Thực trạng và giải pháp để phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế

06/10/2022 00:09 | 1 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, xu hướng hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng và sâu rộng trên toàn thế giới giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế, luật pháp… góp phần duy trì ổn định hòa bình, tạo dựng môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, các chính sách kinh tế, cơ chế quản lý ngày càng minh bạch hơn, nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh những mặt tích cực đó còn là những thách thức cho Việt Nam – 1 quốc gia đang trên đà phát triển trong đó có cả luật pháp. Hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam đã có những thay đổi lớn nhằm đáp ứng các nhu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế.

Ảnh minh họa.

Sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X Đảng ta đã ban hành đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững thể hiện sự quan tâm và chú trọng tới sự phát triển của đội ngũ Luật sư trước thềm hội nhập. Đảng nhận định “chúng ta còn thiếu một đội ngũ Luật sư giỏi, thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh” và trên cơ sở đó đưa ra định hướng “gấp rút đào tạo đội ngũ Luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia tranh tụng;…”.

Thực trạng phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế

Về số lượng Luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường hội nhập quốc tế. Hiện nay mặc dù số lượng Luật sư tăng lên đáng kể nhưng tuy nhiên vẫn chưa đáp ửng đủ nhu cầu với dân số của Việt Nam gần 100 triệu người hiện nay và số lượng Luật sư khoảng 16.500 Luật sư, cho thấy số lượng Luật sư của Việt Nam còn quá ít để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội.

Ngoài ra, số lượng Luật sư phân bố chưa đồng đều giữa các tỉnh, thành phố chủ yếu tập trung nhiều ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; người dân ở vùng sâu vùng xa chưa được biết và tiếp cận nhiều đến dịch vụ pháp lý của Luật sư.

Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ khi số lượng và chất lượng Luật sư chưa đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý cũng là một thách thức lớn về cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, về chất lượng đội ngũ Luật sư ở nước ta có trình độ quốc tế còn ít. Số lượng Luật sư có chuyên môn sâu để am hiểu luật quốc tế, có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp mang tính quốc tế là rất ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Do vậy, dẫn đến tình trạng là phần lớn các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì thường “thua trên sân nhà” và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải lựa chọn thuê các tổ chức Luật sư nước ngoài để giải quyết với một mức phí không hề nhỏ. Các tổ chức hành nghề Luật sư quy mô phát triển manh mún, nhỏ lẻ, hiện nay chưa có nhiều tổ chức hành nghề đủ mạnh để cạnh tranh với tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài.

Giải pháp để phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế

Cần phát triển số lượng Luật sư có trình độ quốc tế tại các tổ chức hành nghề Luật sư: Cần bổ sung số lượng Luật sư đáp ứng đủ nhu cầu hành nghề của tổ chức, tập hợp được nhiều Luật sư trong một tổ chức hành nghề để các Luật sư thành viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề, hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề nghiệp.

Đi kèm đó là nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư, đổi mới phương pháp đào tạo nghề Luật sư: Luật sư nên được đào tạo tính chuyên nghiệp ngay từ khi đang là sinh viên tại các trường đại học luật thông qua việc định hướng nghề nghiệp và đào tạo kỹ năng hành nghề. Ở Việt Nam, các trường luật không có chương trình đào tạo sinh viên để trở thành Luật sư, các sinh viên luật được học chung một chương trình và chủ yếu tập trung vào lý thuyết, các khái niệm pháp luật cơ bản và tính thực hành, thực tiễn chưa cao.

Luật sư nên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên: Xã hội nước ta đang không ngừng thay đổi và phát triển, các mối quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp và được điều chỉnh bằng pháp luật, các văn bản quy phạm phạm pháp luật ngày càng nhiều hơn. Do vậy, cập nhật kiến thức pháp luật mới và nâng cao kỹ năng hành nghề là một yêu cầu tất yếu đối với Luật sư. Việc Luật sư tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật hoặc tham gia các khóa bồi dưỡng về Luật sư và hành nghề Luật sư ở nước ngoài có thể là môi trường tốt để họ tích lũy kinh nghiệm nhưng không thể là một hình thức giúp họ cập nhật kiến thức pháp luật mới của Việt Nam.

Ngoài ra, Luật sư cũng có thể lựa chọn hình thức cập nhật khác như nghiên cứu văn bản luật, trao đổi với các đồng nghiệp…

Tự bản thân người Luật sư cũng cần phải thường xuyên nghiên cứu, trau dồi, cập nhật kịp thời về kiến thức pháp lý, thực hiện nghiêm việc tham gia bồi dưỡng, nghiệp vụ về Luật sư; trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng về hành nghề, tranh tụng; đề cao đạo đức và ứng xử hành nghề và phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, chức năng xã hội của nghề Luật sư, vị trí, vai trò của mình trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm góp phần bảo vệ công lý; giúp giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.

Nâng cao vai trò quản lý, giám sát của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Với tư cách là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo chế độ tự quản, quản lý thống nhất trong phạm vi toàn quốc của các Luật sư Việt Nam; đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Luật sư và các Đoàn Luật sư là thành viên của Liên đoàn.

Để phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể áp dụng một số giải pháp như: Thường xuyên tập huấn kiến thức và kỹ năng hành nghề cho thành viên của Liên đoàn; thành lập các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ; soạn thảo các hồ sơ, tài liệu hướng dẫn, tham khảo; cử các Luật sư có chuyên môn đi nước ngoài tham quan, học hỏi hệ thống pháp lý của các nước phát triển; tổ chức các khóa bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý...

Sự hỗ trợ của Nhà nước: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ Luật sư Việt Nam. Thông qua các Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về chiến lược phát triển đội ngũ Luật sư Việt Nam trong thời kỳ mới, từ đó thể chế hóa về mặt pháp luật chủ trương hoàn thiện pháp luật về Luật sư. Bên cạnh sự chỉ đạo, chính sách của Đảng và Nhà nước thì sự hỗ trợ như tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Luật sư trong nước; khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Luật sư trong nước; hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh phụ vụ cho việc hội nhập nền kinh tế cũng cần được quan tâm.

Việc hội nhập quốc tế sẽ giúp cho các Luật sư Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để cọ sát, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; được tiếp cận, chuyển giao những kỹ năng, phương pháp hành nghề Luật sư tại các nước phát triển trên thế giới. Do đó, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế là hết sức quan trọng nhằm cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội

Đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn: Liệu có hợp lý?