Ảnh minh họa.
I. Một số khái niệm có liên quan
1.1. Tinh trùng là gì?
Tinh trùng (Spermatozoom) là tế bào thực hiện chức năng mang thông tin di truyền (DNA) của cá thể đực. Tinh trùng đóng góp một nửa thông tin di truyền trong hoạt động thụ thai và sinh sản ở các loài động vật. Ở người, tinh trùng là tế bào đơn bội, được tạo ra từ tinh hoàn và chỉ sống được trong môi trường chứa các chất dinh dưỡng cho nó như trong cơ thể của nam giới hoặc trong các phòng lưu giữ đặc biệt của các bệnh viện hiện nay.
1.2. Thừa kế là gì?
Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản từ người đã chết sang cho người còn sống thông qua hai con đường thông dụng là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kết theo pháp luật.
Trong đó, thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản hay sau đây có thể được gọi là di sản từ người đã chết sang cho người còn sống dựa trên cở là ý chí mong muốn định đoạt tài sản của mình sau khi đã chết. Mặt khác, thừa kế theo pháp luật được áp dụng khi người chết để lại di sản không có di chúc, di chúc không hợp pháp, đối tượng được hưởng di chúc đã không còn tồn tại hoặc đã từ chối nhận thừa kế.
Nói cách khác, thừa kế theo pháp luật là sự chuyển dịch tài sản hay còn được gọi là di sản từ người chết sang cho người còn sống có mối quan hệ huyết thống hoặc thân thích với người đã chết khi họ không thể hiện ý chí hoặc việc thể hiện ý chí của người chết không được pháp luật ghi nhận hoặc không thể thực hiện trên thực tế.
II. Một số quan điểm chung
2.1 Quan điểm không ủng hộ việc cho phép thừa kế tinh trùng
Hiện nay, rất nhiều quan điểm cho rằng tinh trùng là bộ phận của cơ thể nên không thể được coi lài tài sản có thể chuyển giao thông qua con đường thừa kế. Nếu coi tinh trùng như một bộ phận của cơ thể theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì việc chuyển giao tinh trùng chỉ có thể dựa trên con đường tặng cho (hay còn gọi là hiến trong khuôn khổ luật này) và dựa trên sự thể hiện ý chí tự nguyện của người tặng cho.
Tuy nhiên, đối với đa số các trường hợp gia đình có nguyện vọng xin sử dụng đều xuất phát từ lí do người thân đã mất và không kịp thể hiện ý chí định đoạt đối với tinh trùng đã gửi giữ của mình trước đó. Cho nên, việc yêu cầu xác định ý chí định đoạt của người đã mất mà cụ thể ở đây là cơ sở để xác định ý chí “tự nguyện cho” theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 là vô cùng khó khăn nếu như không muốn nói là gần như không thể xác định.
Mặt khác, tinh trùng là bộ phận gắn liền với thân thể và nhân thân của người đã mất nên không thể coi là tài sản có thể chuyển giao dù thông qua bất cứ hình thức nào. Như vậy, nếu như người đã mất không để lại bất cứ căn cứ nào thể hiện ý chí định đoạt của mình với tinh trùng thì không thể thực hiện việc chuyển giao cho các chủ thể khác. Tuy nhiên, để xác định chính xác tinh trùng có phải là bộ phận cơ thể người hay không và nếu phải thì là bộ phận có thể tái tạo hay không thì lại cần có những nghiên cứu để đưa ra những căn cứ xác thực dựa trên cấu tạo cũng như chức năng tự nhiên để từ đó có nhận định đúng đắn về đối tượng này nhằm áp dụng các quy định của pháp luật một cách chính xác và hiệu quả.
2.2 Quan điểm ủng hộ việc cho phép thừa kế tinh trùng
Tiếp cận vấn đề dựa trên chế định thừa kế của Bộ luật Dân sự hiện hành, tác giả nhận thấy, để trở thành đối tượng có thể chuyển giao thông qua con đường thừa kế, đòi hỏi đối tượng đó phải là tài sản nằm trong khối di sản của người đã mất để lại. Căn cứ theo quy định tại Điều 612, Bộ luật Dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Như vậy, để có thể chuyển giao cho người thừa kế trong gia đình thông qua con đường thừa kế, đòi hỏi phải chứng minh được tinh trùng của người đã mất là một dạng tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân người đã mất.
Theo đó, đối chiếu với quy định tại khoản 1, Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được định nghĩa theo cách thức liệt kê: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Dù chưa có chế định pháp lý cụ thể với mục đích giải thích khái niệm “vật” nhưng dựa trên từ điển tiếng việt và từ khối kiến thức chung ta nhận thấy vật được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất, tồn tại khách quan, con người có thể cảm nhận thông qua giác quan của mình như: nhìn, sờ, cầm nắm… Nếu dựa trên định nghĩa căn bản về vật như trên, tinh trùng hoàn toàn có thể thỏa mãn khái niệm vật và từ đó dẫn đến việc trở thành tài sản trong khối di sản thừa kế.
Như vậy, các thành viên trong gia đình với tư cách là người thừa kế có thể yêu cầu được nhận lại tinh trùng của người đã mất theo con đường thừa kế theo pháp luật. Tương tự, khi các quy định pháp luật sau khi điều chỉnh đã cho phép ghi nhận tinh trùng như một dạng “tài sản đặc biệt” có thể chuyển giao thông qua con đường thừa kế trong một số trường hợp đặc biệt. Đồng thời, trước khi chết người để lại tinh trùng đã thể hiện ý chí cho phép cá nhân là người thân thích của mình có quyền định đoạt thì cách thức chuyển giao về mặt pháp lý có tính chất tương tự như thừa kế theo di chúc.
Mặt khác, đối với trường hợp người chết để lại tinh trùng đã gửi giữ tại bệnh viện và đã thể hiện ý chí về việc hiến và định đoạt cho phép người thân của người đã mất được phép sử dụng đối với tinh trùng của mình thì người thân hoàn toàn có cơ sở để tiến hành yêu cầu được nhận tinh trùng của người đã chết dựa trên cơ sở là quyền hiến nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
Tuy nhiên, nếu như thừa nhận tinh trùng như một loại tài sản để giải quyết câu chuyện trên thì kéo theo một hệ lụy không hề nhỏ khi đã công nhận nó là tài sản thì mặc nhiên có thể chuyển giao và các chủ thể sẽ có quyền đưa vào lưu thông trên thị trường dựa trên nhu cầu của xã hội. Điều đó đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lí của nhà nước đối với loại “tài sản” đặc biệt này.
III. Ý kiến đánh giá và kiến nghị
Thứ nhất, việc yêu cầu được nhận lại tinh trùng được gửi giữ của người thân đã qua đời là nhu cầu có thật và đa phần vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, để hợp thức hóa cách thức chuyển giao cụ thể là thông qua con đường thừa kế thì cần có những sự sửa đổi về quy định pháp luật hiện hành theo hướng cho phép để lại thừa kế đối với đối tượng có phạm vi rộng hơn thay vì bị giới hạn là tài sản như hiện nay.
Đồng thời, cũng cần xem xét xây dựng khái niệm tài sản dựa trên các thuộc tính và bản chất pháp lý và kinh tế của nó thay vì đưa ra khái niệm dựa trên cách thức liệt kê như hiện nay. Bởi lẽ, khác với cách định nghĩa dựa vào tính chất và bản chất sẽ cho phép ghi nhận các loại hình tài sản sản mới có thể xuất hiện trong tương lai và thỏa mãn khái niệm về tính chất và bản chất của tài sản, cách thức định nghĩa tài sản dựa trên cách thức liệt kê sẽ tạo ra ranh giới cố định về các đối tượng được xác định là tài sản. Vì vậy, sẽ rất khó hoặc phải sửa đổi quy định pháp luật này liên tục để bổ sung các dạng tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai.
Thứ hai, việc thừa kế tinh trùng chỉ được thực hiện vì mục đích nhân đạo và phải thỏa mãn một số điều kiện. Tương tự như một chế định mang tính chất nhân đạo đã được ghi nhận trước đó là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc thừa kế tinh trùng cũng cần dựa trên mục đích tương tự là chỉ áp dụng đối với các trường hợp mà người để lại tinh trùng trước đó chưa có con theo huyết thống.
Mặt khác, người yêu cầu nhận thừa kế đối với tinh trùng cũng cần thỏa mãn các điều kiện đặc biệt mà cụ thể ở đây là chỉ nên cho phép một số người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như: bố mẹ, vợ của người chết có quyền yêu cầu được nhận thừa kế đối với loại “di sản đặc biệt” này. Đồng thời, vì việc thừa kế tinh trùng là tiền đề và cơ sở để tiến hành hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sau này, cho nên, trừ trường hợp vợ của người chết tự mang thai, các trường hợp khác muốn sử dụng tinh trùng sau khi thừa kế đều phải thực hiện theo quy định về điều kiện của người tiến hành mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và các trình tự thủ tục có liên quan của hoạt động mang thai hộ vì mực đích nhân đạo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ ba, để tránh trường hợp các chủ thể trong xã hội viện dẫn quy định về việc cho phép thừa kế tinh trùng để cho rằng tinh trùng hay một số bộ phận của cơ thể người có thể được coi là tài sản đặc biệt và có thể chuyển giao thì nhà làm luật cần dự trù và đưa ra các giải pháp pháp lý để xử lý vấn đề này. Một trong số đó là cách xây dựng khái niệm về tài sản có xuất thân từ cơ thể của con người và phải chịu quy chế quản lý đặc biệt của pháp luật. Một trong các cách xác định đâu là tài sản đặc biệt có thể chuyển giao nhất là thông qua con đường thừa kế cần dựa trên chức năng sống và khả năng tái tạo của tài sản đó. Ví dụ như đối với tinh trùng, nó thực hiện chức năng sinh lý là sinh sản và có sự tương đồng với khái niệm bộ phận cơ thể có thể tái tạo được theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
Đối với các bộ phận có tính chất tương tự thì việc mất đi hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và nguy hiểm đến tính mạng của con người nên hoàn toàn có thể chuyển giao giống như cách chúng ta vẫn làm với các bộ phận khác như: tóc, móng tay,… Vấn đề đặt ra chỉ là làm thế nào để nhà làm luật tạo ra một khung pháp lý đủ chặt chẽ để điều chỉnh hoạt động chuyển giao nhất là thông qua con đường thừa kế đối với loại hình “tài sản đặc biệt”, “di sản đặc biệt” này.
Có thể thấy các quan hệ xã hội luôn phát triển rất nhanh so với khả năng dự trù của nhà làm luật. Vì vậy, cần có những sự nhìn nhận lại và đưa ra những quy định và hướng dẫn kịp thời để bắt kịp và điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong xã hội. Trong trường hợp nêu trên, để giải quyết vấn đề “thừa kế tinh trùng” cần có những văn bản giải thích và hướng dẫn thi hành giúp cho người dân có thể giải đáp được những thắc mắc, hiểu được quyền lợi của mình và giải quyết nhanh chóng những tranh chấp gặp phải qua đó điều chỉnh sự phát triển của các quan hệ trong xã hội theo một khuôn khổ và định hướng nhất định.
Tiến sĩ, Luật sư NGÔ NGỌC DIỄM
NGUYỄN VĂN LÂM
Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội