/ Luật sư - Bạn đọc
/ Thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại và những vấn đề pháp lý cần lưu ý

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại và những vấn đề pháp lý cần lưu ý

22/02/2023 08:26 |

(LSVN) - Hiện nay, nền kinh tế phát triển hội nhập, các giao dịch thương mại giữa các nhà đầu tư diễn ra ngày càng nhiều với các hình thức; lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau. Việc nảy sinh sự xung đột về lợi ích giữa các nhà đầu tư với nhau trong các thương vụ về kinh doanh thương mại với sự gay gắt và phức tạp hơn cả về nội dung và mức độ là quy luật tất yếu khách quan.

Ảnh minh họa.

Về tranh chấp kinh doanh thương mại, tính đến thời điểm hiện tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có điều luật nào quy định cụ thể về khái niệm tranh chấp kinh doanh thương mại. Nhìn chung, các quan điểm thống nhất rằng Tranh chấp kinh doanh thương mại là sự bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại. Tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc tranh chấp dân sự được giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng dân sự. Tại Điều 30, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định nhóm 05 tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, cụ thể:

(i) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận như: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện địa lý…

(ii) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

(iii) Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

(iv) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

(v) Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Về thời hiệu khởi kiện, đây là một trong những điều kiện quan trọng cần quan tâm khi khởi kiện vụ án dân sự nói chung và vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại nói riêng. Thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm khi có sự bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại.

Quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại và những vấn đề pháp lý cần lưu ý

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại ngoài căn cứ theo quy định pháp luật tố tụng dân sự còn cần căn cứ theo quy định pháp luật chuyên ngành. Tại Điều 319, Luật Thương mại 2005 có quy định thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.

Đối với thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại, cần lưu ý những vấn đề pháp lý nổi bật sau đây:

Thứ nhất, cần hiểu đúng bản chất của việc áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại. Nguyên tắc áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại cần căn cứ theo nguyên tắc thời hiệu trong quy định tố tụng dân sự. Theo đó, thời hiệu khởi kiện không phải là điều kiện bắt buộc để thụ lý giải quyết vụ án tuy nhiên nếu vụ án hết thời hiệu khởi kiện mà đương sự không chứng minh được căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện (trừ những vụ án không áp dụng thời hiệu khởi hiệu khởi kiện hoặc thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế), thì đương sự sẽ bị mất quyền khởi kiện.

Thứ hai, cần lưu ý trong việc lựa chọn quy định pháp luật để áp dụng thời hiệu khởi kiện, cụ thể:

- Thời hiệu khởi kiện được áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành nếu đây là một hợp đồng liên quan đến luật chuyên ngành và luật chuyên ngành có quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định tại Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015. Ví dụ trong luật chuyên ngành là Luật Hàng hải năm 2005 có quy định thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa hàng hóa vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng hay đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.

- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Luật Thương mại 2005 nếu đây là một hợp đồng thương mại và Luật Thương mại 2005 có quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

- Thời hiệu khởi kiện được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 nếu đây là một hợp đồng dân sự, không phải là hợp đồng thương mại và không phải là hợp đồng liên quan đến luật chuyên ngành.; hoặc (ii) nếu là hợp đồng thương mại/hơp đồng chuyên ngành mà luật chuyên ngành và Luật Thương mại 2005 đều không có quy định về thời hiệu khởi kiện.

Thứ ba, cần lưu ý về thời điểm yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại. Bởi căn cứ theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc và cũng theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 thì Tòa án có thể đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.

Như vậy, cần hết sức lưu ý về thời điểm yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện là trước khi có bản án, quyết định của Tòa án để yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện được chấp nhận.

Thứ tư, cần lưu ý việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện cần phân biệt theo thời gian khởi kiện, thụ lý giải quyết vụ án theo hướng dẫn tại Điều 4, Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể:

(i) Trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01/01/2017 nhưng chưa giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật Tố tụng dân sự  năm 2011 và của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết.

(ii) Đối với các giao dịch về kinh doanh, thương mại, lao động được xác lập trước ngày 01/01/2017, nhưng từ ngày 01/01/2017 đương sự mới có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án (tức là từ ngày 01/01/2017 mới phát sinh tranh chấp, yêu cầu) thì Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.

Ví dụ: Ngày 10/8/2014, Công ty A. và Công ty B. ký hợp đồng mua bán hàng hóa. Ngày 10/7/2015, hai bên phát sinh tranh chấp. Ngày 20/8/2018, B. khởi kiện ra Tòa án yêu cầu B. thực hiện hợp đồng và bồi thường. Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, ngày 25/9/2018, A. yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e, khoản 1, Điều 217 vì lý do “đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”.

Như vậy, theo quy định mới của pháp luật về thời hiệu khởi kiện, khi có một trong các bên yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án ra bản án thì Tòa án phải xem xét các loại thời hiệu khởi kiện tương ứng với giao dịch do các bên xác lập để áp dụng.

Thứ năm, cần lưu ý các trường hợp đặc thù trong áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp kinh doanh thương mại được hướng dẫn tại Văn bản số 29/HD-VKSTC ngày 25/9/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, cụ thể:

- Đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Kiểm sát viên cần lưu ý thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 147, Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2, Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông…”.

- Đối với yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thì áp dụng điểm d, khoản 8 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.

Hiện tại Luật doanh nghiệp 2014 đã hết hiệu lực thi hành nhưng văn bản hướng dẫn số 29/HD-VKSTC vẫn còn hiện lực nên những nguyên tắc, nội dung trong văn bản này nếu vẫn còn trong Luật doanh nghiệp 2020 vẫn có thể tham khảo để áp dụng.

Thứ sáu, trong tranh chấp kinh doanh thương mại cũng cần lưu ý các quy định của pháp luật về trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện:

Về trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại. Trong một số trường hợp quy định tại Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015, sẽ có một khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đó là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân và Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Đối với tranh chấp kinh doanh thương mại, thông thường đó là khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu. Đây là những yếu tố khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của chủ thể có quyền khởi kiện, gây khó khăn và có thể khiến chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện được trong thời gian quy định, do đó, để đảm bảo quyền lợi của chủ thể có quyền khởi kiện, khoảng thời gian mà các sự kiện này diễn ra sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện.

Về các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại theo Điều 157, Bộ luật Dân sự 2015 cần lưu ý các trường hợp sau: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau.

Thạc sĩ, Luật sư LÊ THỊ DUNG

Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH SigLaw

Bàn về đương sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Nguyễn Hoàng Lâm