợ): 401,2m2 x 15.600 đồng/m2 = 6.258.700 đồng; 6. Đất trồng cây lâu năm (không được hỗ trợ): 175,1m2 x 49.500 đồng/m2 = 8.667.500 đồng.
Được giao 02 lô đất tái định cư với số tiền phải nộp mỗi lô hơn 280 triệu đồng, con trai ông Hiệu là Nguyễn Tiến Hải không được giao đất tái định cư, nhà thờ họ cũng không được giao đất. Ông đã nhiều lần làm đơn đề nghị được cấp GCNQSDĐ phần diện tích đất còn lại hoặc cấp đổi GCNQSDĐ, công nhận 120m2 đất ở đã xây móng nhà thờ trên thửa đất 186, tờ bản đồ số 27 và phải nộp tiền sử dụng đất nhưng không được Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường chấp nhận, tuy đã có ý kiến của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Kỳ Anh và gia đình ông Hiệu là xây dựng hồ sơ cấp lại GCNQSDĐ theo hiện trạng sử dụng cho 3162m2 đất vườn ao, trong đó có 107m2 đất hiện trạng đang có nhà ở.
Trích đo hiện trạng phần đất còn lại của gia đình ông Hiệu.
Ông Hiệu bức xúc nói: “Sổ đỏ của gia đình tôi được cấp có diện tích 1868m2 (200m2 đất ở, 1686m2 đất vườn) nhưng chúng tôi sử dụng toàn bộ diện tích theo khuôn viên thửa đất từ trước năm 1987 đến nay. Trên sổ đỏ có con dấu của UBND huyện Kỳ Anh ghi rõ: “Diện tích sẽ được xác định lại khi đo đạc bản đồ địa chính”. Khi làm hồ sơ cấp lại GCNQSDĐ chúng tôi được biết, diện tích thửa đất theo bản đồ địa chính là 5532,5m2 nhưng gia đình tôi chưa được cấp đổi GCNQSDĐ theo quy định. Năm 2017, Hội đồng bồi thường tính giá 200m2 đất ở, 900m2 đất trồng cây lâu năm theo đơn giá đất ở và đất nông nghiệp trong thửa đất vườn ao. Còn, 943,1m2 đất trồng cây lâu năm (CLN) và 401,2m2 đất nuôi trồng thủy sản (NTS) được tính theo đơn giá đất nông nghiệp thuần túy. Bởi vậy, diện tích đất đã được cấp sổ đỏ của gia đình tôi vẫn còn: 1868m2 – (200m2 đất ở + 900m2 đất vườn) = 768m2. Mặt khác, gia đình tôi chưa được hỗ trợ giá trị đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở có vườn, ao của 943,1m2 đất CLN và 401,2m2 đất NTS bị thu hồi với số tiền bằng 50% giá đất ở là: (1.344,3m2 x 458.000) 50% = 307.844.700 đồng”. Vậy mà, ông Hà Nam Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường kiêm cán bộ địa chính dùng bút bi gạch chéo lên trang 2 GCNQSDĐ, hủy GCNQSD đất của gia đình tôi, còn gọi tôi lên UBND phường yêu cầu tôi giao lại sổ đỏ mà ông đã gạch nhưng tôi vẫn giữ để làm bằng chứng”.
Trao đổi về nội dung trên, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Trưởng Văn phòng Luật sư Tuổi trẻ cho biết: “Nguyên tắc cấp GCNQSDĐ được quy định tại Điều 98 Luật Đất đai 2013. Tại khoản 5 điều này nói rõ: “Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có”.
Về xác định diện tích đất ở đối với 01 thửa đất vườn, ao không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật về đất đai cho nhiều hộ gia đình cùng sinh sống được quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Theo khoản này, thửa đất ông Hiệu được công nhận bằng tổng hạn mức đất ở của 3 hộ gia đình sống trên thửa đất. Hạn mức đất ở tại Hà Tĩnh được quy định tại Điều 6 Quyết định 37/2020/QĐ-UBND ngày 01/12/2020 (bổ sung bằng quyết định 31/2023/QĐ-UBND ngày 30/6/2023) là 250m2 cho mỗi hộ có dưới 4 nhân khẩu. Bởi vậy, 03 hộ gia đình ông Hiệu, mẹ ông Hiệu và các con ông Hiệu sẽ được công nhận với diện tích đất ở là: 3 hộ x 250m2 = 750m2.
Mặt khác, khi Nhà nước thu hồi đất, ông Hiệu được áp dụng khoản 2 Điều 6 Quyết định 75/2014/QĐ-UBND ngày 03/11/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định cho trường hợp Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất ở có vườn, ao đã có giấy tờ hợp lệ mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101 Luật Đất đai, các Điều 20, 22, 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của chính phủ thì căn cứ chỉ giới thu hồi đất và hiện trạng sử dụng đất có nhà, công trình phục vụ sinh hoạt để xác định diện tích đất ở.
Theo số liệu đo đạc do Văn phòng đăng ký đất đai, UBND phường cùng gia đình dẫn đạc có 310m2 đất xây dựng nhà ở, công trình phục vụ đời sống và nhà thờ họ bị ảnh hưởng nên được lập phương án bồi thường theo đất ở. 107m2 đất xây dựng nhà ở ngoài chỉ giới đất bị thu hồi sẽ được cấp theo diện tích của thửa đất còn lại theo quy định của pháp luật. Việc Phó Chủ tịch UBND phường kiêm cán bộ địa chính gặch chéo bằng bút bi lên trang 2 sổ đỏ là chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bởi, Văn bản số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC xác định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, chỉ có thể bị hủy bỏ khi là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, hoặc khi Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, hoặc bị thu hồi bởi chính cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 106 của Luật Đất đai năm 2013".
CHÍ THÚC