Đặt vấn đề
Chất lượng đào tạo cử nhân luật hiện nay là một trong những yếu tố góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng đặt ra yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài (1).
Với yêu cầu đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã và đang thực hiện nhiệm vụ này với vị thế là cơ sở đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tư vấn và hỗ trợ cho người học là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu do Đảng bộ Trường ĐHCT đề ra (2). Do vậy, việc đổi mới, khắc phục toàn diện những khó khăn trong đào tạo nói chung và đào tạo ngành luật nói riêng được Đảng bộ Trường quan tâm sâu sắc.
Vì vậy, đòi hỏi Khoa Luật - Trường ĐHCT phải có định hướng, giải pháp chủ yếu để khắc phục khó khăn trong đào tạo nhằm thu hút người học, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Qua góc nhìn của người học, hoạt động đào tạo của Khoa Luật - Trường ĐHCT còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn cần được khắc phục để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân ngành luật.
Thuận lợi trong việc đào tạo cử nhân luật thực tiễn tại Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ qua góc nhìn của người học
Thuận lợi trong việc tạo hứng thú, đam mê với ngành luật trong quá trình học tập cho sinh viên luật
Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo thì yếu tố mang tính cốt yếu quyết định đến hiệu quả của chất lượng giảng dạy là tạo dựng nên sự đam mê, yêu thích của sinh viên đối với chuyên ngành mà bản thân họ đã quyết định lựa chọn để gắn bó. Bên cạnh việc đạt được một lượng kiến thức nhất định của bậc cử nhân luật, để theo đuổi nghề luật đòi hỏi người học phải được “mài giũa mềm dẻo” trong suốt quá trình học tập. Thực tế, sinh viên luật gặp khó khăn trong việc dung nạp cùng lúc một lượng lớn kiến thức mang tính học thuật, đặc biệt là liên quan đến chuyên ngành luật. Vì vậy, trong thời gian qua, Khoa Luật - Trường ĐHCT có những cách thức hữu hiệu để tạo cảm hứng học tập, giúp sinh viên có niềm yêu thích để kiên trì cố gắng trong hành trình hoàn thành ngành học này.
Thứ nhất, hầu hết giảng viên tại Khoa Luật - Trường ĐHCT đã hiệu quả trong việc chú trọng thực hiện sự gắn kết giữa những câu chuyện thực tế với các kiến thức có liên quan. Cụ thể, trong hoạt động giảng dạy, giảng viên là người dẫn dắt lớp học với nhiều phương pháp mang tính nghiệp vụ sư phạm đa dạng nhằm tạo hứng thú cho sinh viên học tập. Trong các giờ giảng của giảng viên Khoa Luật, việc lồng ghép các tình huống thực tế mà bản thân giảng viên đã trải qua cho thấy thu hút được rất nhiều sự chú ý của hầu hết sinh viên hơn là chỉ giảng về những nội dung mang tính lý thuyết, hàn lâm một cách máy móc, khô cứng. Hoạt động này được giảng viên Khoa Luật thực hiện có gắn kết với những nội dung mang tính pháp lý (hay sinh viên còn gọi là câu chuyện pháp luật) được đúc kết từ kinh nghiệm trong và ngoài công tác giảng dạy.
Thứ hai, vai trò của các tổ chức liên kết với sinh viên của Khoa Luật không chỉ góp phần gắn kết sinh viên với nhau, giữa sinh viên với giảng viên, giữa sinh viên với cơ sở đào tạo mà quan trọng hơn là giữa sinh viên với ngành luật. Hiện nay, các tổ chức giữ vai trò kết nối sinh viên tại Khoa Luật - Trường ĐHCT bao gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm, Chi bộ sinh viên, Câu lạc bộ tiếng Anh pháp lý, Đội giáo dục pháp luật thực hành (CLE) và Trung tâm Luật So sánh. Tầm quan trọng của các tổ chức này trong việc liên kết, tạo kế hoạch, mục tiêu hoạt động phong trào để kết nối với sinh viên dễ dàng, thuận tiện. Bên cạnh đó, các tổ chức nêu trên hoạt động với đa dạng các mảng kỹ năng mở ra nhiều cơ hội lựa chọn để người học tham gia. Các tổ chức thông thường liên kết, hoạt động kết hợp lẫn nhau để tạo nhiều sân chơi hữu ích, tổ chức các cuộc thi học thuật, văn hoá - văn nghệ thu hút được sự quan tâm của sinh viên toàn trường (3). Từ đó, để giảm bớt sự khô cứng trong suốt quá trình học tập, Khoa Luật - Trường ĐHCT đã bước đầu thành công trong việc kết nối với người học để thúc đẩy sự đam mê, nhiệt huyết của sinh viên đối với ngành luật.
Thuận lợi trong việc tiếp cận, nắm bắt các nội dung chủ đạo của ngành luật
Mục tiêu chính yếu mà người học lựa chọn ngành luật là mong muốn được cung cấp, tiếp thu kiến thức chuyên ngành thông qua việc được đào tạo một cách có hệ thống. Để có cơ sở nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng vào thực tế thì khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành là tiền đề để học tập khối kiến thức chuyên ngành.
Thứ nhất, chương trình đào tạo cử nhân luật của Khoa Luật - Trường ĐHCT cơ bản đã cung cấp cho sinh viên các học phần mang tính tổng quát, chủ đạo của ngành luật. Hiện nay, chương trình đào tạo chuyên ngành luật của Trường ĐHCT được xây dựng có sự khác nhau giữa các khoá học (4). Dưới góc nhìn của sinh viên, chương trình đào tạo ngành luật và và ngành Luật Kinh tế của Trường ĐHCT có các học phần cơ bản cần thiết cho sinh viên luật, chẳng hạn như trong chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Kinh tế khoá 50 hiện nay có các học phần như: Lý luận Nhà nước pháp luật 1, 2 (Kl101, KL102); Luật hình sự phần chung (KL118), Luật hình sự phần riêng (KL119); Luật Dân sự: Chủ thể, tài sản, quyền sở hữu và quyền thừa kế (KL231), Luật Dân sự: Nghĩa vụ dân sự (KL133),...(5) Tại Khoa Luật - Trường ĐHCT, đề cương học phần do chính giảng viên phụ trách đứng lớp xây dựng theo định dạng mà Nhà trường quy định (6). Do vậy, người học dễ dàng trong việc hệ thống hoá kiến thức theo lĩnh vực (hành chính, dân sự, hình sự và thương mại). Việc đúc kết từ thực tiễn giảng dạy của giảng viên để xây dựng chương trình đào tạo giúp rút ngắn khoảng cách về sự tiếp cận giữa sinh viên với kiến thức chuyên sâu. Thông qua đó, hoạt động học tập, nghiên cứu cũng được diễn ra thuận tiện và bao quát bởi chương trình đào tạo được xây dựng từ kinh nghiệm được đút kết qua thực tiễn giảng dạy của giảng viên.
Thứ hai, việc liên kết kiến thức giữa các học phần được thể hiện qua chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy của giảng viên. Trong chương trình đào tạo cử nhân luật của Trường ĐHCT từ khoá 44 cho đến nay đều có sự xuất hiện của các học phần tiên quyết. Điều này hạn chế việc người học đăng ký tham gia các lớp học phần mà chưa nắm được kiến thức cơ bản, tiền đề của học phần đó. Cụ thể, đối với chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Tư pháp của Trường ĐHCT, học phần Lý luận Nhà nước và Pháp luật 2 (KL102) có học phần tiên quyết là Lý luận Nhà nước và Pháp luật 1 (KL101) và là học phần tiên quyết của học phần Luật So sánh (KLl05) và Phương pháp nghiên cứu khoa học - Luật (KL115),... Từ đó, có thể nhận thấy ngay từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, Khoa Luật đã chú trọng trong việc liên kết kiến thức, tạo nền tảng để sinh viên tiếp cận chương trình học từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, thực tế trong các tiết học do giảng viên Khoa Luật phụ trách giảng dạy, việc lồng ghép kiến thức của các học phần khác là hoạt động hầu như được thực hiện trong tất cả học phần. Việc nhắc lại kiến thức cho sinh viên, liên kết đến nội dung của các học phần khác giúp sinh viên nắm được vấn đề, hiểu rõ, hiểu sâu và hệ thống hoá kiến thức đã học một cách tổng quát.
Trong suốt quá trình hoạt động, Khoa Luật - Trường ĐHCT đã tạo dựng được nhiều thuận lợi nhất định cho việc nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên. Trên cơ sở những thuận lợi có được, số lượng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp từ Khoa Luật - Trường ĐHCT cũng ngày một tăng. Theo Báo cáo tóm tắt việc thực hiện và kết quả khảo sát việc làm sinh viên tốt nghiệp các năm (2016 - 2020) do Trung tâm Quản lý chất lượng Trường thực hiện, tỉ lệ có việc làm của sinh viên ngành luật sau khi tốt nghiệp khá cao (tỉ lệ bình quân 85,76%) và môi trường làm việc đa dạng. (7) Đây là dấu hiệu cho thấy chất lượng đào tạo ngành luật của Trường ĐHCT đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, từ góc độ của sinh viên, việc đào tạo cử nhân luật của Trường ĐHCT cũng có một số hạn chế nhất định.
Một số hạn chế trong đào tạo cử nhân luật tại Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ qua góc nhìn của người học
Khó khăn trong hoạt động nghiên cứu tài liệu và cách thức liên hệ với giảng viên
Đối với chuyên ngành luật, người nghiên cứu có hai mảng tài liệu chính yếu cần tìm gồm: (1) tài liệu lý luận và pháp lý; (2) tài liệu thực tiễn (thi hành pháp luật hay áp dụng pháp luật) (8). Theo đó, đối với sinh viên, kênh phổ biến nhất vẫn là tìm tài liệu tại thư viện Khoa Luật và Trung tâm học liệu - Trường ĐHCT.
Thứ nhất, vấn đề mà sinh viên gặp phải khi tìm kiếm tài liệu tại hai cơ sở nêu trên còn hạn chế. Đối với một số loại sách chuyên khảo, tham khảo, giáo trình bị hạn chế về số lượng tại thư viện nên người học chỉ có thể đọc tại chỗ mà không thể đăng ký mượn làm hạn chế thời gian nghiên cứu tài liệu của người đọc. Hầu hết các giáo trình luật tại thư viện Khoa Luật và Trung tâm học liệu - Trường ĐHCT hầu hết chưa được cập nhật mới và đa dạng. Hiện nay, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Luật Kinh tế được cập nhật tương đối đầy đủ các khoá học tại Trung tâm học liệu. Đối với luận văn ở bậc cử nhân, Khoa Luật vẫn chưa thống nhất cơ chế nộp lại bắt buộc và hình thức nộp lại bản giấy hay bản điện tử. Mặt khác, khi tra cứu luận văn tốt nghiệp cử nhân, thư viện Khoa chỉ lưu giữ một số đề tài bản giấy và chưa đầy đủ các khoá đã bảo vệ. So với đó, bản điện tử luận văn tuy được cập nhật tại trang thông tin điện tử của Khoa, nhưng vấn đề truy cập toàn văn bị hạn chế ngay cả khi có tài khoản của sinh viên trường.
Mặt khác, phương pháp tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu khoa học luật vẫn chưa được lồng ghép chính thức trong bất kỳ học phần cụ thể nào trong chương trình đào tạo. Tuy rằng trong chương trình đào tạo của các chuyên ngành đều có có học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học - Luật (KL115), dẫu vậy trong đề cương học phần này chưa thể hiện nội dung về hướng dẫn phương pháp tra cứu, tìm kiếm tài liệu. Tuy nhiên, trong quyển sách “Để hoàn thành tốt luận văn ngành luật - Dùng cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh” của tác giả Phan Trung Hiền đã có trình bày nội dung này. Do vậy, người học dễ dàng bị chênh vênh khi bắt đầu thực hành kỹ năng viết, nghiên cứu nhưng chưa được hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm tài liệu (đặc biệt là tài liệu nước ngoài) uy tín có liên quan chuyên sâu đến chuyên ngành Luật. Bên cạnh kỹ năng tìm kiếm, việc hướng dẫn sinh viên phương pháp để nghiên cứu tài liệu hiệu quả là rất quan trọng. Người học cần được nắm vững phương pháp để đọc tài liệu, chắt lọc các vấn đề trọng tâm để nghiên cứu chuyên sâu.
Ngoài ra, sinh viên Khoa Luật - Trường ĐHCT còn hạn chế trong việc tiếp cận và tận dụng nguồn tài liệu nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp) tại các cơ sở dữ liệu điện tử (ví dụ: ProQuest, Elsevier...) mặc dù Trung tâm học liệu đã cung cấp tài khoản đăng nhập. Từ đó, người học gặp khó khăn khi nghiên cứu luật so sánh, các quan điểm của các chuyên gia trên thế giới về một vấn đề pháp lý nhất định, cũng như nội dung pháp luật quốc tế khác.
Thứ hai, một trong những kỹ năng quan trọng đối với không chỉ riêng sinh viên luật mà còn với tất cả sinh viên là cách thức liên hệ với giảng viên trong học tập, trao đổi công việc. Tại Khoa Luật - Trường ĐHCT, người học chủ yếu liên hệ với giảng viên thông qua thư điện tử (email). Đây là cách thức liên hệ công việc phổ biến và được ưa chuộng bởi tính thuận tiện được hầu hết giảng viên lựa chọn để kết nối với sinh viên. Ngoài ra, liên lạc trực tiếp thông qua số điện thoại hoặc mạng xã hội như facebook, zalo vẫn có tồn tại với số lượng hạn chế. Trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, việc sinh viên có thể liên hệ với giảng viên qua các nền tảng khác ngoài email cần được khuyến khích thực hiện bởi tính nhanh chóng, thuận tiện. Tất nhiên việc liên lạc bởi bất kỳ hình thức nào cũng phải được sự ưng thuận từ phía giảng viên và khung thời gian, cách thức liên hệ phải phù hợp. Mặt khác, đối với sinh viên năm nhất thậm chí một vài trường hợp cá biệt ở sinh viên năm thứ ba, thứ tư không biết cách thức soạn một email chỉnh chu để liên hệ với giảng viên. Điều này dẫn đến việc tạo ấn tượng không tốt đối với giảng viên khiến quá trình trao đổi, làm việc trở nên không thuận lợi.
Khó khăn trong kỹ năng rèn luyện tư duy phản biện giữa các sinh viên, giữa sinh viên với giảng viên
Thực tế, phần lớn cơ sở đào tạo luật hiện nay, hình thức truyền thụ kiến thức cơ bản vẫn là giảng viên lên lớp để thuyết giảng; người học chỉ việc ngồi chăm chú lắng nghe và ghi chép. Do vậy, việc thụ động trong việc phản biện các nội dung mà giảng viên truyền đạt hầu như không được phổ biến thực hiện. Vấn đề trực tiếp phản biện, trao đổi giữa giảng viên với sinh viên trong các tiết học ngày càng trở nên khan hiếm. Do đó, dẫn đến trường hợp, người học thực hiện bài làm trong các kỳ thi đánh giá giữa và kết thúc học phần sát với các kiến thức, nội dung mà giảng viên truyền đạt để được đánh giá cao mà chưa mạnh dạn tìm hiểu, trình bày những quan điểm từ các bài giảng, tài liệu của các cơ sở đào tạo khác hoặc thể hiện quan điểm độc lập của riêng mình. Nhìn chung, vấn đề đặt ra cho thấy hiện nay tại Khoa Luật - Trường ĐHCT chưa chú trọng đào tạo sinh viên theo hướng phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và tự tìm hiểu, khả năng tư duy trong giải quyết vấn đề mà chủ yếu đặt trọng tâm vào việc kiểm tra kiến thức cũ đã học.
Hệ lụy của vấn đề này là sinh viên sau khi đã hoàn thành xong học phần không có kỹ năng phân tích, không thể nắm bắt một đạo luật bất kỳ, mới lạ do chưa từng được học qua. Do vậy, cần phải chú trọng việc nâng cao truyền dạy cho sinh viên khả năng phân tích luật, hơn hết là hình thành tư duy phản biện khi tiếp cận vấn đề, nhất là vấn đề mang tính pháp lý. Trong các lớp học phần của Khoa Luật - Trường ĐHCT, hoạt động phản biện giữa các sinh viên chủ yếu được tiến hành trong các buổi báo cáo. Thông thường được tổ chức theo cách thức 01 nhóm báo cáo và 01 nhóm phản biện, trường hợp khác có thể là 01 nhóm báo cáo và tất cả sinh viên trong lớp học sẽ đóng vai trò phản biện. Hoạt động phản biện tại các lớp học được thể hiện thông qua việc đặt câu hỏi, chỉ ra những vấn đề về mặt hình thức, nội dung còn chưa hoàn chỉnh của nhóm báo cáo. Tuy nhiên, việc này vô hình trở thành thói quen dẫn đến việc những ý tưởng hay, quan điểm lập luận giữa các nhóm, người học chưa được nêu lên. Thật vậy, việc đưa ra các quan điểm, lập luận để phản biện còn là một trong những hình thức rèn luyện các kỹ năng quan trọng của người học luật như kỹ năng trình bày vấn đề, kỹ năng phản biện và tư duy ngôn ngữ.
Mặt khác, giữa sinh viên và giảng viên dường như hình thành rào cản vô hình khiến cho việc rèn luyện tư duy phản biện của sinh viên cũng bị hạn chế. Phổ biến nhất vẫn là tình trạng sinh viên không tự tin, mạnh dạn để phát biểu những ý kiến, quan điểm không đồng thuận với quan điểm của giảng viên. Tất nhiên, giảng viên là người nắm vững kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, tuy nhiên việc khai thác quan điểm, lập luận của sinh viên trong lớp học là hết sức cần thiết. Với kim chỉ nam là “lấy người học làm trung tâm”, việc khơi gợi vấn đề, tạo cảm hứng cho sinh viên phát huy được tư duy độc lập trong phản biện, lập luận là điều quan trọng cần được trang bị đối với một cử nhân luật. Hiện nay, có thể nhận thấy khi sinh viên mong muốn được đưa ra các ý kiến phản biện đối với quan điểm của giảng viên còn tâm lý e sợ, rụt rè. Do đó, về lâu dài tạo nên tâm lý cho người học chỉ biết cặm cụi ghi chép, ghi lại những gì mà giảng viên truyền đạt. Điều này hạn chế tối đa khả năng sáng tạo, nhạy bén trong giải quyết vấn đề cũng như khả năng phân tích luật độc lập của người học. Mặt khác, kỹ năng phản biện, thuyết trình của sinh viên trước đám đông, khi tham gia các cuộc thi học thuật bị hạn chế bởi tâm lý rụt rè, chưa được thực hành thành thạo trong các giờ học.
Khó khăn trong tiếp cận đa dạng kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn
Hiện nay, trong chương trình đào tạo ngành luật của 03 chuyên ngành tại Khoa Luật - Trường ĐHCT thì việc đa dạng hoá kiến thức liên ngành, gắn kết với các nội dung thuộc lĩnh vực khoa học xã hội khác vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể cho thấy, ngoài các học phần điều kiện bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì dường như chương trình đào tạo ngành luật vẫn còn mang đậm tính chuyên sâu hoá.
Thứ nhất, thực tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cử nhân luật nói riêng và sinh viên đã tốt nghiệp nói chung cần phải trang bị những kiến thức liên ngành, không thể bị bó hẹp trong lĩnh vực chuyên môn một cách tuyệt đối. Để nghiên cứu khoa học luật một cách hiệu quả, người nghiên cứu không chỉ nắm vững kiến thức pháp luật mà còn phải mở rộng sự hiểu biết nhất định đối với các lĩnh vực có liên quan đến khoa học pháp lý (9). Chương trình đào tạo ngành luật của Trường ĐHCT bị hạn chế nhóm các học phần tự chọn chỉ vọn vẹn trong 06 học phần bao gồm Logic học đại cương (ML007), Xã hội học đại cương (XH028), Kỹ năng mềm (KN001), Cơ sở văn hoá Việt Nam (XH011E), Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (KN002), Học thuyết pháp lý (KL123) (10). Dễ dàng nhận thấy một sự hạn chế đáng kể trong việc việc lựa chọn học phần của sinh viên để kết hợp kiến thức liên ngành thuộc các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị học, triết học... Một số học phần của chương trình đào tạo ngành khác có thể hấp dẫn đối với sinh viên ngành luật và khả năng kết hợp, vận dụng các học phần đó với chuyên ngành luật có thể mang lại hiệu quả rất cao. Chẳng hạn đối với chương trình đào tạo cử nhân Triết học của Khoa Khoa học Chính trị - Trường ĐHCT cho thấy học phần Đạo đức học (ML312), Chính trị học (ML358), Văn hoá, dân cư, môi trường Đồng bằng sông Cửu Long (XH058) (11) có khả năng rất cao trong việc kết hợp vào chương trình đào tạo cử nhân Luật để mở rộng sự lựa chọn của sinh viên.
Thứ hai, việc tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn của sinh viên đại học ngành luật còn bị hạn chế. Hiện tại, chương trình đào tạo ngành Luật của Trường ĐHCT cho thấy chỉ có một số ít kênh tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn như thông qua học phần tự chọn Thực tập tốt nghiệp (KL431) cho nhóm học phần thay thế luận văn tốt nghiệp, Thực hành nghề luật (KL406) trong nhóm học phần tự chọn 08 tín chỉ. Do vậy, thông thường phần lớn sinh viên lựa chọn thực hiện luận văn tốt nghiệp - Luật sẽ không chọn các học phần trong nhóm học phần thay thế còn lại do đã đáp ứng đủ số tín chỉ. Từ đó, học phần Thực tập tốt nghiệp - Luật, Thực hành nghề luật còn chưa được thực sự thể hiện tầm quan trọng trong chương trình đào tạo. Mặt khác, nhận thấy khi thực hiện luận văn tốt nghiệp hoặc đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, tiến hành viết bài báo khoa học thì Hội đồng phản biện, giảng viên thông thường yêu cầu phân tích thực tiễn áp dụng pháp luật cũng như tình huống thực tế. Trong khi đó, về mặt liên kết với các tình huống thực tiễn trong các tiết học do hạn chế về mặt dung lượng bài giảng, thời gian nên rất ít giảng viên lồng ghép vấn đề này vào bài giảng. Có thể nhận thấy vấn đề mà hầu hết sinh viên tại Khoa Luật - Trường ĐHCT đã và đang gặp phải là việc tiếp cận với kinh nghiệm thực tiễn còn thật sự rất hạn chế. Cụ thể, khó khăn lớn nhất mà sinh viên Khoa Luật - Trường ĐHCT gặp phải không phải số lượng lớn kiến thức hàn lâm học thuật mà là vấn đề giải quyết tình huống thực tiễn và tìm ra giải pháp thích hợp. Thực tế, trong khi thực hiện luận văn tốt nghiệp hoặc đề tài nghiên cứu khoa học thì Chương về nội dung lý luận và quy định rất thuận lợi, dễ dàng để sinh viên có thể vượt qua. Tuy nhiên, Chương về nội dung thực trạng pháp luật và đề xuất giải pháp là khó nhằn nhất với sinh viên, giảng viên cũng phải góp ý chỉnh sửa rất nhiều lần; trong khi đó, đây là nội dung quan trọng và đóng vai trò trọng tâm đối với kết quả của đề tài.
Ở một số cơ sở đào tạo khác đã khắc phục được vấn đề này bằng nhiều biện pháp, cách thức khác nhau như mời các chuyên gia, luật sư, thẩm phán, quản tài viên, thư ký toà án, trọng tài viên... tham gia vào hoạt động giảng dạy, đào tạo cho người học. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của học phần mang tính lý thuyết, tuy nhiên việc tiệm cận với kinh nghiệm thực tiễn thật sự bổ trợ rất nhiều cho sinh viên trong việc nghiên cứu học tập, thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, đây là vấn đề cần được khắc phục nhằm thúc đẩy để đào tạo cử nhân luật thật sự chất lượng và theo kịp với tình hình xã hội thực tế.
Mặt khác, với yêu cầu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (12), sinh viên, người học ngành Luật cần phải kết nối và “bám sát” với diễn biến thực tiễn trong xã hội. Hiện nay, các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp và việc vận dụng các quy định để điều chỉnh đòi hỏi phải linh hoạt. Do đó, trong quá trình học tập, nghiên cứu, người học phải nắm bắt tình hình thực tiễn, các tình huống xảy ra trong xã hội cần áp dụng phù hợp các quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Đây là một kênh hữu hiệu để sinh viên thực hành, vận dụng kiến thức đã được truyền dạy vào giải quyết tình huống thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay người học chưa tận dụng được tối đa hiệu quả của mạng xã hội trong quá trình học tập, nghiên cứu. Vì vậy, dẫn đến tình trạng sinh viên mặc dù nắm rõ quy định pháp luật, nhận biết được quy phạm để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh nhưng gặp phải khó khăn trong việc vận dụng để giải quyết triệt để vấn đề. Do đó, giảng viên và người học cần nhận thức rõ sự hữu dụng của các công cụ mạng xã hội trong quá trình dạy và học, nghiên cứu chuyên ngành luật.
Khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện luận văn tốt nghiệp - Luật của sinh viên
Những năm gần đây, số lượng sinh viên yêu thích và có khả năng nghiên cứu khoa học luật tăng đáng kể tại Khoa Luật - Trường ĐHCT. Phương pháp để thực hiện hoạt động này chủ yếu qua 02 kênh chính là học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học - Luật (KL115) và thông qua quá trình trao đổi, làm việc với giảng viên hướng dẫn. Mặt khác, việc nghiên cứu khoa học luật của sinh viên Khoa Luật - Trường ĐHCT thực hiện với các hoạt động cụ thể như liên kết với giảng viên để viết bài báo khoa học, tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên cấp cơ sở tại Trường ĐHCT, luận văn tốt nghiệp - Luật. Khi người học thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học thường gặp phải một số khó khăn như sau:
Thứ nhất, khó khăn trong việc liên hệ với giảng viên hướng dẫn về nội dung chuyên môn có liên quan đến đề tài dự định thực hiện. Trong nhiều trường hợp, do hạn chế về mặt chỉ tiêu hướng dẫn luận văn, từ đó tạo ra khó khăn cho sinh viên lựa chọn đề tài luận văn thích hợp. Cụ thể, người học đã xác định, định hướng đề tài trong lĩnh vực mà bản thân dự định thực hiện do thật sự yêu thích và có khả năng thực hiện, nắm vững kiến thức có liên quan nhưng không có giảng viên hướng dẫn về chuyên môn ứng với lĩnh vực đề tài sinh viên lựa chọn do đã hết chỉ tiêu hướng dẫn. Nhiều trường hợp sinh viên phải từ bỏ đề tài mà mình thật sự đam mê, yêu thích và mong muốn theo đuổi trong tương lai nhưng vì lý do này mà phải rẽ sang thực hiện một đề tài nằm trong lĩnh vực mà mình không nắm vững, không yêu thích và không mong muốn thực hiện. Điều này là một khó khăn, hạn chế lớn trong vấn đề khai thác, giúp sinh viên khám phá, phát hiện ra năng lực của bản thân. Đôi khi, vì lý do không có giảng viên hướng dẫn mà làm mất đi cảm hứng nghiên cứu của sinh viên, đánh mất năng lực, ý tưởng sáng tạo của sinh viên. Hệ quả là các trường hợp luận văn tốt nghiệp với lý do trên gây nên nhiều khó khăn cho sinh viên, thậm chí có sinh viên chỉ thực hiện với tinh thần đối phó hoặc chấp nhận tốt nghiệp trễ thời hạn để thực hiện luận văn trong lĩnh vực mà mình yêu thích. Mặt khác, việc lựa chọn một đề tài trong lĩnh vực nằm ngoài khả năng của người học có thể dẫn đến người học không nắm được kiến thức một cách chuyên sâu, khi báo cáo đề tài phải chấp nhận với một số điểm đáng tiếc.
Thứ hai, hoạt động viết bài báo khoa học còn khá lạ lẫm, hiếm hoi đối với sinh viên Khoa Luật - Trường ĐHCT. Hầu hết sinh viên bắt đầu viết bài báo khoa học vào thời điểm năm thứ 3, năm thứ 4 với sự hướng dẫn của giảng viên. Phần lớn sinh viên thực hiện bài báo khoa học với mục tiêu là điểm cộng cho luận văn, đề tài khoa học và với nội dung liên quan. Tuy nhiên, việc hình thành cách thức thực hiện, triển khai bài báo khoa học chưa được phổ biến đến sinh viên từ sớm (năm thứ nhất, năm thứ 2). Do đó, khi tiến hành viết bài báo khoa học, sinh viên gặp khó khăn trong việc tự mình tìm hiểu cách thức thực hiện mà không có kỹ năng cũng như những lưu ý cần thiết để được Tạp chí, Hội thảo chấp nhận, công bố nếu giảng viên hướng dẫn không trực tiếp chia sẻ. Thật vậy, một số bài báo của sinh viên thực sự có ảnh hưởng đến thẩm phán, luật sư và nhà lập pháp; thậm chí Tòa án tối cao Hoa Kỳ cũng nhiều lần nhắc đến bài viết của sinh viên mỗi năm. Kỹ năng viết lách không liên quan đến luật và lớp học viết lách năm đầu tiên một phần nào đó giúp sinh viên chuẩn bị cho bài viết (13). Tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng viết bài báo khoa học cho sinh viên luật đã được sự quan tâm của hầu hết các cơ sở đào tạo luật trên thế giới từ rất lâu. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải là việc hướng dẫn sinh viên viết bài báo khoa học tại Khoa Luật - Trường ĐHCT còn gặp hạn chế bởi tự sinh viên phải chủ động tìm kiếm, liên lạc với giảng viên để thực hiện mà chưa có kênh chính thức để sinh viên đăng ký và được sự hỗ trợ của Khoa, Trường.
Thứ ba, hoạt động triển khai cho sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở do Trường ĐHCT chủ trì chưa nhận được sự quan tâm thoả đáng. Hoạt động này không phải là bắt buộc đối với sinh viên, tuy nhiên đối với những sinh viên mong muốn tham gia lại chưa có bộ phận có trách nhiệm hướng dẫn chính thức, huấn luyện cho sinh viên những kỹ năng cần thiết trước và trong khi thực hiện đề tài. Bên cạnh đó, vấn đề về kết hợp các phương pháp nghiên cứu của ngành khác như phân tích số liệu, phỏng vấn sâu, phương pháp quy nạp trong triết học,... chưa được phổ biến trong sinh viên ngành luật để nắm vững. Từ đó, cho thấy hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngành luật bị đóng khung trong một mô - típ là thực hiện phương pháp phân tích luật viết, nêu thực trạng, bất cập và đưa ra giải pháp. Ngoài ra, sinh viên gặp khó khăn trong tiếp cận tài liệu có chứa vụ việc, số liệu phản ánh thực tiễn tại các Sở, Phòng, Ban ngành, đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức khác... Từ đó, thực trạng mà sinh viên có thể tiếp cận chủ yếu từ nguồn báo chí đăng tải trên trang thông tin điện tử. Vì vậy, các vấn đề quan trọng, gần gũi tại địa phương khi chưa được đăng tải là nguồn uy tín quan trọng nhưng vẫn còn nằm trong “điểm mù” đối với sinh viên.
Khó khăn trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ chuyên ngành
Rào cản ngoại ngữ là một trong những vấn đề đáng quan tâm của phần chung sinh viên tại Khoa Luật - Trường ĐHCT. Thực trạng cho thấy rất nhiều sinh viên bỏ lỡ các cơ hội trao đổi quốc tế, đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài chỉ vì ngoại ngữ chưa thông thạo mặc dù kiến thức chuyên môn đã rất vững vàng. Tại các cuộc thi học thuật có sử dụng ngoại ngữ, nhìn chung sinh viên Khoa Luật - Trường ĐHCT vẫn còn hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ chuyên ngành so với các đội thi đến từ cơ sở đào tạo uy tín khác. Thứ nhất, hiện nay, việc tiếp cận ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên luật tại Khoa Luật - Trường ĐHCT chủ yếu thông qua học phần Thuật ngữ pháp lý tiếng Anh (KL116), Thuật ngữ pháp lý tiếng Pháp (KL117) và Câu lạc bộ tiếng Anh của Khoa Luật - Trường ĐHCT. Tuy nhiên, đối với học phần Thuật ngữ pháp lý - Tiếng Pháp không được mở lớp trong nhiều năm qua do không đủ số lượng sinh viên đăng ký. Đối với học phần Thuật ngữ pháp lý - Tiếng Anh, cần có một phương pháp mới giữa giảng viên và người học để có thể tiếp cận học phần này một cách hiệu quả. Bởi đây không giống với các học phần chuyên ngành khác mà đòi hỏi sinh viên phải có khả năng sử dụng tiếng Anh căn bản từ trước. Nên việc tiếp cận học phần này rất dễ bị phân hoá giữa những sinh viên sử dụng thành thạo và chưa thành thạo tiếng Anh. Hiện nay, để tham gia học phần Thuật ngữ pháp lý - Tiếng Anh thì người học buộc phải hoàn thành điều kiện 10 tín chỉ Anh văn căn bản (hoặc thay thế bằng chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 dùng cho Việt Nam). Tuy người học đã hoàn thành điều kiện nêu trên nhưng tham gia vào học phần Thuật ngữ pháp lý - Tiếng Anh còn chưa kịp bắt nhịp.
Ngoài ra, câu lạc bộ tiếng Anh pháp lý chưa thật sự thu hút được sự chú ý, quan tâm tham gia của sinh viên. Hiện nay, câu lạc bộ được vận hành với tần suất hoạt động mỗi tháng một lần. Bên cạnh tần suất quá ít ỏi, kế hoạch và chương trình hoạt động của câu lạc bộ cũng chưa thật sự tạo ấn tượng thú vị để thu hút sinh viên tham gia.
Thứ hai, hoạt động kết hợp sử dụng ngoại ngữ trong các học phần khác chưa được thực hiện phổ biến tại Khoa Luật - Trường ĐHCT. Việc tiếp cận ngoại ngữ trong các học phần chuyên ngành có thể giúp sinh viên nâng cao khả năng ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong các lớp học phần, giảng viên ít kết hợp tiếng Anh pháp lý vào bài giảng nên sinh viên còn lúng túng khi bắt đầu học tập học phần Thuật ngữ pháp lý - Tiếng Anh. Hơn hết, người học sẽ cảm thấy xa lạ khi tiếp cận với tiếng Anh chuyên ngành nếu không được tiếp xúc thường xuyên trong các học phần chuyên ngành.
Thật vậy, năng lực ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của sinh viên, học viên không đồng đều sẽ khó sử dụng công nghệ, tìm kiếm, phân tích tài liệu trực tuyến, tài liệu mở, các bài viết, các bài nghiên cứu chuyên sâu rất khó tìm kiếm để trở thành những sinh viên, học viên xuất sắc khi ra trường sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động toàn cầu, tư vấn luật pháp cho các khách hàng, các dịch vụ pháp lý vượt ra ngoài biên giới quốc gia(14).
Một số giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo cử nhân luật
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy những thuận lợi đang có, người viết đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn đọng như sau:
Thứ nhất, thư viện khoa Luật và Trung tâm học liệu Trường ĐHCT cần chú trọng bổ sung cập nhật không chỉ tài liệu có liên quan đến chuyên ngành Luật mà còn đối với tất cả các chuyên ngành khác có thể vận dụng cho việc nghiên cứu luật. Việc đồng bộ, số hoá cơ sở dữ liệu để người học truy cập từ xa tuy cơ bản có thể thực hiện nhưng vẫn hạn chế về số lượng tài liệu có thể tiếp cận. Đối với chuyên ngành luật, việc cập nhật tài liệu mới là điều quan trọng giúp ích cho việc nghiên cứu của sinh viên. Nhằm nâng cao chất lượng tài liệu, cần số hoá những luận văn đại học, luận văn thạc sĩ được hội đồng phản biện đánh giá cao và có giá trị tham khảo đạt chuẩn. Đối với những đề tài chưa đạt chuẩn hoặc không mang giá trị tham khảo có thể lưu trữ bản giấy tại thư viện khoa và không cần thiết số hoá thành dữ liệu điện tử với bản toàn văn. Điều này nhằm giảm bớt áp lực cho việc lưu trữ cơ sở dữ liệu điện tử, giảm nhẹ dung lượng lưu và người học, nghiên cứu có thể dễ dàng chọn lọc được những luận văn chất lượng để tham khảo. Bên cạnh đó, trong học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học - Luật, cần chú trọng giới thiệu, hướng dẫn về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu tài liệu trước khi thực hành các phương pháp nghiên cứu khác. Quan trọng hơn là hướng dẫn, giới thiệu cho sinh viên thực hiện tra cứu tài liệu nước ngoài, truy cập văn bản pháp luật của các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, cần thiết tổ chức các buổi toạ đàm về các kỹ năng phục vụ cho việc học tập chuyên ngành luật, ví dụ kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng viết, kỹ năng phản biện,.. Hơn hết, cần chú ý lồng ghép việc làm thế nào để trao đổi, liên hệ với giảng viên một cách chuẩn mực và đạt hiệu quả cao trong công việc. Những kỹ năng cần thiết này nên được Đoàn Thanh niên Khoa Luật, Chi bộ sinh viên kết hợp với giảng viên khoa để tổ chức, hướng dẫn cho sinh viên thường niên, đặc biệt là đối với sinh viên khoá mới, sinh viên đang học tập năm thứ nhất, thứ hai. Bên cạnh đó, giảng viên cần tổ chức cho sinh viên thực hành các kỹ năng cần thiết trong các giờ học để đảm bảo sinh viên được rèn luyện, trau dồi.
Thứ ba, Khoa Luật - Trường ĐHCT cần có giải pháp cho việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng không bó hẹp các học phần tự chọn để sinh viên có cơ hội nâng cao và mở rộng kiến thức liên ngành. Việc mở rộng này chủ yếu có liên quan đến công nghệ - thông tin, xã hội nhân văn, khoa học chính trị, kinh tế và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo chuyên ngành luật cần được thiết kế về cơ chế để các chuyên gia, nhà hoạt động có liên quan đến pháp luật như luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, quản tài viên,... tham gia vào hoạt động giảng dạy một số học phần cần thiết. Điều này là sự quan tâm của sinh viên bởi cơ hội tiếp xúc với kinh nghiệm thực tiễn trong sinh viên rất ít trong khi kiến thức lý thuyết được truyền tải vô cùng đa dạng, phong phú. Cần lồng ghép vào học phần Thực hành nghề Luật việc trao đổi, giao lưu với các đơn vị hoạt động có liên quan một cách trực tiếp, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn.
Ngoài ra, giảng viên cần cập nhật, giới thiệu cho sinh viên những trang thông tin điện tử uy tín, địa chỉ trang mạng xã hội có thể giúp người học kết nối, tương tác về những vấn đề pháp lý. Trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, bên cạnh lợi ích về mặt tiếp cận thông tin nhanh chóng thì ngày càng xuất hiện đa dạng các trang mạng xã hội với những quan điểm bình luận, đưa tin một cách không chính thống, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực pháp luật - một lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng. Vì vậy, giữa người học và giảng viên phải chắt lọc những trang thông tin điện tử, mạng xã hội uy tín để tiếp cận tình huống xã hội thực tế. Hoạt động này có thể được lồng ghép vào các giờ học, đặc biệt là trong học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học - Luật.
Thứ tư, cần quan tâm hơn nữa việc kết nối, cung cấp thông tin về thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên cấp cơ sở và thực hiện luận văn tốt nghiệp, viết bài báo khoa học. Cụ thể, cần thiết lồng ghép nội dung về thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và viết bài báo khoa học vào học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học - Luật. Về kỹ năng, huấn luyện cho sinh viên kỹ năng nghiên cứu trong các buổi toạ đàm chia sẻ, trong các giờ học có liên quan. Hơn nữa, đối với các học phần chuyên ngành, giảng viên cần chia sẻ, giới thiệu và trao đổi với người học về khả năng thực hiện đề tài khoa học, luận văn tốt nghiệp và viết bài báo khoa học có liên quan đến học phần mà người học đang tham gia. Điều này giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm ý tưởng và phát hiện khả năng, niềm yêu thích của bản thân đối với ngành Luật và lựa chọn được định hướng để nghiên cứu.
Hơn hết, Khoa Luật nên có bộ phận tiếp nhận và quy trình xử lý đối với các trường hợp sinh viên mong muốn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn tốt nghiệp và viết bài báo khoa học mà bản thân sinh viên chưa liên hệ được với giảng viên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn do mình lựa chọn.
Thứ năm, Khoa Luật cần tổ chức bộ phận lấy ý kiến, đăng ký tham gia các chương trình thực tập, hỗ trợ người học tiếp cận thực tiễn để nghiên cứu, tìm hiểu. Cụ thể, Khoa Luật phải là tổ chức trung gian trong việc hỗ trợ sinh viên đến thực tập tại các đơn vị hoạt động thực tiễn như Viện Kiểm sát, Toà án, Công ty Luật, Văn phòng Luật sư,... Cần tổ chức cho sinh viên đăng ký và có danh sách các đơn vị để đa dạng sự lựa chọn cho sinh viên có cơ hội thực tập tại nơi mà mình mong muốn, hoặc tìm kiếm các cơ hội thực tập tại các đơn vị, tổ chức mới. Trong quá trình thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, đề tài luận văn tốt nghiệp, sinh viên cần thiết được tiếp cận với các cơ quan có liên quan đến nội dung đang thực hiện. Khoa Luật - Trường ĐHCT cần có cơ chế để phối hợp, giới thiệu sinh viên đến các cơ quan, đơn vị, chuyên gia mà sinh viên mong muốn kết nối để thực hiện hiệu quả đề tài.
Thứ sáu, cần xây dựng hướng tiếp cận mới cho sinh viên để cải thiện năng lực ngoại ngữ chuyên ngành Luật. Theo đó, cần thiết lồng ghép việc giảng dạy tiếng Anh cho người học trong các học phần chuyên ngành với tỉ lệ nhất định (khoảng 20-30%). Điều này tạo cơ hội cho người học làm quen, không loay hoay và bắt nhịp kịp khi bắt đầu tham gia học phần Thuật ngữ pháp lý - Tiếng Anh. Mọi tư duy đổi mới, mọi chính sách thay đổi trong công tác đào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hay có được một chương trình đào tạo tốt mà không gắn với sự thay đổi mạnh mẽ trong phương pháp đào tạo thì kết quả cũng bằng không (15). Vì vậy, đòi hỏi phải có một phương pháp hiệu quả tối ưu để cải thiện không chỉ đối với học phần Thuật ngữ pháp lý - Tiếng Anh mà rộng hơn là cải thiện, thúc đẩy năng lực ngoại ngữ chuyên ngành luật cho người học.
Tài liệu tham khảo
- Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Cần Thơ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Đinh Ngọc Thắng, Nguyễn Văn Đại (2020), Tư duy về đào tạo cử nhân luật: Thực trạng và tiếp tục đổi mới, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, Tập 49 - Số 1B/2020, tr. 32-43.
- Eugene Volokh (1998), Writing a student article, Journal of Legal Education, Volume 48, Number 2.
- Phan Trung Hiền (2018), Để hoàn thành tốt luận văn ngành luật - Dùng cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Trường Đại học Cần Thơ (2021), Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo đại học ngành luật Theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ, Cần Thơ.
- Trường Đại học Cần Thơ (2024), Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế khoá 50.
- Trường Đại học Cần Thơ (2024), Chương trình đào tạo ngành Triết học khoá 50.
- Lê Văn Đức (2020), Một số ý kiến về đào tạo nghề luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Trang điện tử Trường Cao đẳng Luật miền Trung, http://caodangluatmientrung.edu.vn/vi/news/Nghien-cuu-trao-doi/Mot-so-y-kien-ve-dao-tao-nghe-luat-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-hien-nay-1582.html#_ftn5, đăng tải ngày 25/12/2020, [truy cập ngày 05/02/2023].
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Cần Thơ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Năm 2017, Đoàn thanh niên Khoa Luật được sự hỗ trợ của Đoàn Trường ĐHCT kết hợp với Câu lạc bộ CLE tổ chức thành công Phiên toà giả định thu hút hơn 1.000 sinh viên; Từ năm 2018 đến nay, Đoàn Khoa Luật liên tục thành công trong việc tuyển chọn, tập luyện cho Đội văn nghệ, Đội thể thao Khoa Luật đạt giải tại Hội thao, Hội diễn văn nghệ Trường; Với hỗ trợ của Đoàn Khoa Luật là vai trò cầu nối với giảng viên, số lượng sinh viên Khoa Luật đăng ký tham gia các cuộc thi học thuật chuyên ngành luật tăng lên đáng kể cả về chất lượng.
- Chương trình đào tạo ngành Luật, Trường ĐHCT khoá 40 đến khoá 44; khoá 45; Từ khoá 46 đến khoá 47; khoá 48. Kể từ khoá 49 cho đến khoá 50 hiện nay, Khoa Luật - Trường ĐHCT có 02 ngành: Luật và Luật Kinh tế.
- Trường Đại học Cần Thơ (2024), Chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Kinh tế khoá 50.
- Trường Đại học Cần Thơ (2021), Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo đại học ngành luật: Theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ, Cần Thơ, tr. 22.
- Trường Đại học Cần Thơ (2021), Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo đại học ngành luật: Theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ, Cần Thơ, tr. 142.
- Phan Trung Hiền (2018), Để hoàn thành tốt luận văn ngành luật - Dùng cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 86.
- Phan Trung Hiền (2018), Để hoàn thành tốt luận văn ngành luật - Dùng cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 19.
- Trường Đại học Cần Thơ (2024), Chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế khoá 50.
- Trường Đại học Cần Thơ (2024), Chương trình đào tạo chuyên ngành Triết học khoá 50.
- Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 140.
- Eugene Volokh (1998), Writing a student article, Journal of Legal Education, Volume 48, Number 2, p. 247.
- Lê Văn Đức (2020), Một số ý kiến về đào tạo nghề luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Trang điện tử Trường Cao đẳng Luật miền Trung, http://caodangluatmientrung.edu.vn/vi/news/Nghien-cuu-trao-doi/Mot-so-y-kien-ve-dao-tao-nghe-luat-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-hien-nay-1582.html#_ftn5, đăng tải ngày 25/12/2020, [truy cập ngày 05/02/2023].
- Đinh Ngọc Thắng, Nguyễn Văn Đại (2020). Tư duy về đào tạo cử nhân luật: Thực trạng và tiếp tục đổi mới, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, Tập 49 - Số 1B/2020, tr. 32-43.
LÂM VĨ KHANG
Học viên cao học Luật Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ