(LSVN) - Vừa rồi, gia đình tôi bị một người lạ đột nhập vào nhà lấy trộm điện thoại, laptop và hơn 3 triệu đồng, khi đang chạy trốn thì bị bắt giữ. Gia đình tôi đã báo Công an tới lập biên bản, thu giữ toàn bộ tang vật và giải tên trộm về trụ sở để tiếp tục giải quyết. Khoảng 2 tuần sau, tôi lên trụ sở Công an huyện để xin lại đồ bị lấy trộm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vậy, theo quy định của pháp luật, thời gian tạm giữ tang vật vụ án là bao lâu? Khi lên nhận lại đồ bị mất trộm, gia đình tôi phải làm những thủ tục gì và có phải đóng khoản phí nào không? Bạn đọc V.Q.T. hỏi.
Theo thông tin bạn đọc cung cấp về hành vi của đối tượng, trị giá tài sản bị chiếm đoạt và Cơ quan Công an đã bắt giữ được đối tượng, thu giữ toàn bộ tang vật gồm điện thoại, laptop và hơn 3 triệu đồng. Theo Bộ Công an nhận định vụ việc có dấu hiệu hình sự của tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án” thì điện thoại, laptop và số tiền 3 triệu đồng bị Cơ quan Công an thu giữ ở trên được xác định là vật chứng trong vụ án hình sự trộm cắp tài sản (vật là đối tượng của tội phạm). Về việc xử lý vật chứng, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định thời gian bao lâu phải trả lại vật chứng. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tóa án nhân dân sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo thời gian luật định và vật chứng có thể được trả cho người bị hại trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Hiện tại, Công an huyện đang thụ lý, giải quyết. Nếu muốn nhận lại ngay tài sản bị trộm cắp trên, gia đình bạn có đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện trình bày nguyện vọng và chứng minh là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Nếu xét thấy việc trả lại vật chứng (điện thoại, laptop, tiền) không làm ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án thì sẽ được Cơ quan điều tra trả lại. Khi nhận lại tài sản này, gia đình bạn là người bị hại nên không phải thanh toán khoản phí nào, nhưng phải hoàn thiện các thủ tục với Cơ quan điều tra liên quan đến việc bàn giao tài sản trộm cắp.
BỘ CÔNG AN