Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Giám đốc Công ty luật TNHH HOK.
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, quy định về nghĩa vụ thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, của các cổ đông trong công ty cổ phần. Theo đó các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp sau khi kết thúc thời hạn 90 ngày, cổ đông công ty không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, thì cổ đông và công ty cần thực hiện như sau:
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Công ty cần lưu ý, trường hợp hết thời hạn 90 ngày góp vốn điều lệ, Công ty không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Như vậy, trong trường hợp của bạn, công ty cần thực hiện việc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua. Công ty bạn cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, trách trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀN
Giám đốc Công ty luật TNHH HOK
Lưu ý khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh
Một số bất cập của Luật Đất đai và giải pháp hoàn thiện
(LSVN) - Sau vài năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai đã bộc lộ khá nhiều điểm bất cập như: nguồn lực về đất đai chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như vấn đề tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; quỹ đất để đấu giá, đặc biệt là việc khai thác đất ven các công trình hạ tầng đã đầu tư xây dựng; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, còn tình trạng dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.
Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thu nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai còn diễn ra. Các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai vẫn chưa ngăn chặn và xử lý kịp thời, các khiếu nại, khiếu kiện về đất đai còn chiếm tỷ trọng lớn. Việc xác định giá đất còn thấp so với thị trường, thủ tục xác định giá đất cụ thể còn kéo dài. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong Luật Đất đai chưa phù hợp với Hiến pháp và có sự xung đột lớn một số luật có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Lâm nghiệp, dẫn đến hệ quả trực tiếp là nhiều dự án tại Hà Nội và TP. HCM chậm được phê duyệt, hoặc phải dừng lại; từ đó sẽ gây nên tình trạng sốt giá, đầu cơ và rối loạn thị trường bất động sản, tạo ra nhiều rào cản trong đầu tư kinh doanh.
Vì vậy trước những bất cập trên, sửa đổi Luật Đất đai là một việc làm cần thiết và mang tính cấp bách, quan trọng, trong đó chú trọng giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng và hạn chế như hiện nay, có thể kể đến như các vấn đề sau:
Khung giá đất
Một trong những nguyên tắc định giá đất là phải “phù hợp” với giá đất phổ biến trên thị trường nhưng trên thực tế thực hiện thì hầu như khung giá đất thấp hơn giá thị trường rất nhiều lần. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi mà giá đền bù chênh lệch quá nhiều so với giá thị trường, khiến cho người bị thu hồi đất thiệt thòi và không có sự đồng thuận. Trong khi đó, nếu nhượng lại đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án thì người dân nhận được mức giá khá sát với giá thị trường, tương xứng với giá trị đất quy đổi. Tình hình này gây ra mâu thuẫn giữa các loại dự án trong việc đền bù, người bị thu hồi đất dễ dàng thỏa thuận với chủ dự án là các doanh nghiệp hơn là dự án được đền bù từ ngân sách nhà nước. Vì thế, khi nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án luôn bị “vướng” bởi yếu tố này, khiến cho các công trình bị chậm tiến độ, đồng thời tình trạng khiếu kiện về đất đai cũng tăng mạnh, có sự so bì giữa những người có đất bị thu hồi trên cùng một vị trí hoặc vùng lân cận.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất, giao đất “đua nhau” thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở thực hiện dự án kinh doanh bất động sản. Căn nguyên của phong trào này là giá đất do Nhà nước quy định quá thấp so với giá thị trường, số tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích đất là không nhiều trong khi số tiền lợi nhuận thu được là cực lớn. Điều này đã và đang trở thành một điều kiện để các chủ đầu tư “trục lợi” từ đất đai, làm ngân sách nhà nước thất thu gấp nhiều lần so với số tiền thu được.
Rõ ràng, quy định về khung giá đất hiện nay hoàn toàn không có khả năng điều tiết các yếu tố về giá trị đất đai, vì vậy giải pháp là có thể bỏ quy định về khung giá đất, đồng thời giao quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành “bảng giá đất” và xác định giá đất cụ thể đối với từng trường hợp, trên cơ sở giá đất thị trường. Song hành cùng với đó là thay đổi phương thức tính tiền sử dụng đất hiện nay để phù hợp với từng mục đích sử dụng đất và khả năng tài chính của từng đối tượng.
Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư
Thực tế các tranh chấp chủ yếu là phát sinh trong thời gian vừa qua xuất phát từ việc đền bù cho người dân khi thu hồi đất. Luật Đất đai 2013 đã xác định cụ thể 2 cơ chế thu hồi đất: Một là thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Hai là thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư. Theo đó, nếu thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì trình tự, thủ tục thu hồi, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân được thực hiện theo quy định tại pháp luật đất đai, trên cơ sở khung giá đất do Nhà nước ban hành và mang tính áp đặt. Nếu thu hồi đất để thực hiện các dự án của chủ đầu tư thì sẽ do chủ đầu tư cùng người sử dụng đất thỏa thuận và không mang tính cưỡng chế Nhà nước, vì vậy mức đền bù thường sát với giá thị trường, đảm bảo được lợi ích của người bị thu hồi đất.
Mặc dù cơ chế thu hồi được quy định rõ ràng như vậy, nhưng khi triển khai trên thực tế lại bị “vấp”, lúng túng bởi sự không rõ ràng giữa thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của chủ đầu tư. Thực tế, tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 đã quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên Luật lại không định nghĩa hay giải thích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được hiểu là như thế nào, thay vào đó là liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Điều này dẫn đến đến trên thực tế nhiều trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mang bản chất vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong luật như các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT… đến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn về pháp lý, tâm lí không hợp tác của người dân, cũng như tạo kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách và một số đối tượng trục lợi, tham nhũng. Nhiều dự án kinh tế mang bản chất lợi ích của nhà đầu tư nhưng lại được gắn mác lợi ích quốc gia, công cộng; kết quả giá trị đền bù thấp, gây ra tình trạng bất bình trong xã hội, các khiếu nại khiếu kiện vì thế cũng gia tăng.
Vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi cần phải làm rõ các khái niệm thế nào là phát triển kinh tế - xã hội, thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Theo đó nên tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ra khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội thuần túy để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi, đền bù là khác nhau.
Mặt khác, Luật Đất đai cho phép việc chuyển nhượng đất giữa người sử dụng và chủ đầu tư để thực hiện dự án, công trình sản xuất. Tuy nhiên luật lại không có bất kỳ sự điều chỉnh nào cho quan hệ này, thay vào đó là các bên được tự do thỏa thuận. Điều này dẫn đến trên thực tế, một số chủ đất cố tình ép giá, đưa ra nhiều điều kiện bất hợp lý cho việc giải phóng mặt bằng. Kết quả là trong khi mặt bằng gần như đã “sạch” nhưng dự án đã phải bị kéo dài trì trệ chỉ vì chủ đầu tư không đáp ứng được mức giá “trên trời” của một số chủ đất. Sự bỏ ngỏ của Luật Đất đai khi chủ đất có mức giá “bất hợp lý” là không được giải quyết. Xét thấy, nếu Luật Đất đai không có sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý đối với trường hợp này sẽ dẫn đến tình trạng giá đất bị “thổi phồng” là rất cao. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh trường hợp này trên tinh thần tôn trọng sự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ sử dụng đất nhưng có cơ chế xử lý khi không thể thỏa thuận được.
Một điểm bất cập nữa trong công tác bồi thường thu hồi đất nữa là: nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi là bồi thường theo giá thị trường nhưng khi đi vào thực tế việc xác định theo giá thị trường là không rõ ràng. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng đã có “sự vênh” khi Luật Đất đai quy định bồi thường giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của nhà nước nhưng trong Luật Xây dựng lại quy định bồi thường giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chủ đầu tư. Vì vậy, câu chuyện ở đây là phải hòa hòa lợi ích của các bên. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng cần phải linh hoạt, thực hiện theo đúng nguyên tắc chia sẻ lợi ích của người được đất và người thu hồi. Tức là giá đất của người sử dụng đất được nhận về phải khiến họ hài lòng, vui vẻ và đồng thuận với giá mà nhà nước thu hồi.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm.
Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực
Tích tụ đất nông nghiệp là một trong những cách thức để phát triển những cánh đồng công nghệ mới. Đây cũng là chủ trương của Nhà nước ta trong nhiều năm nay, nhưng thực tế quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp diễn ra còn rất chậm. Nguyên nhân chính nhất là do một số quy định của Luật Đất đai đã hạn chế việc tiếp cận đất đai với quy mô lớn như: hạn điền chỉ từ 2ha đến 3ha, nếu tập trung quá 10 lần sẽ chuyển sang thuê của Nhà nước; quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa. Chính sự giới hạn này đã dẫn đến các chủ thể tập trung ruộng đất gặp khó khăn trong việc tạo lập, tìm kiếm nguồn đầu tư kinh doanh cũng như hạn chế sự tiếp cận đất nông nghiệp của các nhà đầu tư.
Mặt khác, việc tập trung ruộng đất còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết như trình tự thu hồi đất và giao đất có sự tham gia của Nhà nước không hay tự các bên thỏa thuận, thống nhất; khi doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư nông nghiệp nữa thì việc trao trả lại đất cho các chủ sử dụng đất được thực hiện như thế nào? Tất cả những điều này đều chưa được điều chỉnh.
Vì vậy, để phát triển thị trường nông nghiệp, thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, Luật Đất đai cần có cơ chế linh hoạt để mở rộng hạn điền, mở rộng đối tượng được tiếp cận đất nông nghiệp; xây dựng những chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất, tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua bán thuận lợi, thủ tục đơn giản…….
Như vậy, có quá nhiều vấn đề phức tạp mà Luật Đất đai chưa điều chỉnh được. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần thiết phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đảm bảo ổn định chính trị xã hội, đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Do đó, các giải pháp hoàn thiện phải được nghiên cứu, tổng kết và đánh giá một cách kỹ lưỡng, bảo đảm khoa học, có căn cứ lý luận và phù hợp với thực tiễn.
Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ
Chủ tịch TAT Law firm
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi vi phạm quy định phòng chống dịch
Chủ tịch nước gửi Thư chúc mừng nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi
(LSVN) - Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư chúc mừng. Tạp chí Luật sư Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Chủ tịch nước.
Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2021), tôi thân ái gửi tới tổ chức Đội, các cháu thiếu niên, nhi đồng, các đồng chí cán bộ phụ trách thiếu niên, nhi đồng những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng và văn hiến được xây dựng nên từ lòng yêu nước vô bờ bến và sự nỗ lực hy sinh không biết mệt mỏi của nhân dân, từ các cụ cao tuổi đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Thuở cha ông dựng nước, tiêu biểu có tấm gương Trần Quốc Toản trong chống giặc ngoại xâm, có Nguyễn Hiền làm rạng danh văn hóa Việt. Trong thời kỳ cách mạng, lớp lớp thiếu niên, nhi đồng đã tham gia hoạt động, nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt vì nền độc lập của nước nhà như Kim Đồng, Vừ A Dính, Võ Thị Sáu... góp phần tạo nên những trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, ngày nay các thế hệ thiếu niên, nhi đồng, theo lời Bác Hồ dạy, luôn biết yêu thương, đoàn kết, yêu lao động, ham học hỏi, tuổi nhỏ làm việc nhỏ nhưng đầy hoài bão, khát vọng vì tương lai Tổ quốc. Tôi ghi nhận, đánh giá cao công tác Đội và phong trào thiếu niên, nhi đồng có nhiều đổi mới tích cực, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng được quan tâm, chăm lo; việc phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan ngày càng được bảo đảm.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi những thành tích xuất sắc của các cháu thiếu niên, nhi đồng, của các đồng chí phụ trách hoạt động của Đội.
Tôi đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Đội vững mạnh, làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tôi cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh, quan tâm bảo đảm thực hiện tốt quyền và bổn phận của trẻ em, giúp các cháu phát triển toàn diện.
Nhân dịp này, tôi gửi lời cảm ơn đến các đồng chí cán bộ phụ trách Đội, giáo viên làm tổng phụ trách Đội, những nỗ lực thầm lặng của các đồng chí trong sự nghiệp trồng người, đã giúp các thế hệ Đội viên trưởng thành, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Chúc tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh với nhiều tiến bộ mới, thành tích mới.
Thân ái!
NGUYỄN XUÂN PHÚC
CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM